Xin lấn vịnh Hạ Long: Minh chứng đồng tiền soán ngôi đầu
2/9/2015 9:57:00 AM
Trước đề nghị xin thu hẹp vùng đệm di sản vịnh Hạ Long của UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra thời gian gần đây, Bộ VHTT&DL chưa đồng tình.
Quảng Ninh đã xin ý kiến Bộ
Chia sẻ với Đất Việt, ngày 6/2, TS Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục di sản (Bộ VHTT&DL) khẳng định: "UBND tỉnh Quảng Ninh đã có đề nghị lên trên Cục di sản, Bộ VHTT&DL xin ý kiến về việc thu hẹp diện tích vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long".
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết thêm: "Hiện nay, Bộ vẫn chưa có ý kiến gì cụ thể về việc này, mặc dù đã được xin ý kiến".
Trong khi đó, về phía Hội đồng di sản quốc gia, ngày 3/2, ông Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng di sản VN cho biết: "Về phía Hội đồng di sản quốc gia, thì chúng tôi chưa có thông tin cụ thể về việc thu hẹp vùng đệm, chưa có hồ sơ!".
Đặc biệt, về phía UNESCO, TS Dương Bích Hạnh - Trưởng ban văn hóa thuộc Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết: "Hiện nay, UNESCO vẫn chưa nhận được hồ sơ trình lên của UBND tỉnh Quảng Ninh".
Bà Hạnh khẳng định: "Ở góc độ di sản thì việc thu hẹp diện tích vùng đệm cũng sẽ ảnh hưởng nhưng tùy theo mức độ dự án, vì chưa biết dự án đó ra sao, nên chưa nhận định, nhưng tất cả cứ dựa theo hồ sơ di sản của UNESCO để đối chiếu".
Thu hẹp vùng đệm chuyện cần phải cân nhắc kỹ
Cũng chia sẻ với Đất Việt trước vấn đề này, ngày 6/2, TS Đào Trọng Hưng - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: "Về nguyên tắc cơ bản, khi đã xác định thu hẹp vùng đệm thì đó là việc xâm phạm di sản cần phải cân nhắc, ít nhất là cần ý kiến của Hội đồng đánh giá di sản ở địa phương, sau đó đến tầm quốc gia".
Bên cạnh đó, theo ông Hưng, cần phải đảm bảo các yếu tố: Thứ nhất, cần phải xác định cụ thể các công trình nằm ở khu vực nào, nếu như xâm phạm cảnh quan tự nhiên, vùng đệm thì phải xem xét.
Bởi vùng đệm thì hay nằm ở những vùng rừng ngập mặn, dòng chảy, cản trở tiêu chí của di sản, ảnh hưởng hoạt động bảo tồn, bảo vệ, nếu như vậy thì chắc chắn phải có ý kiến.
Thứ hai, việc xin thu hẹp vùng đệm phải được công bố truyền thông rộng rải để các nhà tư vấn, khoa học, những người hoạt động bảo tồn biết và đưa ra ý kiến.
Bên BQL vịnh Hạ Long phải công bố, công khai, các ý kiến đóng góp của cộng đồng, của các nhà khoa học, của các nhà tư vấn, những người làm công tác bảo tồn, sau đó mới được thực hiện.
Thứ ba, đã có hồ sơ di sản trình lên UNESCO, thì phải xem lại cam kết, xem và đối chiếu lại bản đồ quy hoạch diện tích vùng đệm, vùng lõi (vùng bảo vệ tuyệt đối) với Hội đồng di sản quốc gia và UNESCO, bởi vì nó là di sản thiên nhiên thế giới.
Mặt khác, ông Hưng nhận định: "Di sản cũng chia rõ vùng bảo vệ tuyệt đối, vùng đệm, nhưng không phải vùng đệm nếu muốn xâm phạm là được, vùng đệm đôi khi là căn cứ để phục hồi cảnh quan, sinh thái, phục vụ cho mục đích bảo tồn là chính, chứ không phải phát triển là chính, đó là quy hoạch dự trù, nên không phải muốn làm gì thì làm".
Vậy đề ra vùng đệm là để làm gì? Ông Hưng đặt câu hỏi.
Hơn thế, việc để cho các tập đoàn lớn đầu tư ồ ạt vào vịnh Hạ long như hiện nay, ông Hưng cho rằng đây cũng là một minh chứng cho giá trị đồng tiền và đô la đang thắng việc bảo tồn di sản.
Theo Báo Đất Việt
Lượt xem : 1717