Vietnamese English
Việt Nam hướng đến mục tiêu Netzero 2050 - Góc nhìn từ Thủ đô Hà Nội (Bài 1)

9/12/2024 6:18:00 AM

Là Thủ đô – “trái tim” của cả nước, Hà Nội đã có nhiều hành động thể hiện sự chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” như đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).

 Biến đổi khí hậu gây ra những hệ luỵ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người và sự phát triển của hành tinh này. Do đó, chống biến đổi khí hậu đang là nhiệm vụ cấp bách mà tất cả các quốc gia trên thế giới phải chung tay thực hiện.

Với diện tích bờ biển dài 3.260 km, có nhiều khu đô thị lớn ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhận thức được điều ấy, những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng với các bộ ngành, địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt và đặt vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2021, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26), Việt Nam cùng gần 150 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” (Netzero) vào năm 2050. Điều này đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu cùng cộng đồng quốc tế.

Việt Nam hướng đến mục tiêu Netzero 2050 - Góc nhìn từ Thủ đô Hà Nội (Bài 1) - Ảnh 2
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP26 năm 2021.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Ngay sau COP26, Việt Nam đã triển khai các công việc liên quan để thực hiện các cam kết nêu trên. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết tại COP26, Chiến lược quốc gia biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050…

Việt Nam hướng đến mục tiêu Netzero 2050 - Góc nhìn từ Thủ đô Hà Nội (Bài 1) - Ảnh 3

Nhằm thể hiện sự chung tay với Chính phủ trong quá trình thực hiện mục tiêu Netzero 2050, nhiều hoạt động, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được các bộ ngành, địa phương tích cực thực hiện.

Trong đó, đi đầu trong việc này phải kể đến Hà Nội. Là địa phương có vị trí trung tâm chính trị, 1 trong 2 trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục quan trọng của đất nước, vào đầu năm 2023, Thủ đô Hà Nội đã trở thành điểm khởi đầu cho hành trình trồng cây trung hoà Carbon hướng đến Netzero 2050 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động.

Dự án này có tổng ngân sách là 15 tỷ đồng, được thực hiện trong 5 năm (2023 – 2027). Đây là dự án nhằm hưởng ứng mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0” mà Chính phủ Việt Nam cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, việc lựa chọn Hà Nội làm điểm khởi động cho dự án bởi ban tổ chức kỳ vọng rằng từ Thủ đô, trái tim của đất nước, hành trình trồng cây hướng đến mục tiêu trung hòa carbon Netzero vào năm 2050 sẽ lan tỏa đến nhiều địa phương trên khắp Việt Nam.

Việt Nam hướng đến mục tiêu Netzero 2050 - Góc nhìn từ Thủ đô Hà Nội (Bài 1) - Ảnh 4

“Trong thời đại hiện nay, hành động chung tay bảo vệ môi trường cũng chính là đang góp phần bảo vệ đất nước trước những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, hướng đến một Việt Nam xanh hơn và bền vững hơn”, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Thực tế hiện nay, Hà Nội đã và đang có những quyết sách quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp tăng cường không gian xanh, phát triển đô thị xanh, phủ xanh thành phố như: quy hoạch hành lang, vành đai xanh; quản lý nhằm khống chế, ngăn chặn bê tông hóa, hay các kế hoạch nâng cấp – mở rộng công viên, trồng thêm cây xanh đường phố “cho ước mơ thành phố vườn đến năm 2030”.

Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, luỹ kế kết quả thực hiện từ năm 2021 đến tháng 4/2022, toàn thành phố đã trồng được 164.000 cây xanh. Mục tiêu đề ra của Hà Nội trong năm 2024 là trồng mới 200.000 - 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến giao thông đô thị; trồng khoảng 200.000 cây ăn quả; trồng mới và trồng bổ sung 20 - 30ha rừng; chăm sóc 3.546ha rừng trồng; quản lý, bảo vệ 6.483ha rừng phòng hộ, đặc dụng.

Việt Nam hướng đến mục tiêu Netzero 2050 - Góc nhìn từ Thủ đô Hà Nội (Bài 1) - Ảnh 5
Đại lộ Thăng Long trên cao nhìn xuống như 1 khu rừng sinh thái. Ảnh: GDTĐ.

