Vietnamese English
Xây trạm bơm 150 tỷ cho sông Tô Lịch: Không triệt để

8/18/2019 1:49:00 PM

Việc xây trạm bơm dẫn nước từ sông Hồng vào Hồ Tây rồi bổ cập cho sông Tô Lịch không giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm của con sông này.

 Đề xuất xây dựng Trạm bơm công suất 156.000 m3/h để dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch và điều tiết mực nước hồ Tây có khái toán kinh phí khoảng 150 tỷ đồng và đang được thành phố Hà Nội xem xét.

Theo đề xuất trên, hệ thống trạm bơm sẽ dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào Hồ Tây; khi hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ qua hai cửa xả vào sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông.

Trao đổi với Đất Việt chiều 17/8, GS.TS Ngô Đình Tuấn - Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam đánh giá, việc xây trạm bơm 150 tỷ dẫn nước từ sông Hồng vào Hồ Tây rồi bổ cập cho sông Tô Lịch không giải quyết triệt để được vấn đề ô nhiễm của con sông này.

Xay tram bom 150 ty cho song To Lich: Khong triet de
Khu vực thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản cho kết quả ban đầu khá khả quan. Bùn thải và mùi hôi thối đã giảm đáng kể.
 

"Phương án này không giải quyết được bùn thải, mùi hôi thối và nếu nước dẫn vào không đủ lớn sẽ không pha loãng được nước ô nhiễm ở sông Tô Lịch (đủ để tự làm sạch), nguồn nước ô nhiễm sẽ đổ về phía hạ du. Như thế thì người dân hạ du sẽ không chấp nhận điều này.

Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch, Hà Nội phải thực hiện 3 bước. Đầu tiên là kè hai bên sông, sau đó xử lý ô nhiễm bao gồm cả bùn thải và mùi hôi, cuối cùng mới mới đưa nước vào sông, tạo dòng chảy và nâng mực nước sông lên.

Nếu không xử lý triệt để được mùi hôi thối và bùn thải mà chỉ tính đến phương án nạo vét thì sẽ rất tốn kém. Phải tính toán làm sao để trả lại vẻ đẹp vốn có của sông Tô Lịch từ xa xưa, nơi "thuyền xưa vua đậu", không phải cứ đem tiền ra để pha loãng ô nhiễm mà không giải quyết triệt để vấn đề", GS. Tuấn nhấn mạnh.

Trở lại vấn đề xử lý mùi hôi thối, bùn thải của sông Tô Lịch, GS.TS Ngô Đình Tuấn cho rằng, cần phải tìm ra một giải pháp công nghệ hữu hiệu với giá thành rẻ để giải bài toán này.

"Sau khi áp dụng thí điểm Công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật tại sông Tô Lịch, kết quả cho thấy lượng bùn thải đã giảm xuống, mùi hôi hết dần. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả sau 20 ngày thí điểm, chưa phải là kết quả cuối cùng.

Mới chỉ trong một thời gian ngắn mà đã cho được kết quả như vậy tôi cho rằng giải pháp này có hi vọng. Công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật vừa xử lý được mùi hôi vừa giải quyết được vấn đề bùn thải hữu cơ.

Mặt khác, Công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật có chu trình là 25 năm, làm một lần mà có có hiệu quả tới 25 năm, sau 25 năm mới phải đặt lại thiết bị một lần. Phương án này tiết kiệm hơn rất nhiều thay vì phải nạo vét bùn thải hàng năm với kinh phí khổng lồ.

Chỉ một giải pháp công nghệ mà giải quyết được rất nhiều vấn đề cho sông Tô Lịch. Vì thế tôi cho rằng, Hà Nội nên tạo điều kiện, nghiên cứu và đánh giá thật kỹ Công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật trên cơ sở đó, tìm ra phương án tối ưu trong việc giải quyết ô nhiễm cho sông Tô Lịch.

Nếu thành công, chúng ta có thể nhân rộng công nghệ này ra các con sông bị ô nhiễm khác của Thủ Đô, như sông Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Lừ, sông Sét...", vị chuyên gia phân tích.

GS.TS Ngô Đình Tuấn lưu ý, phân tích trên là dựa trên quan điểm của cá nhân ông dựa trên kết quả thí điểm công nghệ Nhật trên sông Tô Lịch sau 20 ngày. Đó chưa phải là kết quả cuối cùng.

"Chúng ta phải chờ kết quả sau khi Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) và cơ quan chức năng đo tại sông Tô Lịch, dự kiến vào tháng 9). Khi đó mới có đánh giá chính xác được hiệu của của Công nghệ Nano-Bioreactor", GS. Tuấn nói.

 

Hoàng Hải (Baodatviet.vn)

Lượt xem : 1308