Vietnamese English
Xử lý rác thải - bài học từ Hàn Quốc

4/13/2021 6:04:00 AM

30 năm trước, Hàn Quốc cũng như Việt Nam, có 96% rác thải bị chôn lấp, đối diện với tình trạng ô nhiễm và thiếu đất cho các bãi chôn lấp và chịu gánh nặng tài chính nhà nước trong xử lý rác. Và họ đã giải quyết như thế nào?


Rác thải có lẽ là vấn đề không của riêng quốc gia nào, kể cả các nước phát triển. 30 năm trước, Hàn Quốc cũng như Việt Nam, có 96% rác thải bị chôn lấp, đối diện với tình trạng ô nhiễm và thiếu đất cho các bãi chôn lấp và chịu gánh nặng tài chính nhà nước trong xử lý rác. Và họ đã giải quyết như thế nào?



Nhà máy tái chế rác.

Thực trạng rác thải ở Việt Nam

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tổng lượng rác thải tại Việt Nam hiện tại khoảng 50.000 tấn/ngày,
lượng rác thải tại các đô thị khoảng 35.000 tấn/ngày, lượng rác thải ở vùng nông thôn khoảng 15.000 tấn ngày.

Trên 80% lượng
rác thải đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, nhiều vùng ở Việt Nam không có đất để chôn lấp rác thải nên một lượng lớn rác được đem đốt. Do đó, đốt rác rất nguy hiểm cho con người, thải ra bụi mịn, các khí độc như dioxin, CO, furan, NOx, SOx gây nhiều bệnh hô hấp, thậm chí ung thư.

Còn việc chôn lấp rác rất tốn diện tích, kinh phí và kém hiệu quả, gây
ô nhiễm môi trường. Nhiều chất thải hữu cơ khó phân hủy, đặc biệt là nhựa, gây ô nhiễm đất, giảm độ phì của đất, làm đất bạc màu; các chất độc hại, đặc biệt là kim loại nặng trong rác thải làm ô nhiễm môi trường đất; chất hữu cơ và các chất độc hại trong rác làm ô nhiễm nguồn nước, gây thiếu ô-xy, làm động vật, thậm chí thực vật thủy sinh chết hàng loạt, làm suy thoái các hệ sinh thái; gây ô nhiễm nước ngầm, có thể rất nguy hiểm cho người dân nếu tiêu thụ nước ngầm.

Rác bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân; rác là môi trường cho ruồi, muỗi, chuột phát triển, gây dịch bệnh… Ô nhiễm môi trường do rác thải tác động rất xấu tới một số ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch.

Hiện nay, các quy định pháp luật về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của Việt Nam chủ yếu trong Luật bảo vệ môi trường và các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, tính thực thi của hệ thống pháp luật về rác thải chưa cao; chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm và đầu tư đúng mức cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; hầu như các tỉnh, thành phố ở Việt Nam chưa có hệ thống phân loại rác thải tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đã phân loại; các hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đã phân loại còn thiếu.

Trong khi đó, hệ thống tuyên truyền về rác thải còn rất yếu và chưa thường xuyên, chủ yếu phát động rồi bỏ ngỏ, dạng “đầu voi đuôi chuột”, chế tài để thực hiện các quy định về rác thải rất khó thực hiện, người dân hầu như chưa hiểu biết đúng và có ý thức tốt về rác thải.

Bài học từ Hàn Quốc

“Trong quản lý rác thải, tại sao Nhà nước phải trả tiền xử lý rác? Tại sao lại thu tiền xử lý rác đồng đều ở mỗi hộ dân, dù lượng rác thải ra khác nhau và số tiền này rất ít ỏi so với chi phí rất tốn kém mà Nhà nước phải chi trả: tiền trả nhân công, tiền vận chuyển, tiền xử lý rác, tiền đất, tiền quản lý…”, Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) nói.

