Trong khi voọc ngũ sắc có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới thì tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), chúng lại đang phát triển ổn định, từ 200 con năm 2007, đến nay đã tăng lên khoảng 350 con.
Cách trung tâm TP Đà Nẵng chừng hơn 10 km, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có một loài động vật vô cùng quý hiếm trên thế giới đang sinh sống. Đó là voọc chà vá chân nâu, còn gọi là voọc ngũ sắc, một trong các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện, thuộc danh mục nhóm IIB – mức nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam.
Thỏa sức săn ảnh đẹp
Nửa năm nay, TP Đà Nẵng mở tuyến du lịch Sơn Trà cho du khách ngắm voọc ngũ sắc, tìm hiểu về cuộc sống của loài linh trưởng này. Nơi đây còn thu hút rất nhiều tay máy chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư săn ảnh những con voọc ngũ sắc tuyệt đẹp.
Những người mê say chụp ảnh voọc ở Sơn Trà giờ đã lên đến hàng chục. Họ tụ tập thành nhóm, thường xuyên trao đổi thông tin với nhau để chụp ảnh cho đẹp và bảo vệ voọc. Trong đó, người trẻ nhất có lẽ là Võ Hoàng Vũ, sinh viên năm thứ 4 Khoa Kiến trúc Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Tuy không phải là tay máy chuyên nghiệp nhưng năm nào Vũ cũng có những tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải. Vũ tiết lộ niềm đam mê nhiếp ảnh của mình bắt đầu từ voọc ngũ sắc Sơn Trà. Vũ thuộc từng cánh rừng, từng nơi voọc sinh sống, sinh hoạt theo mùa, theo tiết.
“Ngày nào không phải lên lớp, em cũng chạy xe máy hàng chục cây số từ Nam Ô đến Sơn Trà, vào rừng chụp ảnh voọc. Không đi thì cảm thấy nhớ lắm! Tiền gia đình cho, em dành dụm mua máy ảnh, thuê ống kính, đổ xăng đi chụp ảnh miệt mài. Dịp này đang phải làm đồ án tốt nghiệp nhưng biết thời tiết chuyển mùa, voọc sẽ ra nhiều kiếm ăn sau những ngày trú mưa và trốn gió lạnh, em lại vác máy lên rừng” – Vũ háo hức.
Với vợ chồng chị Hoàng Hà – anh Hồng Kỳ, cuộc sống và sinh hoạt của voọc ngũ sắc Sơn Trà khiến cả 2 mê say loài linh trưởng này như điếu đổ. Bất cứ ngày nào rảnh rỗi, dù mưa hay nắng, anh chị lại mang máy ảnh, phóng xe hơn 10 km lên núi Sơn Trà để ngắm nhìn và chụp ảnh voọc.
Vợ chồng chị Hà hiện sở hữu hàng ngàn bức ảnh voọc ngũ sắc Sơn Trà. “Càng gần gũi với loài voọc, tôi lại càng thấy chúng có một cuộc sống và sinh hoạt rất quy củ, tình cảm lại sâu sắc” – chị Hà bày tỏ.
Gia đình nhà voọc
Voọc ngũ sắc ở Việt Nam chiếm tới 83% số lượng trên thế giới, tập trung chủ yếu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Theo khảo sát của Tổ chức Bảo tồn voọc chà vá quốc tế cũng như những nghiên cứu mà các chuyên gia trong nước công bố mới đây, trong khi loài linh trưởng này có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới thì tại bán đảo Sơn Trà, chúng lại đang phát triển ổn định. Từ 200 con năm 2007, đến nay, đàn voọc ngũ sắc ở Sơn Trà đã tăng lên khoảng 350 con với 18 gia đình.
Mỗi gia đình (đàn riêng) voọc ngũ sắc cư ngụ, sinh sống, kiếm ăn ở một khu vực riêng biệt, không xâm phạm lẫn nhau. Đàn đông có thể lên đến hàng chục con, còn đàn nhỏ khoảng 4-5 con. Đàn đông gồm nhiều thế hệ và là tập hợp của những gia đình nhỏ cùng chung huyết thống.
Một gia đình voọc thường có con đực đầu đàn, 2-3 voọc cái và vài voọc con. Voọc cái khi sinh con trong vòng 6 tháng thì hoàn toàn không “ăn nằm” với con đực. Voọc con luôn bám chặt lấy mẹ nhưng voọc cha mới là kẻ thường xuyên chăm sóc và để ý đến con. Voọc con khi đã trưởng thành thì tách riêng đàn để lập gia đình mới và kiếm sống.
