Ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng Văn hóa quận Tây Hồ cũng đồng tình
với ý kiến này và cho biết thêm: Chính quyền và nhân dân trên địa bàn
quận Tây Hồ rất phấn khởi về sự quan tâm giúp đỡ của Hội Bảo vệ Thiên
nhiên và Môi trường Việt Nam và đã được Hội đồng cây di sản xét
duyệt, xem xét, công nhận 4 cây cổ thụ trên địa bàn là Cây Di sản Việt
Nam trong năm 2011. Song, người dân địa phương lại đề nghị Hội đồng
xem xét, công nhận thêm cây đa đình Quán La là cây Di sản Việt Nam.
Bởi cây đa này có tuổi tương đương với cây đa chùa Khai Nguyên và là
một trong 3 cây cổ thụ đã gắn bó lâu đời với đời sống văn hóa tâm linh
của nhân dân địa phương. Cùng với những cây khác, cây đa đình Quán La
đã góp phần tạo thành quần thể cây cổ thụ rất đẹp cho cụm di tích.
Đặc biệt, cụ Nguyễn Văn Ngư bổ sung thông tin về sự kiện: Bác Hồ về
thăm Xuân La tháng 11 năm 1958. Đứng dưới bóng mát của những cây cổ
thụ này Người đã căn dặn cán bộ và nhân dân địa phương phải bảo vệ,
gìn giữ những cây bóng mát muôn đời cho con cháu. Vì thế, việc tổ chức
công nhận cây di sản của Hội BVTN&MT Việt Nam cho những cây cổ thụ này
càng quan trọng và có ý nghĩa với người dân chúng tôi.
GSTSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng cây di sản Việt Nam bày tỏ sự
xúc động và trân trọng trước nghĩa cử này; đồng thời phát biểu khẳng
định: không phải ở đâu cũng có những cán bộ quan tâm đến môi trường
như quận Tây Hồ (Hà Nội). Và đây cũng là một minh chứng về sự quyết
tâm bảo vệ cây cổ thụ của cộng đồng.
Giáo sư cũng thông báo về kết quả xét duyệt hồ sơ đăng ký Cây di sản
của hàng loạt địa phương trong nước như: Hải An, Cát Hải (Hải Phòng),
Tuy An (Phú Yên) và thành phố Trà Vinh (Trà Vinh)./.
Cây thị cổ thụ ở Đình Quán La
Danh Trường