Vietnamese English
Việt Nam xanh, Việt Nam an lành – Ký ức quê hương của Hòa thượng Thích Huyền Diệu

1/27/2023 8:20:00 AM

Với tâm nguyện lan tỏa thông điệp “sống xanh – sống thiện”, theo Thầy Huyền Diệu, trồng nhiều cây xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường, mà còn là bài học quý về lòng tri ân với quê hương, đất nước.

Đại sứ hình ảnh về “một Việt Nam Xanh”

Theo nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam hiện nay đang phải đương đầu với nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng như nạn phá rừng, xói mòn đất, việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên ven biển đe dọa tới các hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học và sự cạn kiệt nguồn gien. Thực trạng môi trường này đi cùng với vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đặt ra những vấn đề nóng bỏng thách thức đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Hòa thượng Thích Huyền Diệu nhấn mạnh việc ô nhiễm môi trường trên Trái đất và khuyến khích mỗi người nên ý thức để bảo vệ môi trường: “Ước mơ của Thầy để giảm bớt ô nhiễm môi trường là khuyến khích mỗi người nên ý thức bảo vệ môi trường, trồng cây, tiết kiệm nước, không dùng chất hóa học và đồ nhựa, túi nilon. 

Việt Nam xanh, Việt Nam an lành – Ký ức quê hương của Hòa thượng Thích Huyền Diệu - Ảnh 1
An Việt Nam Phật Quốc Tự - ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật - Ấn Độ và Nepal giản dị, ẩn mình giữa màu xanh của thiên nhiên (Ảnh: Anvietnamphatquoctu.com)

“Trong cuộc đời mỗi một con người, hãy cố gắng trồng ít nhất 1.800 cây xanh tại quê hương mình để bảo vệ môi trường cho hôm nay và mai sau”. Khi mà tất cả mọi người cùng chung tay, hành tinh của chúng ta sẽ xanh hơn…”, Hòa thượng Thích Huyền Diệu kêu gọi.

Năm 2020, Thầy Huyền Diệu đã kêu gọi mỗi người nên hạn chế tối đa dùng đồ nhựa và túi nilon để bảo vệ môi trường. Theo thầy Huyền Diệu, những ngày qua, dịch bệnh đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới. Đây là một trong những tai họa do sự lạm dụng phá hủy môi sinh, không tôn trọng “Mẹ vũ trụ, thiên nhiên”... Chúng ta cần tĩnh tâm suy niệm thật kỹ, cùng thành tâm thành thật tu niệm, cùng tôn trọng bảo vệ môi sinh thì tai ương sẽ biến mất.

Thầy Huyền Diệu đã lên tiếng cấp thiết kêu gọi mỗi người chúng ta có thể giúp môi sinh tốt hơn bằng cách: Trồng thật nhiều cây; Tiết kiệm nước; Hạn chế tối đa dùng đồ nhựa và túi nilon...

Trong lá thư được viết ngày 26/7/2014 về 10 điều ước của thầy khi đi tu tập ở vùng Himalaya, thầy đã nhấn mạnh về tình trạng ô nhiễm môi trường trên Trái Đất và khuyến khích mỗi người nên ý thức để bảo vệ môi trường.

Việt Nam xanh, Việt Nam an lành – Ký ức quê hương của Hòa thượng Thích Huyền Diệu - Ảnh 2
Trồng nhiều cây xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường, làm giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra, mà còn là bài học quý về lòng tri ân với quê hương, đất nước. (Ảnh minh họa)

Chiều 24/10/2022 (tức ngày 29 tháng 9 năm Nhâm Dần), tại Hà Nội, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam long trọng cung nghinh Hòa thượng Thích Huyền Diệu quang lâm. Tại buổi giảng pháp, Hòa thượng Thích Huyền Diệu đã bày tỏ sự trăn trở của mình về tình trạng ô nhiễm môi trường trên thế giới. Ông kêu gọi tất cả mọi người chung tay cùng hành động vì một Hành tinh xanh, nói không với rác thải nhựa, trồng thật nhiều cây xanh. Đối với giới doanh nhân, đặc biệt là những startup, hãy kinh doanh bằng cái tâm, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, và hãy chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn.

Có thể thấy, trồng nhiều cây xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường, làm giảm các khí độc hại, tạo không gian xanh, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra, mà còn là bài học quý về lòng tri ân với quê hương, đất nước.

Đó là tâm nguyện đã trở thành “kim chỉ nam” trong cuộc đời và hành trình tu tập của Hòa thượng Thích Huyền Diệu - Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Lâm Tỳ Ni (Lumbini) – Nepal, Chủ tịch Danh dự Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, người luôn coi việc trồng cây là sứ mệnh của mình khi đặt chân đến bất cứ vùng đất nào.