Điều đặc biệt, việc phủ xanh thành phố không chỉ thực hiện ở các tuyến đường, Hà Nội còn triển khai mở rộng không gian xanh, cải thiện môi trường sống cho người dân Thủ đô bằng Kế hoạch số 332 ngày 31/12/2021 cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố.

Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện, thành phố, các quận đã hoàn thành cải tạo 14 vườn hoa, công viên, trong đó một số địa phương tích cực triển khai, như quận Ba Đình hoàn thành 6/8 vườn hoa; quận Hai Bà Trưng hoàn thành cải tạo 3/4 vườn hoa.

Năm 2024, các quận, huyện của Hà Nội dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thành 16 công viên, vườn hoa và năm 2025 dự kiến hoàn thành 11 công viên, vườn hoa. Việc cải tạo, nâng cấp vườn hoa, công viên trên địa bàn sẽ còn tiếp tục sôi động khi các quận, huyện đề xuất cải tạo, xây dựng 111 công viên, vườn hoa ngoài kế hoạch chung của thành phố.

Mặc dù tỷ lệ xanh hoá đô thị tại Thủ đô đã và đang được cải thiện từng ngày, nhưng Hà Nội vẫn còn nhiều thách thức và hạn chế phải đối mặt như, quỹ đất dành cho tăng tỉ lệ diện tích cây xanh còn hạn hẹp, các công viên, vườn hoa chủ yếu tập trung nhiều ở các quận nội thành nhưng phân bố không đồng đều.

Để giải quyết vấn đề này, theo chuyên gia, Hà Nội cần nghiên cứu các cơ chế chính sách trong khuyến khích phát triển không gian công cộng, không gian xanh đô thị bao gồm các hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, đô thị sinh thái, công viên sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh, trục cảnh quan.

Song song với đó Hà Nội cần có các giải pháp thu hút đầu tư, sự tham gia cộng đồng trong cải tạo tái thiết các hệ thống công viên, vườn hoa, cũng như sự tham gia chia sẻ, xã hội hóa các không gian công cộng của tư nhân cho cộng đồng theo kinh nghiệm quốc tế, cần được thể chế hóa.

Việt Nam hướng đến mục tiêu Netzero 2050 - Góc nhìn từ Thủ đô Hà Nội (Bài 1) - Ảnh 6

Ngoài “xanh hoá” đô thị, thì chuyển đổi giao thông “xanh” cũng là 1 nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Hà Nội đã và đang phấn đấu thực hiện để hướng tới mục tiêu Netzero 2050.

Mới đây, ngày 4/7, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Đề án phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt điện.

Tại Đề án, Hà Nội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2026 – 2030 có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG với nguồn lực tài chính 43.000 tỷ đồng.

Đồng thời, xe buýt hoạt động trong khu vực đô thị trung tâm (trong đường vành đai 4) được định hướng chuyển sang chạy điện. Các tuyến buýt mới mở ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh.

Về kế hoạch chuyển đổi, toàn bộ xe buýt đã khấu hao và hết hạn thầu sẽ được thành phố thay thế toàn bộ. Với xe chưa hết khấu hao, sẽ được sử dụng đến hết thời gian khấu hao để chuyển sang xe buýt xanh.

Theo dự kiến, giai đoạn 2024-2030, tỷ lệ chuyển đổi xe buýt chạy dầu diezel tại Hà Nội là 70-90%. Giai đoạn 2031-2035 là 100%.

Có thể thấy, Hà Nội đang rất tích cực trong việc thực hiện Chiến lược Giao thông xanh, đặt ra các chỉ tiêu quan trọng để phát triển ngành giao thông vận tải Thủ đô hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Việt Nam hướng đến mục tiêu Netzero 2050 - Góc nhìn từ Thủ đô Hà Nội (Bài 1) - Ảnh 7
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã chính thức vận hành vào ngày 8/8 vừa qua, giúp người dân di chuyển sẽ không phải chịu cảnh tắc đường, bụi bẩn và tiết kiệm được nhiều thời gian.

Đánh giá về Đề án chuyển đổi từ xe buýt sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh của Hà Nội, GS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ôtô tại Đại học Bách khoa Hà Nội nhật xét, đây là một bước đột phá quan trọng đối với giao thông đô thị của Hà Nội mang lại nhiều lợi ích đến môi trường, giảm khí phát thải.

