Vietnamese English
Việt Nam là thành viên cốt lõi của diễn đàn tăng trưởng xanh toàn cầu

11/11/2015 6:37:00 AM

Chiều 9/11, tại Hà Nội, bà Eva Kjer Hansen, Bộ trưởng Môi trường & Thực phẩm Đan Mạch cùng với Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên & Môi trường Việt Nam và Diễn đàn tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF), qua đó công nhận Việt Nam là thành viên cốt lõi thứ 8 của 3GF do Đan Mạch và Hàn Quốc chủ trì. Bản ghi nhớ này nhằm chính thức hóa một khuôn khổ hợp tác không độc quyền, cũng như tạo thuận lợi cho việc hợp tác giữa các bên.



 


Bà Eva Kjer Hansen và Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên-Môi trường trường Việt Nam và Diễn đàn tăng trưởng xanh toàn cầu. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo bản ghi nhớ này, các nước thành viên của 3GF sẽ tham gia và hợp tác tích cực với Việt Nam trong các lĩnh vực như: Công nhận và chính thức hóa sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam là một đối tác chính phủ của 3G; tạo thuận lợi cho việc trao đổi kinh nghiệm và trở thành đối tác hợp tác tiềm năng về tăng trưởng xanh và những thay đổi bền vững cho các đối tác khu vực công và tư ở Việt Nam.

Bản ghi nhớ cũng là cơ sở tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại giữa các mạng lưới của Việt Nam và Diễn đàn tăng trưởng xanh toàn cầu, để thúc đẩy việc trao đổi kiến thức, tạo điều kiện thay đổi bền vững – theo TTXVN.

Hỗ trợ 11 địa phương khắc phục thiên tai

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 1.899,4 tấn hạt giống lúa; 148,6 tấn hạt giông ngô và 52,75 tấn hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho 11 địa phương khắc phục hậu quả thiên tai năm 2015 – theo Chinhphu.

Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Hà Nam 5 tấn hạt giống rau; tỉnh Hải Dương 317 tấn hạt giống lúa và 0,07 tấn hạt giống rau; tỉnh Thái Bình 50 tấn hạt giống ngô và 25 tấn hạt giống rau; tỉnh Ninh Bình 150 tấn hạt giống lúa, 20 tấn hạt giống ngô và 8 tấn hạt giống rau; tỉnh Bắc Giang 350 tấn hạt giống lúa và 20 tấn hạt giống ngô; tỉnh Phú Thọ 50 tấn hạt giống lúa, 10 tấn hạt giống ngô và 5 tấn hạt giống rau; tỉnh Quảng Ninh 32,4 tấn hạt giống lúa và 3,6 tấn hạt giống ngô; tỉnh Quảng Trị 300 tấn hạt giống lúa, 20 tấn hạt giống ngô và 8 tấn hạt giống rau; tỉnh Khánh Hòa 300 tấn hạt giống lúa, 10 tấn hạt giống ngô và 1,68 tấn hạt giống rau; tỉnh Ninh Thuận 200 tấn hạt giống lúa và 10 tấn hạt giống ngô; tỉnh Bình Thuận 200 tấn hạt giống lúa và 5 tấn hạt giống ngô.

2 triệu Euro bảo tồn VQG Phong Nha – Kẻ Bàng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên Khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, giai đoạn 3”, sử dụng viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức. Dự án trên được thực hiện 1 năm (2015-2016) với nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức là 2 triệu Euro. Vốn đối ứng 175.000 Euro (do UBND tỉnh Quảng Bình tự thu xếp) – Báo Tài nguyên & Môi trường cho biết.

Cụ thể, các mô hình mới nhằm nâng cao sinh kế và bảo tồn đa dạng sinh học trong vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được xây dựng và thực hiện trên cơ sở tham gia hỗ trợ của mạng lưới khuyến nông, trong đó có ưu tiên hỗ trợ phụ nữ và dân tộc thiểu số; các phương pháp tăng cường hợp tác liên biên giới giữa Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Khu Bảo tồn Hin Nậm Nô được thống nhất và đưa vào thực hiện với nguồn nhân lực và tài chính được bổ sung để cải thiện trao đổi thông tin liên quan giữa hai bên, nhằm hỗ trợ việc giảm thiểu các mối đe dọa đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của cả khu vực...

Nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính năm 2014 lên mức kỷ lục

Nồng độ khí CO2 và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác trong khí quyển đã lên mức kỷ lục mới trong năm 2014, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của muôn loài trên Trái Đất. Cảnh báo trên được đưa ra ngày 9/11 trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) vào cuối tháng này. Trong báo cáo hàng năm về lượng khí thải tích tụ trong không khí gây hiện tượng ấm lên toàn cầu, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho biết trong năm ngoái, nồng độ các khí CO2, methane và NO2 đã "phá" kỷ lục – TTXVN đưa tin.

