Vietnamese English
Vụ Vedan “cù nhầy”: Người dân có quyền bày tỏ thái độ

7/1/2010 8:54:00 AM

Trước việc Vedan nhì nhằng trong thương lượng mức bồi thường cho bà con nông dân và tin UBND tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu có thể kiện Vedan ra tòa, một số chuyên gia cho rằng cũng có thể mời chuyên gia pháp luật nước ngoài vào cuộc.

 

Nông dân Trần Văn In (ấp Bàu Trường, xã Phước An, Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho biết ô nhiễm môi trường do Vedan gây ra làm thiệt hại nặng nề đến nghề nuôi tôm Ảnh: HÀ MI

Các chuyên gia pháp lý nước ngoài có kinh nghiệm về môi trường sẽ giúp nông dân có những cơ sở vững chắc để thắng vụ kiện này. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng: càng nhì nhằng, Vedan càng làm người dân tỏ thái độ không thân thiện với sản phẩm của mình.

Phải khởi kiện ngay

Theo TS Nguyễn Khánh Ngọc - phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp, trên thế giới việc một nhóm người có quyền lợi bị xâm hại thì họ có thể đứng ra hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp khởi kiện tổ chức, cá nhân có hành vi làm xâm hại lợi ích của họ là bình thường. Ở nước ta, việc khởi kiện tập thể chưa được pháp luật quy định chặt chẽ nhưng không phải là không thể khởi kiện. “Cần phải hành động ngay vì thời hiệu khởi kiện đã sắp hết, nếu hết thời hiệu khởi kiện mà vẫn chưa thương lượng được thì người dân sẽ mất quyền lợi” - ông Ngọc nói.

Vedan... không hiểu(!)

Lý do để Vedan nhì nhằng trong thương lượng bồi thường chính là con số thiệt hại. Trong khi Vedan chỉ chấp nhận bồi thường 10 tỉ đồng thì theo kết quả thẩm định và tính toán của Viện Môi trường và tài nguyên (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), con số thiệt hại là 53,6 tỉ đồng. Vedan cho rằng các số liệu phân tích, thẩm định của viện là không chính xác.

Sốt ruột vì vụ việc giải quyết mãi không xong, TS Hoàng Ngọc Giao - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển - mong muốn chính quyền và hội nông dân các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai phải bày tỏ thái độ kiên quyết hơn nữa. “UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn toàn có quyền khởi kiện Vedan một vụ kiện dân sự, vì UBND được trao quyền quản lý đoạn sông Thị Vải, nơi mà nhà máy của Vedan cố ý gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại tới sinh thái, môi trường khiến Nhà nước phải bỏ tiền để khắc phục hậu quả. Cạnh đó, hội nông dân các tỉnh, thành có quyền đại diện cho quyền lợi của dân kiện Vedan ra tòa” - ông Giao nói.

Nên trưng cầu giám định quốc tế

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe - khoa môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội, ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN - nhắc lại một bài học cũ: hơn mười năm trước, vụ tàu chở dầu Neptune Aries (Singapore) trong khi cập cầu cảng Cát Lái đã đâm vào cầu cảng và làm tràn hơn 1.500 tấn dầu ra môi trường. Sự cố này đã ảnh hưởng nghiêm trọng trên một khu vực rộng hàng chục ngàn hecta, kéo dài 40-50km. UBND TP.HCM đã khởi kiện chủ tàu và lúc đầu chủ tàu cũng định nhì nhằng như Vedan, nhưng khi có một luật sư giỏi người Canada sẵn sàng giúp hoàn thiện hồ sơ vụ kiện thì chủ tàu lập tức chuyển sang thương lượng. Kết quả là chủ tàu đồng ý bồi thường 4,2 triệu USD.

“Đó là lần đầu tiên chúng ta mời chuyên gia quốc tế và chủ tàu gây thiệt hại phải tâm phục khẩu phục. Kết quả giám định của Viện Môi trường và tài nguyên là khách quan nhưng nếu Vedan còn chưa chịu thì tôi đề nghị nên thuê luật sư, chuyên gia hoặc tổ chức giám định quốc tế cho khách quan, họ có kinh nghiệm và vì thế các chứng lý khoa học họ đưa ra sẽ thuyết phục” - TS Hòe kiến nghị. TS Hoàng Ngọc Giao cũng cho rằng nếu kiện ra tòa mà Vedan không chấp nhận kết quả giám định của Viện Môi trường và tài nguyên thì tòa phải trưng cầu giám định của một tổ chức độc lập khác được cả hai bên (người khởi kiện và người bị kiện) chấp nhận. “Trong trường hợp này, tôi ủng hộ việc trưng cầu giám định độc lập của một tổ chức quốc tế” - ông Giao nói.

Người dân có quyền bày tỏ thái độ

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ: “Ngoài việc thương lượng hoặc kiện ra tòa thì người dân và các tổ chức xã hội đại diện cho họ có thể sử dụng biện pháp nào khác đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường mà chưa giải quyết rốt ráo được vấn đề?”, TS Giao nói: “Bằng cách này cách khác người dân có quyền bày tỏ thái độ. Thường trên thế giới người dân sẽ tẩy chay các sản phẩm của những công ty gây hại cho cộng đồng. Luật pháp nước ta không cấm việc người dân tẩy chay hàng hóa của một công ty gây hại tới lợi ích chung nhưng việc đó do người dân tự lựa chọn. Đây là một thái độ của xã hội và thông thường các doanh nghiệp, công ty rất sợ những phản ứng kiểu này”.

PGS.TS Nguyễn Đăng Vang - phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội - cho biết: “Ở nước ta chưa quy định cụ thể về điều kiện, trình tự cho việc tẩy chay hay kêu gọi tẩy chay một loại hàng gây hại cho người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa đó cố ý gây hại cho môi trường. Nhưng luật pháp cho phép chúng ta khởi kiện các hành vi xâm hại môi trường và cho phép công luận lên án những hành vi đó. Tôi có dịp trao đổi với Hội Bảo vệ người tiêu dùng của Hoa Kỳ và họ nói rằng việc công khai các thông tin sai phạm, lên án các hành vi đó khiến công chúng, người tiêu dùng bày tỏ thái độ là việc làm rất có hiệu quả. Ở đây vai trò của các tổ chức xã hội đại diện cho quyền lợi của người bị thiệt hại là rất quan trọng”.

LÊ KIÊN

(Tuổi Trẻ, /7/2010)

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ứng tiền án phí cho nông dân kiện Công ty Vedan

Chiều 30-6, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan chức năng và Đoàn luật sư của tỉnh, bàn phương thức hỗ trợ nông dân tỉnh kiện Công ty Vedan.

Cuộc họp thống nhất: tỉnh sẽ ứng tiền án phí nộp cho tòa án để giúp nông dân đủ điều kiện kiện Công ty Vedan. Ngoài ra, tỉnh cũng ứng tiền để thuê Đoàn luật sư tỉnh (đơn vị nhận ủy quyền của nông dân kiện Công ty Vedan) đi tìm hiểu, hoàn thiện hồ sơ chứng cứ để khởi kiện Vedan. Ông Trần Ngọc Thới, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết mặc dù việc ứng tiền này chưa từng có tiền lệ nhưng vì có quá nhiều hộ dân nghèo bị thiệt hại nặng nề nên tỉnh đã quyết định chi để bảo vệ quyền lợi người dân của tỉnh.

Đ.HÀ - M.LUẬN
 

Lượt xem : 1652