Vietnamese English
Việt Nam sẵn sàng tham gia sáng kiến toàn cầu về rác thải nhựa đại dương

9/14/2021 7:00:00 AM

Phát biểu bế mạc Hội nghị Liên chính phủ Cơ quan điều phối các biển Đông Á lần thứ 25, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Quế Lâm khẳng định sự ủng hộ, sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực của Việt Nam vào các sáng kiến khu vực và toàn cầu về rác thải nhựa đại dương.



Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quế Lâm chủ trì Hội nghị IGM25 . Ảnh: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam 

Hội nghị Liên chính phủ Cơ quan điều phối các biển Đông Á lần thứ 25 (IGM 25) - Phần thứ nhất diễn ra trong 2 ngày 8-9/9 đã kết thúc tốt đẹp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Quế Lâm chủ trì và phát biểu bế mạc Hội nghị.

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong 2 ngày diễn ra cuộc họp trực tuyến, các đại biểu là đại diện đến từ các nước thành viên COBSEA và các quan sát viên đã chia sẻ và thảo luận về các nội dung công việc đã thực hiện được trong giai đoạn 2019-2020 đồng thời thảo luận về việc triển khai Kế hoạch hành động khu vực về rác thải biển, các giải pháp ở nhiều quy mô và cấp độ khác nhau, từ hướng dẫn kỹ thuật khu vực, công nghệ, nguồn nhân lực, tài chính và cả cách thức hợp tác giữa các quốc gia, tổ chức trong và ngoài khu vực.

Mặc dù Hội nghị được tổ chức trực tuyến nhưng đã thu hút số lượng hơn 100 các đại biểu tham dự từ các nước thành viên COBSEA và các quan sát viên. Trong các phiên thảo luận, các đại biểu đã tích cực tham gia phát biểu nêu quan điểm trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn và thiết thực, đóng góp vào các kết quả chung của Hội nghị. Với tư cách là nước chủ nhà của IGM 25. Việt Nam nói chung và Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng rất vinh dự đã góp phần vào thành công của Hội nghị IGM 25 phần thứ nhất này và chờ đón phần thứ hai của Hội nghị sẽ tiếp tục được tổ chức trực tiếp tại Việt Nam vào năm 2022 (sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát).

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Quế Lâm nhấn mạnh: “Tôi tin rằng kết quả của IGM 25 phần thứ nhất sẽ đóng góp tích cực vào việc thực hiện nghiêm túc các cam kết của mỗi nước ở cấp khu vực và toàn cầu nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương và bảo vệ môi trường biển quý giá của chúng ta. Nhân dịp này, tôi xin tái khẳng định một lần nữa sự ủng hộ, sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực của Việt Nam vào các sáng kiến khu vực và toàn cầu về rác thải nhựa đại dương. Tôi hy vọng rằng, tại IGM 25 phần thứ hai, chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận với những kết quả tích cực trong hiện thực hoá các giải pháp và khuyến nghị được đề xuất từ IGM 25 lần thứ nhất năm 2021 này”.

Nhân dịp này, thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quế Lâm cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Ban Thư ký của Cơ quan Điều phối về Biển Đông Á đã tích cực hỗ trợ các nước thành viên nói chung và Việt Nam trong những năm gần đây đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác đối với các kế hoạch hành động trong khu vực và hẹn gặp lại tất cả các đại biểu tại phần thứ hai của Hội nghị IGM25 năm 2022.

Hội nghị liên Chính phủ COBSEA được tổ chức luân phiên 2 năm một lần. Trước đó, năm 2009, Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công hội nghị liên Chính phủ COBSEA lần thứ 20 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với sự tham dự của đại diện 7 nước thành viên COBSEA.

Năm 2021, Việt Nam là quốc gia luân phiên chủ trì tổ chức hội nghị IGM 25. Đây là sự kiện để các quốc gia thành viên trao đổi nhằm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển và các vùng ven biển của khu vực. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến còn phức tạp, hội nghị IGM25 được chia thành hai phần.

Theo đó, phần thứ nhất của hội nghị diễn ra trong 2 ngày 8-9/9 theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Phần thứ hai sẽ tổ chức trực tiếp tại Việt Nam vào đầu năm 2022 (sau khi tình hình dịch được kiểm soát)./.

Cơ quan điều phối các biển Đông Á (COBSEA) được thành lập với tên gọi Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) về khu vực biển Đông Á vào năm 1981 nhằm tăng cường hợp tác khu vực để quản lý các nguồn tài nguyên biển và ven biển trong khu vực biển Đông Á. Đến nay, COBSEA có 9 nước thành viên gồm: Campuchia, Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Việt Nam tham gia làm thành viên COBSEA và đạt được những kết quả tích cực từ việc tham gia các dự án do COBSEA điều phối như: Dự án “đảo ngược xu thế suy thoái môi trường toàn cầu tại vùng biển Đông và Vịnh Thái Lan”; dự án khu vực về “quản lý xói lở bờ biển trong bối cảnh nước biển dâng”; dự án nghiên cứu “quy hoạch không gian biển và vùng bờ biển”… 



Bích Liên

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản

Lượt xem : 1523