Theo đó, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực
bảo vệ môi trường TP Hà Nội sẽ thiết lập mối quan hệ đối tác giữa UBND TP Hà Nội và Đại sứ quán Pháp để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển đô thị bền vững, và đặc biệt trong việc cải thiện chất lượng không khí của Hà Nội. Thỏa thuận này quy định việc hợp tác trong phân tích chất lượng không khí hàng ngày tại TP Hà Nội, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đô thị bền vững và huy động trợ giúp phát triển của Pháp.
Hai bên sẽ hợp tác, chia sẻ, phát triển kinh nghiệm trong các lĩnh vực: Triển khai mạng lưới máy cảm biến và trạm quan trắc; Phân tích chất lượng không khí; Sử dụng các dữ liệu này để nghiên cứu các biện pháp bảo đảm chất lượng môi trường sống và sức khỏe của cộng đồng dân cư trên địa bàn Hà Nội; Phân tích quy chuẩn, quy phạm quốc tế hiện hành trong các thành phố tương đồng; Chia sẻ những tiến bộ nghiên cứu khoa học về đo đạc và phân tích các vi phân tử - theo Nhân Dân.
Lào Cai: Khởi động dự án bảo vệ rừng gỗ nghiến trăm năm tuổi
Sáng 8/4, tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, UBND huyện đã khởi động dự án “Bảo vệ rừng gỗ nghiến, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học rừng tự nhiên, gắn với bảo tồn văn hóa cúng rừng của người Mông xã Nậm Chảy”. Dự án do Đoàn thanh niên huyện Mường Khương Lào Cai đề xuất và được Quỹ môi trường toàn cầu, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai, UBND huyện Mường Khương tài trợ vốn với tổng số tiền thực hiện dự án hơn 1,5 tỷ đồng – theo Báo Tài nguyên & Môi trường.
Dự án sẽ triển khai trong 2 năm (2016 – 2017), với mục tiêu bảo vệ toàn vẹn hơn 28 ha rừng có quần thể gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi tại thôn Sín Chải, xã Nậm Chảy. Qua đó, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học rừng tự nhiên với nhiều cây thuốc nam quý hiếm như Hoàng tin, râu hùm, tầm gửi...mọc trong khu rừng này. Được biết, hơn 28 ha rừng với quần thể gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi ở thôn Sín Chải được bảo vệ còn nguyên vẹn đến nay là do đây là “khu rừng thiêng” của cộng đồng người Mông trong thôn, không ai được phép chặt phá. Văn hóa cúng rừng hàng năm vẫn được người dân nơi đây duy trì và phát huy từ nhiều đời nay.
Singapore phát triển bao bì quản thực phẩm thân thiện môi trường
Các nhà nghiên cứu làm việc tại Đại học Quốc gia Singapore đã chế tạo thành công một loại bao bì thực phẩm mới thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng. Không những thế, loại bao bì này còn có khả năng kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm gấp 2 lần so với bao bì nhựa thông thường. Theo các nhà nghiên cứu tại trường đại học Singapore, bao bì giúp kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm là sự kết hợp giữa chitosan, loại polymer được chiết suất từ vỏ của các loài giáp xác như tôm, cua…, có khả năng phân hủy sinh học và chất chiết xuất từ hạt bưởi có tác dụng chống oxy hóa, khử trùng, diệt vi khuẩn, chống virus.
Ngoài công dụng kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm, sản phẩm này còn an toàn với người sử dụng vì không chứa các chất phụ gia hóa học. Chị Tan Yi Min, sinh viên trường Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Các chất phụ gia trong các bao bì nhựa thông thường có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe người tiêu dùng, trong đó có chứng rối loạn thần kinh, khi chúng hòa tan vào các loại thực phẩm mà chúng bao bọc. Ngoài ra theo các nhà nghiên cứu, với khả năng tự phân hủy sinh học. Bao bì thực phẩm mới này sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa hiện nay – theo VTV.
Sốc với cảnh cá mập quý hiếm bị bày bán la liệt tại Trung Quốc
Những người sử dụng mạng xã hội Trung Quốc đang tỏ ra hết sức bất bình sau khi những bức ảnh chụp một lượng lớn cá mập đầu búa quý hiếm được bán tại một chợ cá ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam. CCTVNews dẫn lời một nhân chứng họ Liang cho biết, có tới gần một trăm con cá mập đã chết và được chất thành đống để bán với giá không đến 20 nhân dân tệ (khoảng 3 USD) một kg – theo VietnamPlus.
Liang cho biết ông đã cảm thấy rất sốc vì để được quan sát loài cá mập quý hiếm này ở nước ngoài thường phải mất tới hàng chục nghìn nhân dân tệ, vậy mà tại Tam Á, chúng lại bị bán lấy thịt với giá rẻ tới vậy. Loài cá mập này được nêu tên trong Công ước Liên hợp quốc về buôn bán các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) năm 2014, và hoạt động săn bắt loài cá này ở Trung Quốc hiện đang bị cấm hoàn toàn, bởi Bắc Kinh là một thành viên tham gia công ước này. Trong khi đó, chính quyền thành phố Tam Á cho biết họ đã thu giữ ngay lượng cá mập đầu búa này tại nơi bán. Tổng khối lượng của chúng lên tới 600 kg. Hoạt động điều tra vụ việc này hiện đang được tiến hành.
Ngăn chặn nạn buôn bán tài nguyên thiên nhiên trong ASEAN
VTV cho biết hơn 1.200 con tê giác đã bị giết để lấy sừng cung cấp cho các nước trong ASEAN. Đó là con số được đại diện Cơ quan phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đưa ra tại buổi đối thoại với chủ đề "Lào - Việt Nam tăng cường ứng phó với nạn buôn bán tài nguyên thiên nhiên qua biên giới" diễn ra trong hai ngày 7 - 8/4 tại thủ đô Vientiane.
Đại diện của Cơ quan phòng chống Ma tuý và Tội phạm của LHQ cho biết, ASEAN hiện là một trong những điểm nóng về tình trạng buôn bán tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu là động vật hoang dã và gỗ. Đặc biệt, có những loài động vật quý hiếm được tiêu thụ mạnh ở khu vực này lại do nhận thức chưa đúng của người dân. Số lượng tê giác châu Phi đã bị giết và lấy sừng để cung cấp cho khu vực Đông Nam Á tăng từ 13 con năm 2007 lên khoảng 1.200 con vào năm 2015.
Mai Anh (TH)