“Nếu như tất cả chúng ta biết yêu thương xứ sở của mình, biết làm việc phúc đức, biết tôi luyện ý chí để vươn tới thành công, biết nuôi dưỡng văn hóa hiếu hòa trong tâm hồn thì xung quanh chúng ta sự màu nhiệm sẽ luôn lấp lánh, kì diệu và bất ngờ. Cũng giống như câu chuyện mà loài chim quý hiếm đã bay về ngôi chùa Việt Nam trên đất Phật làm bạn với tôi và mang lại cho tôi những bài học quý giá về cuộc sống”. (Hòa Thượng Thích Huyền Diệu).

Tấm lòng tri ân hướng về quê hương

Với tâm nguyện xây dựng một ngôi chùa Việt Nam trên thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng của những người hành hương về đất Phật, Hòa thượng Thích Huyền Diệu là người ngoại quốc đầu tiên được Chính phủ Vương quốc Nepal cấp đất xây dựng ngôi chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa Quốc tế đầu tiên tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), nơi Đức Phật Thích ca giáng trần. 

Như một cơ duyên, đầu những năm 1990, trong một lần đi thăm Bồ Đề đạo tràng tại Boudha Gaya, Bihar, Cộng hòa Ấn Độ, một số cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam (trong đó có nhà văn Hồ Anh Thái) đã đến chiêm bái cội Bồ Đề linh thiêng và thật bất ngờ khi phát hiện ra một mảnh đất nhỏ đang trồng rất nhiều cây có một ngôi nhà 4 tầng với những tấm bản đồ Việt Nam khắc nổi trên cửa chính và tất cả các cửa sổ! Bên cạnh đó là ngổn ngang gạch ngói đang xây cất một công trình gì đó. Thì ra đó là nơi khởi đầu của An Việt Nam Phật Quốc Tự ngày nay.

An Việt Nam Phật Quốc Tự tọa lạc trên một diện tích rộng, giữa cánh đồng bao la, cách Bồ Đề đạo tràng khoảng 2km. Khuôn viên rộng rãi và thoáng mát tạo nên một khung cảnh yên tĩnh. Ngôi chùa mang đậm bản sắc của quê hương Việt Nam với nhiều cây cao bóng mát, không gian yên tĩnh cùng với tiếng chim hót líu lo rất thích hợp cho việc tu tập và thiền định.

Việt Nam xanh, Việt Nam an lành – Ký ức quê hương của Hòa thượng Thích Huyền Diệu - Ảnh 3
Hòa thượng Thích Huyền Diệu, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Lumbini – Nepal và hiện là Chủ tịch Danh dự của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam. (Ảnh: Fanpage Thầy Thích Huyền Diệu)

Thầy Huyền Diệu quan niệm rằng, một đất nước muốn được hưng thịnh và tiến bộ thì tất cả mọi công dân đều phải đặt Tổ quốc và quyền lợi của Tổ quốc lên hàng đầu. Có Tổ quốc rồi mới có Phật giáo và sau hết mới đến ngôi chùa. Đó chính là ý nghĩa của tên gọi được đặt cho ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật.

Trong bước chân hành hương đầu năm tới Nepal, mảnh đất nơi đức Phật sinh ra, chiêm bái quần thể hơn 30 ngôi chùa mà Thầy đã dày công vận động các nước cùng kiến tạo, lòng bạn sẽ không khỏi xúc động khi bắt gặp hình ảnh của quê hương rất đỗi thương yêu sau cánh cổng bình dị.

Theo Hòa thượng Thích Huyền Diệu, trồng một cái cây cũng như nuôi dưỡng một con người, không đơn giản chỉ là đào hố, trồng cây xuống là xong, mà còn cần chăm sóc, bón phân, thương yêu, phải trân trọng thì cây mới lớn được. Chúng ta phải có phương pháp trồng, vì mỗi loại cây sẽ thích ứng với một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Chính quyền địa phương ở bên này, họ đánh giá chùa Việt Nam của mình là ngôi chùa có môi sinh tốt nhất. Thầy mong sẽ đem được tất cả các cây quý trên thế giới về trồng trên quê hương mình.

“Nước ta là một nước nông nghiệp, phải tận dụng thế mạnh của mình, không phải cái gì cũng học theo các nước khác được, bây giờ mình phải sản xuất nông nghiệp, trong đó quan trọng là trồng cây. Chúng ta phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh về địa hình, đất đai và những tài nguyên sẵn có. Sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh mà Chính phủ Việt Nam đề xuất cần phải làm ngay lập tức vì cuộc sống này là vô thường, nên khi đã nói là phải thực hiện luôn”, Hòa thượng Thích Huyền Diệu nhấn mạnh.

Thầy Huyền Diệu cũng cho rằng, giáo dục môi trường rất quan trọng. Chúng ta phải đưa tinh thần bảo vệ môi sinh ngay từ trường lớp mẫu giáo, tất cả mọi người Việt Nam đều tôn trọng môi sinh, để giáo dục bảo vệ môi trường trở thành truyền thống quý báu của nước ta mà bạn bè thế giới có thể học hỏi. Giáo dục để làm sao từ khi còn nhỏ, các con, các cháu đã có được ý thức thường trực bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Việt Nam nên đi tiên phong về vấn đề này.

 

(Kinh tế môi trường)

Lượt xem : 1550