Việt Nam nỗ lực và trách nhiệm thực hiện Công ước đa dạng sinh học
4/29/2020 7:15:00 AM
Hơn 1/4 thế kỷ tham gia Công ước quốc tế về đa dạng sinh học (từ năm 1994), Việt Nam luôn có những kế hoạch, chương trình hành động tích cực và thể hiện trách nhiệm cao, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ngày 22/5/2020 là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích.
Ban hành Kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam
Sau khi gia nhập và trở thành thành viên chính thức của Công ước quốc tế về đa dạng sinh học (ICBD), năm 1995, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động Bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam (Quyết định số 845/ QĐ-TTg ngày 22/12/1995). Việc xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động khi ấy chỉ có đầu mối là vài cán bộ của Phòng Bảo tồn thiên nhiên, thuộc Cục Môi trường, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT).
Đây là Kế hoạch hành động đầu tiên, mở đầu cho việc ra đời hàng loạt các văn bản có tính chiến lược, kế hoạch, quy hoạch tổng thể… và quan trọng nhất là Luật Đa dạng sinh học ra đời năm 2008. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới ban hành Luật chuyên ngành này vào thời điểm đó!
Vườn quốc gia Tràm Chim là khu Ramsar có tầm quan trọng quốc tế, xếp thứ 2.000 trên thế giới và thứ 4 ở Việt Nam.
Kế hoạch hành động đã phân công trách nhiệm rất cụ thể. Theo đó, Bộ KHCN&MT là cơ quan đầu mối, hàng năm có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch hành động; Bộ KH&ĐT có trách nhiệm bố trí kế hoạch hàng năm; Bộ Nông nghiệp, Bộ Thủy sản, Trung tâm KHTN&CNQG triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án trong Kế hoạch hành động; Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc và Miền núi ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án thuộc Kế hoạch hành động. Các địa phương gồm UBND các tỉnh/thành phố có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch hành động thuộc địa bàn quản lý của mình.
Mục tiêu cũng được vạch ra rất rõ ràng là bảo vệ Đa dạng sinh học phong phú và đặc sắc của Việt Nam trong khuôn khổ phát triển bền vững. Cụ thể, Bảo vệ các hệ sinh thái đặc thù của Việt Nam, các hệ sinh thái nhạy cảm đang bị đe dọa hủy hoại do hoạt động của con người; Bảo vệ các bộ phận đa dạng sinh học đang bị đe dọa khai thác và lãng quên; Phát huy và phát hiện giá trị sử dụng các bộ phận đa dạng sinh học trên cơ sở phát triển bền vững các giá trị tài nguyên phục vụ mục tiêu kinh tế của đất nước.
Những mối đe dọa chính yếu đối với đa dạng sinh học cũng được chỉ ra trúng, đúng và đến nay vẫn nguyên giá trị. Đó là: Sự khai thác quá mức; Việc du canh và xâm lấn đất canh tác nông nghiệp; Nạn ô nhiễm nước; Sự xuống cấp của vùng bờ biển; Sự chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Về nghĩa vụ quốc tế, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ, chủ động, tích cực tất cả các Điều ước quốc tế mà mình là thành viên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Nhiều sáng kiến, đề xuất của Việt Nam đã được ghi nhận và được đánh giá cao, đặc biệt là về đa dạng sinh học. Minh chứng rõ nhất là dự án Sáng kiến hành lang đa dạng sịnh được thực hiện ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam do các tổ chức quốc tế tài trợ đạt kết quả tốt đẹp.
Có thể khẳng định Việt Nam đã và đang làm tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của một thành viên Công ước quốc tế về đa dạng sinh học.
Việt Nam ban hành Luật Đa dạng sinh học
Năm 2002, Bộ TN&MT được chính thức thành lập, để triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên. Trong đó, Bộ giao Vụ Môi trường là đơn vị đầu mối thực hiện các công việc cụ thể.
Năm 2003, xây dựng Dự thảo để Bộ TN&MT trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo tốn Đất ngập nước và Nghị định về thu Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Năm 2004 xây dựng Dự thảo để Bộ TN&MT gửi Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Năm 2005 xây dựng Dự thảo để Bộ TN&MT gửi Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ Môi trường và đồng thời Chính phủ ban hành các văn bản Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành; Năm 2008 xây dựng Dự thảo để Bộ TN&MT gửi Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Đa dạng sinh học.
