Vinh danh hai cây cổ thụ là Cây di sản Việt Nam ở TP Hải Phòng
4/20/2013 6:08:00 PM
(VACNE) - Ngày 20/4, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với Quỹ Trái tim Vàng Việt Nam cùng UBND xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, tổ chức trao bằng công nhận và gắn biển Cây di sản Việt Nam cho cây thị cổ thụ ở Chùa Ngà và cây bồ đề ở làng văn hóa Tẩm Thượng.
Tham dự lễ vinh danh hôm nay, về phía đại biểu Trung ương có Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Chủ tịch Quốc Hội; ông Vũ Đình Hòe, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính, Bộ Nội vụ; Thiếu tướng Lê Hữu Mai, nguyên Phó chánh Thanh tra, Bộ Quốc phòng; Đại tá Nguyễn Hữu Diệt, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an; TS Nghiêm Xuân Minh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội&Tự nhiên, Bộ Khoa học&Công nghệ. Về phía Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE) có TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE; PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng Thư ký VACNE; PGS.TS Hồ Uy Liêm, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Cường, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam – VACNE; TS Lê Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học – Bộ Tài nguyên&Môi trường; ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch Quỹ trái Tim vàng Việt Nam, Chủ tịch Hội Trồng rừng TP Hà Nội; cùng với lãnh đạo Đảng, Chính quyền xã Việt Tiến và các thôn trong xã cùng đông đảo nhân dân tham dự.
Giới thiệu về hai cây cổ thụ, ông Lê Minh Châu, Phó bí thư Đảng ủy xã cho biết, theo lục thần phả di tích lịch sử văn hóa Miếu Ngà thì cây thị Chùa Ngà có từ thế kỷ 13. Nhà thờ tổ xây cạnh cây thị trên đầu ông Hổ Phù, giếng chùa ở phía Đông, ao Gáo ở phía Tây tựa dáng hai con mắt của ông Hổ Phù. Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cây thị là nơi hoạt động bí mật của các chiến sỹ cách mạng, địa điểm tập kết của dân quân, du kích, là đài quan sát, điểm viễn tiêu báo động khi có địch càn quét, hoặc máy bay đánh phá. Cây thị Chùa Ngà hiện nay cao trên 18m, chu vi gốc 6,5m đã sống qua hàng trăm năm, có thể hàng nghìn năm, vô cùng quý giá về mặt lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng. Từ khi được biết công nhận là cây di sản Việt Nam, các cấp ủy đảng, trưởng phó làng văn hóa, mặt trận tổ quốc đã đóng góp hàng trăm ngày công xây be tường gạch, mở rộng khuôn viên chăm sóc cây bồ đề.
Còn cây bồ đề của làng Tẩm Thượng mọc trùm lên ngôi đền cổ Vạn Linh từ thế kỷ 18 hoặc 19, có giá trị rất lớn về mặt cảnh quan văn hóa, môi trường.
Thay mặt lãnh đạo VACNE, TS Nguyễn Ngọc Sinh chúc mừng đến UBND xã Việt Tiến trong ngày đón nhận hai bằng công nhận cây di sản Việt Nam; đồng thời cho biết sự kiện bảo tồn cây di sản phát động cách đây ba năm như là một điểm nhấn, hướng vào những cây cổ thụ, biểu tượng của lòng nhân ái, yêu thiên nhiên, yêu môi trường, yêu đất nước.
Cũng nhờ có sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng động mà đến nay đã có 40 tỉnh thành có cây được công nhận là cây di sản Việt Nam và dân địa phương ngày càng tham gia nhiều hơn, đứng lên bảo vệ cây.
“Sự kiện bảo tồn cây di sản Việt Nam sẽ tiếp tục được tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác cùng nhau bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gene quý hiếm, bảo vệ môi trường”, TS Sinh chia sẻ, “Đây đúng là ngày hội của toàn dân, cùng nhau chăm sóc, bảo vệ cây cho các thế hệ mai sau.”
Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch Quỹ trái Tim vàng Việt Nam, Chủ tịch Hội Trồng rừng TP Hà Nội và là người con Việt Tiến, vui mừng hơn cả khi bày tỏ cách đây 50 năm ông từng ngồi học dưới tán cây mà không ngờ 50 năm sau cây này lại được VACNE vinh danh là cây di sản Việt Nam.
“Ở đâu có nhiều người cao tuổi, nhiều cây cổ thụ thì nơi đó phúc lộc càng dày”, ông Lê Minh Châu nói.
“Cây cổ thụ chính là thần bản mệnh của dân làng, vì vậy nơi nào có nhiều cây cổ thụ có sẽ nhiều người thành đạt hơn, trẻ con sẽ học giỏi, ngoan ngoãn hơn”, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng Thư ký VACNE, chia sẻ, về ý nghĩa của cây di sản.
“Tôi bày tỏ lòng cám ơn đến Hội đồng Cây Di sản Việt Nam của VACNE đã giúp đỡ, công nhận cây di sản Việt Nam cho hai cây ở nơi tôi sinh ra và lớn lên”, ông Khôi bày tỏ, “Với tôi giờ hai cây di sản Việt Nam là hai cây thần mộc.”
Nhân dịp này, ông Khôi tặng 1000 cây sưa trồng ở xã Việt Tiến và sau đó phát động toàn xã trồng cây, chăm sóc bảo vệ cây; đồng thời mong rằng tới đây xã Việt Tiến sẽ trở thành rừng cây sưa.
Theo ông Châu, các cấp đảng ủy xã, chính quyền địa phương xác định vai trò trách nhiệm quản lý, chăm sóc bảo vệ hệ sinh thái và bảo vệ môi trường; đồng thời nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức và cộng đồng chung tay, chung sức, chung lòng giữ gìn chăm sóc bảo vệ cây thị và cây bồ đề, một báu vật vô giá của làng xã.
Ông Châu kêu gọi mọi người cần phải chung tay giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên. Bởi vì cỏ, cây hoa lá đều có tâm hồn, tình cảm và ngôn ngữ riêng. Giữa con người và thiên nhiên có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời.
Ông chủ tịch xã cũng bày tỏ cám ơn đến Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, Quỹ Trái tim Vàng Việt Nam, các nhà khoa học đã giúp nhân dân xã Việt Tiến thấy được cây cổ thụ vô giá mà vô tình lâu nay chưa ai biết.
Mai Anh
Lượt xem : 1983