Lấy dẫn chứng trong công tác quản lý và xử lý rác thải, bà Lý nói về Hàn Quốc, đất nước này đã xây dựng được nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác. Với diện tích 99,720 km2, dân số 51 triệu, Hàn Quốc là một quốc gia với diện tích tương đối nhỏ với mật độ dân số đông và khan hiếm tài nguyên thiên nhiên.

Trước vấn nạn rác thải ảnh hưởng lớn đến đời sống và phát triển kinh tế, Hàn Quốc đã đưa ra quyết sách mạnh để giải quyết, mục tiêu là thúc đẩy các doanh nghiệp chế tạo sản phẩm thân thiện với môi trường. Chính sách và công nghệ chính là chìa khóa tạo nên sự thay đổi trong quản lý rác thải ở Hàn Quốc.

Theo bà Lý, 30 năm trước, Hàn Quốc cũng như Việt Nam, 96% rác thải bị chôn lấp, ô nhiễm và thiếu đất cho các bãi chôn lấp, chịu gánh nặng tài chính nhà nước trong xử lí rác.

Giải quyết tình trạng này, Hàn Quốc đã biến rác thành tài nguyên bằng cách ban hành Luật thúc đẩy Tái chế và tiết kiệm tài nguyên (Luật Tái chế) năm 2008; thành lập K-Eco (Korea Environment of Cooperation) với mục tiêu thúc đẩy tuần hoàn tài nguyên; thành lập KORA: trung tâm thực thi nhiệm vụ tái chế.

Với nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” nhằm tạo ra nền kinh tế tài nguyên, tạo thị trường, tạo động lực về tài chính, nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao trách nhiệm xã hội của người dân.

Đồng thời, quy định các doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu gom và xử lí rác thải, mục tiêu là thúc đẩy các doanh nghiệp chế tạo sản phẩm thân thiện với môi trường. Theo đó, nhà sản xuất phải tự thu gom, tự xử lí rác hoặc trả tiền công ty thu gom và tái chế rác. Việc lập ra các cơ quan trung lập như K-Eco và  KORA đã giảm được gánh nặng tài chính cho nhà nước và tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân.

Hàn Quốc quy định người tiêu dùng phải phân loại rác tại nguồn; công ty tái chế thu gom và tái chế sản phẩm rác và bao bì EPR, tổ chức phân loại bao bì tại nguồn; Chính phủ địa phương phân loại rác tái chế theo hệ thống EPR (trách nhiệm doanh nghiệp mở rộång).

K-Eco và KORA xác nhận các dữ liệu doanh thu và nhập khẩu và vai trò của từng doanh nghiệp, thu và kiểm định hoạt động tái chế, chỉ đạo hoạt động liên quan đến EPR bao gồm cả hình phạt vi phạm luật tái chế, nghiên cứu các loại đồ chứa rác. Bộ Môi trường quản lý hệ thống EPR và thi hành và điều chỉnh các chính sách, kiểm tra và thông báo số liệu và mục tiêu tái chế của từng sản phẩm.

Kết quả sau đó sản lượng rác được tái chế của Hàn Quốc tăng 72%; 93% bao bì nhựa phim được tái chế năm 2016; 6 tỷ đô la Mỹ được tạo ra từ vật dụng tái chế; 5 tỷ đô la Mỹ từ việc cắt giảm chi phí đốt và chôn rác, giảm được khí CO2; giảm gánh nặng tài chính và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Về vai trò của công nghệ trong xử lý rác thải, Hàn Quốc phát triển các công nghệ lọc, phân loại và tái chế rác thành sản phẩm có ích, hệ thống xử lí và tái chế rác; trạm rác, phân loại rác, tài nguyên tái chế, đồ tái chế.

Để tái chế rác và hạn chế lượng rác thải, tất cả các cơ quan lớn và nhỏ đều phải phối hợp nhuần nhuyễn để chính sách tái chế thành công, đồng thời cần sự thực thi của người dân.

Theo Anninhthegioi

Lượt xem : 1320