Đối với động vật hoang dã, đại ngàn chính là gia đình thiêng liêng.
Rời “nhà” để đến “nhà”
Đối với động vật hoang dã, nhà trong đôi mắt trong veo của chúng chính là đại ngàn thiêng liêng. Dù vậy, một số cá thể không may trở thành nạn nhân của nạn săn bắt trái phép. Số khác từ khi sinh ra vốn có thể trạng yếu ớt, hoặc vô tình bị tổn thương do tính cạnh tranh giữa các loài, không thể sinh tồn ở thế giới tự nhiên. Nhà không còn là nhà đúng nghĩa bởi không bảo đảm an toàn và mất đi rất nhiều “thành viên”.
Tại Việt Nam, có một nơi được mệnh danh là ngôi nhà thứ hai của muông thú, đó chính là Vườn Quốc Gia Cúc Phương.
Trải qua 60 năm tiên phong trong công tác bảo tồn và cứu hộ động vật hoang dã, hiện vườn đang chăm sóc 2.737 cá thể thuộc 78 loài khác nhau. Trong đó có 51 cá thể tê tê và thú ăn thịt nhỏ, 2.111 cá thể rùa cạn và rùa nước ngọt, 167 cá thể thuộc phân loài linh trưởng quý hiếm, cùng 405 cá thể khỉ, hươu sao, nai, công, gà lôi trắng...
Chúng đều là nạn nhân của các vụ săn bắt trái phép, may mắn được giải cứu kịp thời và đưa đến Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Gia đình mới
Những ngày đầu đến với Vườn Quốc gia Cúc Phương, hầu hết các cá thể động vật được giải cứu đều có thể trạng yếu ớt, chịu tổn thương về thể xác lẫn tinh thần.
Có những chú voọc bị mất đi tay chân, có những chú rùa, tê tê luôn căng thẳng, sợ hãi vì ám ảnh bị truy bắt. Tại “mái nhà” Cúc Phương, những con vật đáng thương đã được chào đón nồng hậu bởi cán bộ, nhân viên đang công tác nơi đây.
Ngoài đội ngũ bản địa, “thủ đô bảo tồn” còn chào đón hàng trăm chuyên gia, tình nguyện viên từ khắp năm châu, bốn bể tề tựu để tham gia cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã.
Mọi rào cản ngôn ngữ, văn hóa đã bị phá vỡ bởi “sợi dây” liên kết kỳ diệu: tình yêu vô điều kiện dành cho thế giới tự nhiên.
Đội ngũ chuyên gia, tình nguyện viên của Vườn Quốc Gia Cúc Phương đến từ khắp nơi trên thế giới.
Mỗi ngày, công việc chính của đội ngũ nhân viên tại khu bảo tồn Vườn Quốc gia Cúc Phương là chăm sóc những cá thể được cứu hộ bằng tất cả chuyên môn, kinh nghiệm và tình yêu. Với bản năng sinh sống trong rừng sâu, những con vật đồng cảnh ngộ cũng đã xích lại gần nhau để bầu bạn, chia sẻ.
Cứ thế, Vườn Quốc gia Cúc Phương trở thành một đại gia đình đặc biệt, là mái nhà bình yên giúp những “đứa con” đại ngàn tìm lại màu xanh non trong đôi mắt phản chiếu bóng rừng ngày nào.
Những “cuộc chia tay” đáng mong đợi
Sau khi đã phục hồi thể trạng và tập tính, đủ điều kiện để có thể kiếm ăn, tự vệ, thích nghi, động vật hoang dã sẽ được tái thả về môi trường tự nhiên.
Từ tháng 1/2020 đến nay, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã thực hiện tái thả hơn 900 cá thể. Đó cũng là hơn 900 “cuộc chia tay” mà tất cả các cán bộ tại vườn đều rất mong đợi.
Con số ấn tượng này là thành quả có được nhờ sự nỗ lực không ngừng của Vườn Quốc gia Cúc Phương nói riêng, và sự hợp tác chặt chẽ của các đơn vị đồng hành nói chung, trong đó có thương hiệu mỹ phẩm cao cấp Menard Việt Nam.
Với lòng biết ơn thiên nhiên tha thiết và tinh thần hăng say lan tỏa các giá trị đẹp đến cộng đồng, thương hiệu Menard đã có nhiều đóng góp thực tiễn trong công tác bảo tồn thiên nhiên, duy trì đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, Menard đã đồng hành Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức các hoạt động tái hoang dã, nhận bảo trợ cho những cá thể có hoàn cảnh đặc biệt, và đóng góp vào “Quỹ tài trợ, ủng hộ cho công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã, quý hiếm” của Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Bà Lê Thanh Hương - Tổng Giám đốc Menard Việt Nam (bìa trái), cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Đình Đức và đại diện Vườn Quốc gia Cúc Phương (bìa phải) trước khi tái thả một cá thể rùa sa nhân về tự nhiên.
Ngày đầu tháng 4 vừa qua, thương hiệu mỹ phẩm từ Nhật Bản đã quay trở lại “thủ đô bảo tồn”, tiếp tục tổ chức hoạt động tái hoang dã với chủ đề “Những đôi mắt xanh non”.
Theo đại diện thương hiệu, “đôi mắt xanh non” chính là đôi mắt của những cá thể hoang dã khi được sinh sống khỏe mạnh, bình an trong môi trường tự nhiên, cũng chính là đôi mắt của mỗi người chúng ta khi tạo ra các giá trị bền vững cho cộng đồng.
Đoàn Menard Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên trong hành trình gần nhất.
Chia sẻ về nguồn lực có được từ sự hỗ trợ của đơn vị đồng hành, ông Nguyễn Văn Chính - Giám đốc Vườn Quốc Gia Cúc Phương cho biết: “Một số loài động vật đã và đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Công tác bảo tồn và phát triển quần thể các loài này đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Sự đồng hành bằng nhiều hình thức của các cá nhân, tổ chức không những giúp Vườn Quốc gia Cúc Phương hoàn thành tốt các mục tiêu bảo tồn ở thời điểm hiện tại, mà còn góp phần gieo ý thức trách nhiệm, tình yêu đối với thiên nhiên cho thế hệ tương lai".