Theo báo cáo của Trung tâm quan trắc môi trường, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề tồn tại thủy ngân trong không khí, không chỉ từ các nguồn ô nhiễm trong nước mà còn từ các nguồn
ô nhiễm xuyên biên giới.
Thực tế này gây khó khăn, thách thức trong công tác giám sát và kiểm soát ô nhiễm thủy ngân. Bên cạnh đó, hạn chế về phương pháp, cách thức, kỹ thuật, sự phối hợp trong kiểm soát ô nhiễm giữa các quốc gia cũng gây khó khăn cho việc quan trắc thủy ngân.
Hoạt động quan trắc môi trường tại Việt Nam được thiết lập và duy trì từ năm 1994 đến nay. Tuy nhiên, việc quan trắc thủy ngân trong không khí mới chỉ được thực hiện trong những chương trình quan trắc đặc biệt, một số hoạt động nghiên cứu và tại các khu vực nhằm đánh giá, kiểm soát sự phát tán và
vận chuyển thủy ngân trong môi trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, Việt Nam đang triển khai thiết lập, xây dựng mạng lưới quan trắc ô nhiễm thủy ngân nhằm từng bước giám sát, kiểm soát ô nhiễm thủy ngân. Cùng với việc tham gia công ước Minamata vào tháng 10 năm ngoái, tham gia vào mạng lưới thử nghiệm quan trắc thủy ngân khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ có thêm các công cụ pháp lý để thực hiện việc
kiểm soát ô nhiễm thủy ngân không khí trong tương lai.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động quan trắc thủy ngân, phát tán thủy ngân trong không khí… Từ đó nâng cao kiến thức về các vấn đề khoa học liên quan tới thủy ngân tới các đơn vị trong hệ thống quan trắc môi trường trong nước, các quốc gia tham gia Mạng lưới quan trắc thủy ngân khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy công tác kiểm soát
ô nhiễm thủy ngân và thực thi công ước Minamata đầy đủ, hiệu quả.
Các đại biểu cũng đã thảo luận các vấn đề có liên quan đến việc kiểm soát phát thải thủy ngân bao gồm các đề xuất hoạt động, sự tham gia của các bên trong việc thực hiện các hoạt động kiểm soát phát thải thủy ngân ra môi trường, tập trung vào một số lĩnh vực hoạt động như nhiệt điện, khai thác vàng...