Cụ thể, trong năm 2014, nồng độ khí CO2 có trong khí quyển đã tăng lên 397,7 phần triệu (ppm), cao hơn 143% so với năm 1750. Với tốc độ này, nồng độ khí CO2 có thể vượt ngưỡng 400 ppm trong năm 2016. Trong năm ngoái, nồng độ khí methane cũng đạt mức kỷ lục 1.833 ppm, cao hơn 254% so với mức trước năm 1750. Trong khi đó, khí NO2, loại khí có tác động đến môi trường lớn hơn 300 lần so với khí CO2 và cũng có khả năng phá hủy tầng ozone, cũng có nồng độ trong khí quyền đạt 327,1 ppm, cao hơn 121% so với mức tiền công nghiệp.

Trái Đất nóng lên sẽ khiến nhiều thành phố chìm trong biển nước

Nhiều vùng rộng lớn ở Thượng Hải (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ), New York (Mỹ) và nhiều thành phố khác sẽ bị nước biển nhấn chìm ngay cả khi thế giới thực hiện được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu không quá 2 độ C. Cảnh báo trên được đưa ra ngày 8/11 trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) vào cuối tháng này. Trong số 10 thành phố lớn có nguy cơ bị nhấn chìm thì 4 thành phố là của Trung Quốc gồm Thượng Hải, Thiên Tân, Hong Kong và Đài Châu (Chiết Giang). Ấn Độ, Việt Nam và Bangladesh cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề - theo TTXVN.

Theo kết quả nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu khí hậu của Mỹ, nếu Trái Đất nóng lên 2 độ C thì tình trạng nước biển dâng sẽ nhấn chìm nhiều vùng đất hiện là nơi sinh sống của 280 triệu người, trong khi nếu mức nhiệt tăng thêm 4 độ C thì diện tích những vùng đất chịu ảnh hưởng cũng sẽ tăng lên, bao phủ khu vực sinh sống của hơn 600 triệu người. Nhà khoa học Ben Strauss, tác giả nghiên cứu, cho biết mức nhiệt tăng ở 2 độ C sẽ tạo ra những nguy cơ hiện hữu trong dài hạn đối với những thành phố và vùng miền ven biển. Những kịch bản này có thể diễn ra trong vòng 200 năm nữa hoặc cũng có thể trong vài thế kỷ nữa.

Nga mất 450km2 lãnh thổ hàng năm do biến đổi khí hậu

Lãnh thổ nước Nga hàng năm bị thu hẹp một diện tích tương đương diện tích Andorra, một quốc gia nhỏ ở châu Âu có diện tích 468km2 do băng tan và xói lở bờ biển phía Bắc. Đây là một quá trình tự nhiên bị đẩy nhanh do tình trạng biến đổi khí hậu và không thể ngăn chặn được. Thông tin này được quyền Giám đốc Viện Băng quyển Trái Đất thuộc Phân viện Siberia, Viện Hàn lâm khoa học Nga, Tiến sĩ Dmitry Drozdov đưa ra ngày 9/11.

Quá trình tan băng và xói lở này diễn ra khi sóng đánh vào lớp đất đóng băng vĩnh cửu truyền nhiệt và làm băng tan. Ở phía Nam, bờ biển cũng xói lở nhưng ở đó có cát ngăn chặn quá trình xói lở này, còn ở phía Bắc trong đất có đến 80% là băng nên quá trình tan băng diễn ra nhanh hơn. Khi nhiệt độ tăng thêm 1 - 2 độ C, các vùng đất ấm áp màu mỡ ở vùng Siberia của Nga như Stavropol và Krasnoyarsk sẽ trở nên thiếu nước, khiến hoạt động canh tác phải chuyển sang các vùng lãnh thổ khác. Một hệ quả khác của tình trạng tan băng do biến đổi khí hậu là ô nhiễm nước ngầm, trong đó có việc xuất hiện các vi khuẩn có hại mà việc diệt trừ khá phức tạp – theo TTXVN.

Biến đổi khí hậu ngăn Thành Cát Tư Hãn thôn chiếm Nam Tống

Miền trung và nhiều vùng khác ở Trung Quốc ấm lên khiến năng suất lương thực tăng vọt, tạo nền tảng vững chắc cho nhà Nam Tống phát triển kinh tế và quân sự, làm chậm lại sự bành trướng của Đế quốc Mông Cổ. Theo SCMP, khu vực miền trung, miền đông và miền nam Trung Quốc nằm trong số những nơi nóng nhất trong thế kỷ 13 ở châu Á. Khí hậu ấm lên bất thường khiến năng suất lúa tăng lên, lương thực dư thừa đủ để nuôi quân và đặt nền tảng vững chắc cho kinh tế và khoa học kỹ thuật địa phương phát triển – theo VnExpress.

Do đó, đây là bằng chứng cho thấy biến đối khí hậu đóng vai trò như một Vạn Lý Trường Thành ở nam trung bộ, ngăn quân nhà Mông đánh chiếm. Nhà Nam Tống được hưởng lợi nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, trong khi triều đại nhà Nguyên ngày một yếu đi vì kinh tế kiệt quệ và nạn tham nhũng. "Nhiệt độ gia tăng tại miền trung, đông và nam Trung Quốc (vào thế kỷ 13), cao hơn đáng kể so với những vùng khác, có thể so sánh với thế kỷ 20", trích báo cáo đăng hôm 5/11 trên tạp chí Biến đổi Khí hậu của nhóm tác giả.

 

Mai Anh (TH)

Lượt xem : 1909