Vietnamese English
Vĩnh Long: Tăng hiệu quả sản xuất với mô hình thích ứng biến đổi khí hậu

1/3/2021 7:14:00 AM

Để hạn chế tác hại của hạn hán xâm nhập mặn trên cây lúa trong vụ Hè Thu, Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện mô hình “Thích ứng với biến đổi khí hậu hạn hán, xâm nhập mặn trên cây lúa” trong Vụ lúa Hè Thu năm 2020 ở xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm.


Mô hình thực hiện từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2020 tại ấp 8, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm với diện tích trình diễn là 1,0 ha, trên giống lúa OM 5451, với mật độ sạ là 120 kg/ha.

Tham gia mô hình, nông dân trong vùng được tập huấn các chuyên đề phù hợp theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa; Kết hợp với thực tế đồng ruộng điều tra hệ sinh thái theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và kiểm tra độ mặn trong kênh nội đồng khu vực thực hiện mô hình trình diễn. Bên cạnh đó, nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% lúa giống, 50% thiết bị đo độ mặn, vật tư thiết yếu (phân bón lá và chất kích kháng) để xây dựng mô hình; được tập huấn kỹ thuật canh tác.


Mô hình giúp sản xuất lúa vụ Hè Thu thích ứng biến đổi khí hậu 


Giai đoạn đầu vụ Hè Thu năm 2020, thời tiết hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài nên người nông dân phải mất một thời gian để hoàn thiện cấy giống. Mặc dù, ruộng trong mô hình cũng bị ảnh hưởng nhưng tỷ lệ giống chết thấp (chỉ 10%). Ngoài ra, ruộng trong mô hình còn tăng cường sử dụng các sản phẩm có hoạt chất Brassinosteroids giúp giải độc mặn cho cây lúa nên bộ rễ hồi phục trở lại và tăng khả năng đẻ nhánh, duy trì được số chồi và số bông tối đa trên ruộng.

Mô hình thu hiệu quả kinh tế cao hơn so với ruộng ngoài mô hình. Cụ thể, năng suất ruộng trong mô hình đạt 6,1 tấn/ha; ruộng ngoài mô hình đạt 5,6 tấn/ha. Lợi nhuận của mô hình là 16.388.000 triệu đồng/ha, ngoài mô hình 11.914.000 triệu đồng/ha. Giá thành sản xuất 1 kg lúa trong mô hình là 3.113 đồng và ngoài mô hình là 3.665 đồng, chênh lệch 552 đồng/kg.

Thông qua tập huấn và thực hiện mô hình đã giúp nông dân trong vùng canh tác lúa có thêm nhiều kinh nghiệm, được bồi dưỡng kiến thức để sản xuất kinh tế đạt hiệu quả cao hơn. Qua đó, người dân sẽ tự tin và chủ động trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ngọc Thanh/TNMT

Lượt xem : 1220