Vietnamese English
Việt Nam thiết lập thêm 2 khu đất ngập nước và sinh cảnh liên kết

9/11/2015 7:05:00 AM

Viện Chính lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ngày 9/9 cho biết, đơn vị này đang thiết lập 2 khu bảo tồn đất ngập nước mới là Tam Giang – Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên Huế) và khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), nhằm tăng cường năng lực quốc gia về quản lý các khu bảo tồn trên phạm vi cả nước.

 

 

Vườn Quốc gia Xuân Thủy - rừng ngập mặn Ramsar thứ 50 của thế giới (Ảnh: TTXVN)

Vườn Quốc gia Xuân Thủy – rừng ngập mặn Ramsar thứ 50 của thế giới (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Chính lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, mục tiêu của việc thiết lập khu bảo tồn đất ngập nước trên nhằm nâng cao năng lực quản lý cấp tỉnh, đảm bảo lồng ghép các khu bảo tồn đất ngập nước và sinh cảnh đất ngập nước liên kết hiệu quả hơn.

Chia sẻ thêm tại hội thảo giới thiệu Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” do Viện Chính lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức sáng 9/9, tại Hà Nội, ông Chinh cho biết, Việt Nam hiện có 30% diện tích đất liền (khoảng 10 triệu ha) bao gồm các vùng đất ngập nước nội địa và ven biển. Tuy nhiên, các vùng đất ngập nước này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các hoạt động kinh tế và nuôi trồng thủy sản, khai thác quá mức gây ô nhiễm môi trường.

Theo Luật Đa dạng sinh học và Nghị định số 21/2013/NĐ-CP, trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với đất ngập nước được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, năng lực của Bộ trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, nhất là việc lập kế hoạch, quản lý và giải quyết các đe dọa đối với các vùng đất ngập nước địa phương.

“Chính vì thế, việc thiết lập 2 khu bảo tồn đất ngập nước và sinh cảnh liên kết mới tại các Thừa Thiên Huế và Thái Bình, sẽ góp phần giúp Việt Nam giải quyết rốt ráo các vấn đề môi trường, cũng như ban hành chính sách, quy định, khung quy định cho việc bảo tồn và tăng cường năng lực quốc gia trong quản lý đất ngập nước,” ông Chinh nói.

Vườn quốc gia Côn Đảo được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là khu đất ngập nước (Nguồn: TTXVN)

Vườn quốc gia Côn Đảo được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là khu đất ngập nước (Nguồn: TTXVN)

Ở góc độ quốc tế, ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng nhận định, các vùng đất ngập nước của Việt Nam từ lâu đã tạo ra sinh kế và sản phẩm bền vững cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, do khai thác và sử dụng đất ngập nước thiếu bền vững đã phần nào phá vỡ “bức tường” chắn sóng của chính cộng đồng ven biển.

Vì thế, theo ông ông Bakhodir Burkhanov, việc thiết lập các khu đất ngập nước và sinh cảnh liên kết mới tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Thái Bình là giải pháp quan trọng, nhằm nâng cao năng lực, cũng như giải quyết những thách thức, rào cản trong việc quản lý và bảo tồn đất ngập nước./.

Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” tại hai tỉnh Thái Bình và Thừa Thiên-Huế do Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua UNDP tài trợ, với tổng kinh phí hơn 18 triệu USD. Trong đó vốn ODA hơn 3,1 triệu USD; vốn đối ứng và vốn đồng tài trợ gần 14,9 triệu USD.

Dự án được triển khai từ năm 2015 đến 2018. Cơ quan chủ quản là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chủ dự án là Viện Chính lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.

Hùng Võ/vietnamplus.vn

Lượt xem : 1755