Voọc con luôn là trung tâm chăm sóc và bảo vệ của cả đàn. Lúc di chuyển, nó bám lấy mẹ nhưng khi có chuyện gì xảy ra, voọc cha liền xuất hiện bảo vệ. Nếu voọc cha bị hạ khi đánh nhau chẳng hạn thì voọc mẹ và con đực họ hàng trong đàn nhận lãnh trách nhiệm che chở voọc con. Vậy nên, nếu một voọc con bị bắt hay sát hại, tức là người ta cũng hại luôn cả gia đình voọc, cả đàn voọc.
Khi đi kiếm ăn, voọc đầu đàn thường ngồi ở vị trí cao nhất có thể bao quát xung quanh, để mắt tới mọi thành viên trong gia đình. Gã có dáng vẻ uy nghi của một người đàn ông gia trưởng. Những ả voọc thì tỏ ra phục tùng nhẫn nại, chịu thương chịu khó. Trong khi đó, những chú voọc con lại rất tinh nghịch, tò mò, đôi khi chí chóe tranh giành, xô đẩy nhau nhưng lại rất sợ cha. Voọc con đùa nghịch quá đáng cũng bị ăn đòn như trẻ nhỏ.
“Lần nọ, chúng tôi phát hiện một gia đình nhà voọc tụ tập trên lùm cây rậm rạp. Khi những ống kính chĩa lên, một cành cây bị lay động khiến bầy voọc đang hồn nhiên hái lá, vui đùa liền nhanh chóng lẩn hết trong đám lá. Một chú voọc con mải chơi, nghịch dại thò đầu ra liền bị gã voọc đầu đàn kéo lại tát cho một cú nên thân. Sau tiếng kêu la thảm thiết của voọc con, tất cả đều lặng thinh. Ai tinh mắt lắm mới thấy chúng vẫn lấp ló sau tán lá theo dõi những người bên dưới” – một tay máy thích thú kể lại.
“Người đẹp” mê cảnh đẹp
Ngắm nhìn voọc ngũ sắc và quan sát sinh hoạt của chúng, những người đam mê loài linh trưởng này nhận thấy voọc có một cuộc sống rất phong phú. Vẻ bên ngoài của voọc ngũ sắc rất độc đáo, khác biệt. Bộ lông nhiều màu sắc của chúng khiến người ta nghĩ đến những bộ quần áo sặc sỡ được phối màu kỹ lưỡng nhưng vẫn dung dị. Màu lông xám trên đầu chúng giống như chiếc mũ nồi. Khuôn mặt voọc ngũ sắc màu trắng hay trắng xám, từ cổ xuống ngực có lông màu hung đỏ nhạt dần. Đôi chân voọc ngũ sắc có màu nâu đỏ (nên được gọi là voọc chà vá chân nâu), nhìn xa giống như chiếc quần bảnh bao.
Theo những nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, voọc ngũ sắc rất thích cảnh sắc thiên nhiên. Có lẽ vì thế mà chúng chọn núi Sơn Trà làm nơi “an cư lạc nghiệp”. Sườn phía Đông Bắc núi Sơn Trà giáp biển Đông, phong cảnh rất hữu tình. Một vùng non nước ở đây như riêng biệt, với cây lá 4 mùa xanh tốt, khí hậu hài hòa. Mùa xuân, cây cối mơn mởn, trổ hoa, trổ lộc. Mùa thu, cả khu rừng thay lá đỏ rực một màu. Núi non trập trùng, biển biếc trải dài…, nơi đây tựa chốn bồng lai tiên cảnh.
Bình minh và hoàng hôn ở Sơn Trà thường là thời điểm voọc kéo nhau ra sát biển ngắm khung cảnh mặt trời mọc và lặn. Những tia nắng vàng trải rộng trên mặt biển, tạo nên một cảnh sắc rực rỡ thu hút và mê hoặc đàn voọc, chúng ngồi lặng im như bị thôi miên.
Theo những người chuyên săn ảnh voọc, voọc ngũ sắc bây giờ không còn dạn dĩ như trước đây. Chúng rất cảnh giác với con người vì có thời gian bị bọn săn trộm rình rập tìm bắt. Chưa kể, các công trình, khu du lịch, khách sạn, nhà hàng được mở ngày càng nhiều ở Sơn Trà nên du khách đến đây nhiều hơn, môi trường sống tự nhiên của voọc bắt đầu bị xâm lấn, thu hẹp. “Con đường bê-tông chạy quanh Sơn Trà chia cắt núi và bờ biển dù có những chiếc thang dây bắc ngang cho voọc qua lại nhưng ít ai thấy chúng” – một du khách tiếc nuối.
Voọc ngũ sắc thực sự là báu vật, là linh hồn của bán đảo Sơn Trà và là nét độc đáo của TP Đà Nẵng. Bảo vệ voọc ngũ sắc đang là điều mà mọi người đều quan tâm. Sắp tới, giới nhiếp ảnh ở TP Đà Nẵng dự định sẽ tổ chức một cuộc triển lãm ảnh voọc ngũ sắc Sơn Trà để kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này.