Theo tính toán, việc phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh sẽ góp phần giảm phát thải khí CO2 ra ngoài môi trường. Cụ thể, số CO2 phát thải giảm được khoảng 170.480 tấn CO2/năm. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng còn nhiều thách thức phía trước, nhất là về mặt kinh phí. Vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực, nguồn vốn của doanh nghiệp.

Hiện nay, việc chuyển đổi đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các bước, như quy hoạch về trạm sạc, trạm cấp nhiên liệu. Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ chế, chính sách để hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải, nhà đầu tư, xã hội hóa... đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng xanh, ví dụ như trạm sạc điện tại các bến bãi, các điểm đầu cuối và các điểm đỗ xe công cộng.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư và vận hành xe buýt xanh cao hơn so với xe buýt chạy bằng nhiên liệu hoá thạch. Theo chuyên gia, giá xe buýt điện gấp khoảng 3 - 4 lần so với xe buýt chạy bằng diezel cùng sức chứa. Tương tự, giá xe buýt sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng CNG gấp khoảng 2 lần xe buýt dùng nhiên liệu diesel. Pin xe buýt điện chiếm khoảng 40 - 50% giá trị xe và sẽ suy hao dung lượng sau 4 - 5 năm sử dụng.

Tuy nhiên, với việc xác định “xanh hóa” xe buýt là yêu cầu tất yếu nhằm tiến tới một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có những buổi làm việc với 11 doanh nghiệp đang khai thác dịch vụ xe buýt. Tinh thần xuyên suốt trong những buổi làm việc là các doanh nghiệp cần phải bắt tay vào chuyển đổi ngay lập tức, không có đường lùi. Bên cạnh đó, để nắm bắt được tâm tư của các doanh nghiệp, Sở sẽ song hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc nhằm đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh.

Tại kỳ họp thứ 17 vừa qua, HĐND TP.Hà Nội cũng đã đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống định mức, đơn giá, các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư phương tiện, đầu tư cơ sở hạ tầng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đảm bảo phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển của thế giới.

Hiện nay, Hà Nội bố trí khoảng 2.300 tỷ đồng/năm từ ngân sách để trợ giá cho xe buýt. Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh, theo tính toán Hà Nội cần bố trí thêm khoảng 8.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2024-2033, tương đương 831 tỷ đồng mỗi năm.

Theo ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở GTVT Hà Nội, với việc phát triển giao thông xanh, cụ thể là phương tiện xanh cũng như phương tiện phi cơ giới là một trong những xu thế tất yếu và có vai trò quan trọng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh nhận thức, thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân, thì các vấn đề như hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng khí, nguồn lực tài chính… là những hạn chế ảnh hưởng đến quá trình xanh hóa giao thông của Thủ đô.

Theo ông Thành, giao thông xanh không chỉ đơn thuần là các phương tiện giao thông xanh mà còn là các công trình giao thông xanh. Trong đó bao gồm: đầu tư các công trình giao thông sử dụng năng lượng xanh, vật liệu xanh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội giao thông công cộng Hà Nội cho rằng, để có một hệ thống giao thông xanh, không chỉ có phương tiện, mà còn phải đồng bộ với cơ sở hạ tầng, như hệ thống sạc cần được bố trí phù hợp, thuận tiện. Đặc biệt là vấn đề bảo dưỡng, sữa chữa để phục vụ cho số lượng lớn phương tiện.

Theo ông Hải, thời gian gần đây, Hà Nội đã có những đổi mới trong việc phát triển giao thông xanh. Mạng lưới được hoàn thiện một cách tích cực, hợp lý hơn, mức bao phủ rộng rãi hơn, các phương tiện cũng được thay đổi nhiều hơn. Loại hình mới cũng được đưa vào đó là xe buýt điện, xe CNG, đường sắt đô thị…

Việt Nam hướng đến mục tiêu Netzero 2050 - Góc nhìn từ Thủ đô Hà Nội (Bài 1) - Ảnh 8

Với những động thái đó, ông Hải cho rằng, từng bước người dân Hà Nội sẽ được tiếp cận với những dịch vụ mới thuận tiện hơn, văn minh hơn, góp phần làm xanh hơn mạng lưới giao thông Thủ đô.

Mỹ Tịch

(Kinh tế môi trường)

Lượt xem : 677