Xu hướng của tương lai: Nước sẽ không còn là mặt hàng "miễn phí"
10/3/2009 6:11:00 AM
TTO - "Chúng ta cần giảm trừ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiệm vụ này quá rõ và không còn thời gian thoái thác" - giáo sư John Beddington, cố vấn khoa học cao cấp của Chính phủ Vương quốc Anh, đã chia sẻ như vậy tại buổi nói chuyện với sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội ngày 2-10.
|
Giáo sư John Beddington, cố vấn khoa học cao cấp của Chính phủ Vương quốc Anh |
Giáo sư John Beddington dự báo trong tương lai, nước (kể cả nước dùng cho nông nghiệp) sẽ không còn là mặt hàng "miễn phí" nữa để chứng minh cho yêu cầu cần hành động ngay để thích ứng và giảm thiểu tác hại từ biến đổi khí hậu.
TTO xin giới thiệu một phần bài nói chuyện này của GS Beddington:
“Ngày nay, có đến 1,2 tỉ người sinh sống tại những khu vực vốn chịu ảnh hưởng của việc khan hiếm nước. Con số này ước tính sẽ còn tăng do khu cầu về nước của thế giới tăng lên. Nhu cầu tiêu dùng nước phụ thuộc vào dân số, thu nhập, chế độ ăn uống và quy mô nông nghiệp tưới tiêu. Dựa vào con số ước tính trung bình, nhu cầu về nước cho nông nghiệp có thể tăng hơn 30% tính tới năm 2030.
Nông nghiệp là ngành tiêu thụ nhiều nước nhất trên cả thế giới với mức tiêu thụ chiếm khoảng 70% tổng nguồn nước cung cấp của cả thế giới (FAO 2007). Ngành nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn với những thành phố ngày càng đông dân trên thế giới để có nước. Do đó, khả năng trong tương lai nước không còn là một mặt hàng "miễn phí" rất có thể xảy ra.
“Thách thức đặt ra cho ngành nông nghiệp toàn cầu là phải sản xuất nhiều lương thực thực phẩm hơn nhưng lại không được sử dụng thêm quá nhiều đất, đồng thời chỉ được dùng ít nước, phân bón và thuốc trừ sâu hơn so với hiện nay” - GS Beddington.
|
Có vẻ như nhu cầu về đất phục vụ mục đích sản xuất lương thực thực phẩm và quá trình đô thị hóa tăng lên đáng kể, cùng với xu hướng tiêu dùng năng lượng như đã nêu trên là điều không thể tránh khỏi.
Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt và mối lo leo thang này có thể dễ dàng nhận thấy thông qua việc một số quốc gia có khí hậu nóng và khô như Ai Cập, Libya, Saudi Arabia và Trung Quốc tăng cường mua đất tại các nước đang phát triển. Các công ty đa quốc gia cũng đang đầu tư vào đất nông nghiệp.
Thách thức đặt ra cho ngành nông nghiệp toàn cầu là phải sản xuất nhiều lương thực thực phẩm hơn nhưng không được sử dụng thêm quá nhiều đất, đồng thời chỉ được dùng ít nước, phân bón và thuốc trừ sâu hơn so với hiện nay.
Những nhu cầu nêu trên cần phải được đáp ứng trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu tăng lên gây ảnh hưởng tới nguồn nước, lương thực thực phẩm và hệ sinh thái trên mọi khu vực, đồng thời thiên tai xảy ra ngày càng dữ dội và thường xuyên hơn. Mực nước biển dâng cao và lũ lụt sẽ tác động mạnh nhất vào những vùng châu thổ rộng lớn. Đây là vùng đất quan trọng cho sản xuất lương thực thực phẩm và sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nước của nhiều nơi.
Nước biển sẽ ấm hơn, nhiều tính axít hơn, đa dạng sinh vật biển giảm sút và tài nguyên biển bị khai thác quá mức. Đại dương đóng vai trò như một hồ chứa CO2, nhưng nồng độ axít tăng lên ảnh hưởng nghiêm trọng tới mạng lưới thực phẩm biển và hệ sinh thái của biển. Đây lại là điều kiện thiên nhiên mà rất nhiều người nghèo trên thế giới phải phụ thuộc. Tình trạng đánh bắt cá bừa bãi liên tiếp được cho là càng đe dọa các nguồn tài nguyên vốn hạn chế này.
Kể từ khi bản báo cáo gần nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố năm 2007, các chứng cứ mới cho thấy biến đổi khí hậu đang đe dọa thế giới nhanh hơn các mô hình nghiên cứu tiên đoán, và khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu luôn ở mức cao hơn so với các ước tính. Ví dụ, năm 2007, IPCC kết luận rằng vào mùa hè phần lớn biển Bắc Cực có thể sẽ tan băng hoàn toàn tính tới cuối thế kỷ 21.
Diện tích băng trên biển xuống thấp nhất vào năm 2007 và 2008 cùng với các bằng chứng mới về việc băng mỏng hơn và tốc độ tan chảy đã khiến các nhà khoa học kiểm tra lại những ước tính trên một cách thận trọng.
Thêm vào đó, có một số phân tích cho thấy vùng biển Bắc Cực có thể gần như tan băng hoàn toàn trước năm 2030. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ tới khu vực Bắc Cực mà cả thế giới nói chung vì chính tác động dội ngược của nó khiến biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn.
Chúng ta cần giảm trừ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiệm vụ này quá rõ và không còn thời gian để thoái thác. Ước tính lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu buộc phải giảm ít nhất 50-60% tính đến năm 2050 so với mức độ hiện nay. Mục tiêu của nước Anh nhằm giảm 80% khí thải trước thời điểm đó buộc tất cả mọi ngành phải đóng góp đáng kể để thay đổi cách thức hoạt động trước đây”.
H.GIANG (ghi)
Nguồn: Tuổi Trẻ, 2/10/2009
Lượt xem : 1940