Đàn cò trắng ở khu bảo tồn ngập nước Láng Sen (Tân Hưng, Long An) khi chưa bị hạn.
hi đó, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 là niềm tự hào của các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Thời điểm năm 2008, trên thế giới chỉ có khoảng 10 quốc gia ban hành Luật Đa dạng sinh học. Hơn nữa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia nằm trong nhóm đầu có đa dạng sinh học cao. Do vậy, việc ban hành Luật này được giới chuyên môn trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên quốc tế đánh giá rất cao bởi đây cũng là một hướng ưu tiên của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).
Là người trong cuộc, chúng tôi bày tỏ sự cám ơn chân thành đối với những đóng góp tích cực, hiệu quả của các tổ chức quốc tế cùng đội ngũ chuyên gia về kiến thức chuyên môn và vật chất kỹ thuật trong quá trình xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên. Đặc biệt là Dự án Tăng cường năng lực Cơ quan quản lý môi trường Việt Nam (SEMA) và Dự án Đói nghèo và Môi trường (PEP) do Thụy Điển, Vương quốc Anh và UNDP tài trợ.
Ưu tiên bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong đổi mới, phát triển bền vững
Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt ngày 31/7/2013 tại Quyết định số 1250/QĐ-TTg.
Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp rất rõ ràng, cụ thể. Các chương trình, đề án, dự án chi tiết đã và đang được thực hiện đồng bộ bằng những giải pháp mạnh trên khắp các vùng miền của cả nước.
Đất nứt nẻ, cây chết trơ trụi ở Láng Sen khiến những đàn cò trắng không còn nơi nương náu.
Chúng tôi tin rằng khi tổng kết đánh giá sắp tới đây các địa phương, các Bộ ngành sẽ nghiêm túc kiểm điểm và cho thấy thực trạng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của nước ta trong những năm qua. Đây cũng là thời điểm để chúng ta nhìn lại sau 25 năm từ khi có Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học Việt Nam đã bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ra sao.
Năm 2019, Ngày quốc tế đa dạng sinh học có chủ đề “ Đa dạng sinh học của chúng ta, thực phẩm của chúng ta, sức khỏe của chúng ta”. Còn năm 2020 sẽ có chủ đề “Giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học phụ thuộc vào tự nhiên”, có nghĩa là thuận thiên - phù hợp quy luật tự nhiên.
Khi xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học, chỉ có Phòng Bảo tồn thiên nhiên thuộc Cục Môi trường, nay đã có Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học thuộc Bộ TN&MT. Mọi việc đều đang rất thuận lợi cho công tác quản lý ở lĩnh vực cần được ưu tiên hàng đầu trong công cuộc đổi mới, phát triển bền vững đất nước.
Tôi cho rằng, chủ đề Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2020 rất ý nghĩa và được cộng đồng quốc tế đồng thuận, chung tay thực hiện. Bởi mọi việc luôn cần phù hợp quy luật của tự nhiên, quy luật của vũ trụ để góp phần thiết thực vào công cuộc đổi mới mạnh mẽ, phát triển bền vững đất nước!
Công ước Đa dạng sinh học được thông qua tại Hội Nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển bền vững năm 1992 tại Rio de Janero (Brazin) và chính thức có hiệu lực từ ngày 29 tháng 12 năm 1993. Đây là văn bản đầu tiên có tính pháp lý trên phạm vi toàn cầu về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học với 03 mục tiêu chính: i) bảo tồn đa dạng sinh học; ii) sử dụng bền vững các thành phần của đa dạng sinh học; iii) chia sẻ công bằng và hợp lý những lợi ích thu được từ việc sử dụng tài nguyên sinh học.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước và trở thành thành viên chính thức năm 1994. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm làm đầu mối quốc gia thực hiện Công ước này. Đến nay trên phạm vi toàn cầu có 196 quốc gia là thành viên của Công ước.
|
TCKTMT/Monre
Lượt xem : 1309