Góp cho... sự đã rồi
Điển hình nhất là 2 dự án thuỷ điện Đồng Nai (ĐN) 6 và 6A do Cty CP Tập đoàn Đức Long lập dự án đầu tư.
Vào ngày 17.12.2008, đại diện 3 sở: TNMT, Công Thương, NNPTNT tỉnh Lâm Đồng họp với chủ dự án, UBND huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) và VQG Cát Tiên. Đại diện VQG đã nhận định, khu vực dự kiến xây dựng thuỷ điện ĐN 6 và 6A nằm trong khu vực bảo tồn của tê giác, việc xây dựng thuỷ điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn. Tuy nhiên, cuộc họp vẫn kết luận: Đề nghị chủ đầu tư lập dự án trình bộ ngành liên quan và có báo cáo đánh giá tác động môi trường...
Đến tháng 6.2009, Bộ Công Thương đã có thông báo 219 thống nhất điều chỉnh theo phương án chủ đầu tư, tức là tách Dự án thuỷ điện ĐN 6 thành 6 và 6A.
Tháng 7.2009, Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT) có văn bản yêu cầu VQG xác định vị trí 2 công trình, đánh giá chi tiết về hiện trạng và mức độ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn. Nói vậy, nhưng cục lại đề nghị VQG có những đề xuất giảm thiểu tác động của 2 dự án thuỷ điện ĐN 6 và 6A đến công tác bảo tồn, chẳng khác gì chấp nhận cho sự đã rồi.
Và mới đây, tháng 9.2009, Cty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã có văn bản đề nghị VQG hỗ trợ để chủ đầu tư điều tra phúc tra và lập phương án đền bù, lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang xây dựng thuỷ điện.
Góp để mà góp...
Tương tự, tháng 7.2009, cơ quan quản lý nhà nước (đại diện Sở Công Thương, Sở NNPTNT, UBND huyện Tân Phú) họp với chủ lập dự án nhằm đề xuất với UBND tỉnh Đồng Nai về Dự án thuỷ điện Đạ Kho.
Cuộc họp này không hề có sự tham dự của các nhà khoa học, quản lý VQG Cát Tiên. Và các “nhà quản lý” đã kết luận rất khoa học: Dự án không ảnh hưởng ngập úng cho các vùng lân cận, không ảnh hưởng cơ sở hạ tầng phía hạ lưu sông Đồng Nai, mép rừng Nam Cát Tiên ven sông có độ cao trung bình 125,84m nên diện tích đất không ảnh hưởng...
Sau cuộc họp với kết luận trên, phòng Công Thương (UBND huyện Tân Phú) mới làm văn bản lấy ý kiến đóng góp của VQG. VQG cho rằng, việc ngăn đập thuỷ điện sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, sạt lở đất ven sông, ảnh hưởng lớn đến sự di chuyển, sinh sản, hoạt động các loài thuỷ sinh và tác động không nhỏ đến vùng đất ngập nước Bàu Sấu (nơi được Ban Thư ký Công ước RamSar công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế); tác động đến việc cứu hộ linh trưởng hoang dã quý hiếm...
Tương tự, ngày 5.8.2009, Cty CP Đức Hoà mới có văn bản gửi VQG đề nghị cho ý kiến về Dự án thuỷ điện Đức Thành để Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch thuỷ điện bậc thang sông Đồng Nai.
VQG cũng rất bức xúc góp ý rằng, dự án này chỉ cách ranh giới vườn 600m, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo tồn động - thực vật nói chung và tê giác VQG hiếm hoi nói riêng.
Góp ý vậy, nhưng như tiếng thở dài của không ít nhà khoa học VQG, khó tìm được sự đồng thuận của các nhà quản lý, đang cố gắng xem kinh tế là yếu tố quan trọng.
Cục trưởng Cục Kiểm lâm Hà Công Tuấn: Không thể vì phát triển trước mắt mà xem nhẹ công tác bảo tồn. Trước đây, Cục Kiểm lâm cũng đã có văn bản đề nghị đình một dự án thủy điện vì ảnh hưởng đến VQG Yook Đôn - Đắk Lắk.
Cục sẽ theo dõi chặt chẽ việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện: Đồng Nai 6, 6 A, Đạ Kho và Đức Thành. Nếu các dự án thủy điện này làm chia cắt sinh cảnh và ảnh hưởng trực tiếp đến VQGCT, đặc biệt là loài tê giác, thì chắc chắn Cục Kiểm lâm sẽ không ủng hộ.
|