quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Sông Mê kông những mối lo

Thứ Ba, 11/05/2010 | 08:37:00 AM

Từ những hội nghị quốc tế về sông Mê Kông vào tháng 4, những mối lo ngại về tình hình dòng sông “huyết mạch” của nhiều quốc gia thuộc châu Á, trong đó có Việt Nam, đã được các nước nhìn nhận một cách nghiêm túc và có hệ thống.


Sông Mê Kông là "huyết mạch" của ngư dân và nông dân nhiều quốc gia châu Á

 

Đại diện của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam sẽ cùng bạn đọc phân tích thêm về tình hình của sông Mê Kông hiện nay.

Đập thủy điện và những vấn đề phát sinh

Rõ ràng vấn đề phức tạp và lớn nhất mà sông Mê Kông đang phải đối mặt hiện nay là một loạt các công trình thủy điện được đệ trình xây dựng ở khu vực hạ lưu sông, kéo theo nhiều đánh đổi giữa cái được và cái mất. Các đập sẽ cản trở những loài thủy sinh di trú, làm giảm cường độ và thời gian của đỉnh lũ, do vậy cũng làm giảm sản lượng đánh bắt thủy sản ở vùng hạ lưu. Sự suy giảm dù nhỏ cũng có thể gây tác động nghiêm trọng tới an ninh lương thực.

Báo cáo Hiện trạng lưu vực sông Mê Kông 2010 của Ủy ban sông Mê Kông (MRC) đã trình bày rất rõ ràng về những hậu quả này. Bản báo cáo ước tính rằng lợi ích của các dịch vụ và hàng hóa hệ sinh thái từ các trận lũ hằng năm của sông Mê Kông gấp hàng trăm lần so với thiệt hại do lũ gây ra. Tuy vậy, bài phát biểu của Phó tổng cục trưởng Cục Thủy lợi Trung Quốc, ông Chen Mingzhong, lại nhấn mạnh vào các lợi ích điều tiết lũ của các đập trên sông Lan Thương (phần sông Mê Kông chảy qua Trung Quốc)mà không đề cập gì tới các tác động bất lợi đối với môi trường. Trong khi đó, theo Chương trình phát triển lưu vực sông của MRC, một triệu người Campuchia sẽ mất khả năng sinh kế nếu các đập đề xuất trên dòng chảy chính của con sông được xây dựng.

Cùng với những lo ngại này là sự thiếu hiểu biết về quy mô và phạm vi của một số các tác động tiềm tàng khác. Chẳng hạn như các đập sẽ chặn dòng phù sa giữ cho đồng bằng sông Mê Kông cao hơn mực nước biển. Nếu khu vực đồng bằng chìm dần, các khu rừng ngập mặn sẽ biến mất, TP.HCM sẽ phải hứng chịu ngày càng nhiều bão nhiệt đới. TP.HCM có thể trở thành một New Orleans thứ hai, chỉ với một khác biệt quan trọng là khu vực này đóng góp một nửa GDP của toàn Việt Nam. Không có bài phát biểu nào trong những hội nghị quốc tế vừa qua chỉ ra được vấn đề ngăn chặn sự lưu thông của phù sa đã được giải quyết thành công ra sao ở những dòng sông lớn có sự phát triển đáng kể của thủy điện.

Cần cân nhắc giữa lợi và hại

Trong khi các lợi ích của việc bán năng lượng chủ yếu là phục vụ cho các chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước, nhà đầu tư, các công ty xây dựng, các nhà vận hành thủy điện, thì hàng triệu người dân nghèo nông thôn đang phải trả giá. Làm thế nào thiết kế được một cơ chế chia sẻ lợi ích một cách công bằng trong những điều kiện như vậy? Sự không công bằng này là quá rõ ràng và cũng được ghi chép đầy đủ. Câu hỏi đặt ra là: Ai là người quyết định để cân đối giữa lợi ích và cái giá phải trả? Câu trả lời là các chính phủ. Nhưng nếu các quốc gia có rất ít hoặc không có sự tham gia của cộng đồng vào quá trình quyết định cũng như trách nhiệm giải trình của chính phủ rất hạn chế thì ảnh hưởng của các đập lớn nơi mà khoảng cách giữa người được và người mất quá lớn sẽ là gì? Và điều gì xảy ra nếu những người chịu thiệt thòi không phải là công dân của nước có con đập được xây dựng?

Đối với Việt Nam, các con đập xây dựng ở vùng thượng nguồn sông Mê Kông là mối đe dọa tiềm tàng do các tác động có thể có đối với vùng đồng bằng mang tính sống còn về mặt kinh tế. Tại các diễn đàn trong khu vực cho tới nay, nguyên tắc về chủ quyền dân tộc đã cản trở sự hợp tác tiếp cận chia sẻ lợi ích hiệu quả tại khu vực sông Mê Kông.

Những lo ngại giữa cái được và mất, cũng như sự không kiên định sẽ trở thành chủ đề bàn luận khi năm nay chính phủ Lào đệ trình thông báo chính thức mong muốn xây dựng một hoặc nhiều con đập trên dòng chảy chính của sông Mê Kông. Đây sẽ là một thử thách đối với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Ủy ban sông Mê Kông trong 15 năm qua. Ủy ban sông Mê Kông đã bước vào thời điểm quyết định. Một thách thức đối với ủy ban là hỗ trợ quá trình gắn kết lợi ích của tất cả các bên liên quan và chủ trương thực hiện các hoạt động đối lập với lợi ích ngắn hạn của quốc gia? Nếu không, hàng trăm triệu đô-la của các nhà tài trợ kể từ năm 1995 đến nay có thể trở thành vô nghĩa.

(Theo Thanh niên, 10/5/2010) 
(Theo IUCN Việt Nam)

Lượt xem: 1379

Các tin khác

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

(10/03/2024 07:49:AM)

Giảm dấu chân carbon - hướng tới net zero

(06/03/2024 04:46:AM)

Doanh nghiệp và xu thế chuyển đổi xanh

(21/02/2024 09:11:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE