Vietnamese English
Việt Nam kêu gọi quốc tế hỗ trợ ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

3/16/2016 2:01:00 PM

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Cao Đức Phát cho biết, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang vượt quá khả năng chống đỡ của Việt Nam và cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần hai tháng, chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn. Phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền cao nhất lên đến hơn 90km. Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống dân sinh của 10/13 tỉnh thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có 160.000 héc ta lúa bị thiệt hại, phần lớn trong đó không có thu hoạch. Mỗi héc ta bình quân 5 tấn, tức có 800.000 tấn lúa mất. Mỗi gia đình có nửa héc ta, như vậy gần 300.000 hộ gia đình trong tháng qua không có thu nhập, tức khảng 1,5 triệu người không có thu nhập từ riêng cây lúa.


Tại Hội thảo với các đối tác phát triển và nhà tài trợ ứng phó khẩn cấp với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung bộ, Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày 15/3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua được xem là tình huống thiên tai có tính lịch sử ở Việt Nam. Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các tổ chức quốc tế trước mắt, thực hiện hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn. Về lâu dài, cần thu hút các dự án ODA về xây dựng công trình và nâng cao năng lực quản lý để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn – theo Infonet.

Đẩy mạnh chương trình hợp tác trong đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường

Sáng 15/3, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức đã làm việc với Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường Hà Nội về việc phối hợp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường. Tổng cục Môi trường sẽ là đơn vị định hướng, cập nhật các kiến thức, văn bản, xu thế mới về môi trường; hỗ trợ, bố trí giảng viên phù hợp với từng nội dung đào tạo để phối hợp với HUNRE tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn ngoại khóa về nghiệp vụ bảo vệ môi trường; cùng với HUNRE triển khai các hoạt động đào tạo và truyền thông môi trường mà cả hai bên cùng có thế mạnh như tổ chức các buổi hội thảo, các buổi tham quan gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu môi truờng làm việc thực tế dành cho các sinh viên; phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác tham gia, xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế - theo VEA.

Để đáp ứng yêu cầu xã hội, trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường đã lựa chọn công tác đào tạo và truyền thông môi trường là một trong những công tác trọng tâm của Tổng cục. Tổng cục sẽ phối hợp với HUNRE hợp tác bài bản; tập trung xác định những công việc chung, những công việc cụ thể. Công tác phối hợp cần dựa trên thế mạnh của từng đơn vị; cần đẩy mạnh các hoạt động đào tạo sinh viên, các hoạt động ngoại khóa, nâng cao chất lượng sinh viên; bổ sung được các kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho học viên, giúp học viên có thể trang bị/được trang bị các nội dung phù hợp với thực tiễn. Phó Tổng cục trưởng cũng đề nghị HUNRE thúc đẩy, hoàn thiện sớm việc ký kết thỏa thuận hợp tác dài hạn giữa Tổng cục Môi trường và HUNRE. Hàng năm, Tổng cục Môi trường và HUNRE sẽ tổ chức họp sơ kết, tổng kết để kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các nội dung trong thỏa thuận này
 
Hơn 1.000 trái đạn pháo nằm lẫn trong rác thải sinh hoạt

Tuổi Trẻ đưa tin ngày 15/3, đội rà phá bom mìn lưu động tỉnh Quảng Trị (thuộc tổ chức Cây hòa bình Việt Nam) cho biết đơn vị này vừa xử lý xong một “bãi đạn pháo” với số lượng lên đến hơn một ngàn quả và nằm lẫn ngay trong khu tập kết rác thải sinh hoạt của khu dân cư tại khu vực thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị). Theo đó, vào khoảng 8g sáng cùng ngày, đội này nhận được tin báo từ người dân tại thị trấn Lao Bảo về việc phát hiện rất nhiều đạn pháo nằm lăn lóc bên vệ đường, lẫn trong đống rác thải tại khu vực thị trấn Lao Bảo.

Ngay sau đó, đội này đã có mặt tại hiện trường để tìm kiếm và xử lý số bom đạn trên. Kết quả, sau khi kiểm đếm, đội rà phá bom mìn thu được đến 1.067 quả đạn pháo còn nguyên kíp nổ. Trong đó có các loại róc két 70mm, pháo 122mm, cối 120mm, m79...  Theo thông tin thu thập được ban đầu, số đạn pháo được các đại lý thu mua phế liệu trên địa bàn gom lại để bán sắt vụn, vì còn ngòi nổ không bán được nên lén lút vứt bỏ tại khu vực này.

Xâm nhập mặn, chống ngập vào đề tài khoa học của học sinh

Ngày 15/3, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã trao 134 giải thưởng cho các đề tài sáng tạo khoa học của các học sinh THPT khu vực phía Nam, trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2015-2016. Trong đợt thi năm nay, nhiều học sinh đã nghiên cứu các đề tài thực tế từ việc biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng... đang diễn ra tại các địa phương được Ban giám khảo đánh giá cao như: Nghiên cứu biến đổi khí hậu bằng cách đo vòng năm cây Pơ Mu (THPT chuyên Thăng Long - Lâm Đồng); Hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn - ứng phó với biến đổi khí hậu (THPT chuyên Bến Tre);
Nắp cống gom rác tự động không sử dụng điện (THP Chuyên Lương Thế Vinh - Đồng Nai); Thiết bị cảnh báo lũ lụt (THPT Nguyễn Trãi - Ninh Thuận); Trái nổi báo nước mặn (THCS Phan Văn Trị - Hậu Giang)...

Diễn ra từ ngày 12 đến 15/3 tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), cuộc thi có 206 dự án của 358 học sinh. Bao gồm 160 dự án cấp THPT (279 học sinh), 46 dự án cấp THCS (79 học sinh) đến từ 32 tỉnh thành và một trường Đại học khu vực phía Nam – theo VnExpress.

Australia hứng chịu đợt nóng kỷ lục dù đã bắt đầu vào Thu

Một đợt nóng kỷ lục đã khiến mùa Hè ở Australia dường như bất tận mặc dù mùa Thu chính thức bắt đầu ở nước này vào đầu tháng Ba. Theo Cục Khí tượng Australia, hình thái thời tiết bất thường này đang ảnh hưởng tới hầu hết địa phương trên cả nước vào đầu tháng Ba, tháng khởi đầu mùa Thu. Trong báo cáo thời tiết đặc biệt công bố vào ngày 11/3, Cục Khí tượng cho biết không có mưa cũng như những đợt gió mát khiến vùng bờ biển phía Đông của Australia đang phải hứng chịu một đợt nóng kéo dài trong thời tiết ẩm ướt. Giai đoạn đỉnh điểm của đợt nóng này đã chấm dứt vào ngày 9-10/3 vừa qua, nhưng nhiệt độ nhìn chung vẫn cao hơn so với nền nhiệt độ trung bình – theo TTXVN.

Tại bờ biển phía Đông của Australia, thành phố Sydney tiếp tục hứng chịu nhiệt độ lên tới 26 độ hoặc cao hơn trong 39 ngày liên tiếp, so với kỷ lục trước là 19 ngày được ghi nhận hồi tháng 3/2014. Theo báo cáo, trong đợt nóng này, nhiệt độ cao nhất là cao hơn 4 độ C trở lên so với nền nhiệt độ trung bình trên phần lớn lục địa, đặc biệt ở miền Đông Nam Australia, nhiệt độ cao hơn 8-12 độ C so với nền nhiệt trung bình. Tại miền Bắc, lượng mưa giảm đáng kể so với lượng mưa thông thường, khiến thành phố Darwin đã trải qua tháng 1 và tháng 2 khô cạn nhất kể từ năm 1965.

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 1882