Theo thống kế rủi ro lâu dài do biến đổi khí hậu, Việt Nam đứng thứ 7 trên toàn cầu với trung bình hàng năm có 392 người chết và thiệt hại hơn 1% GDP do các thảm họa liên quan đến thiên tai. Do vậy, chỉ có những nỗ lực chung và tích cực giữa các cấp từ cộng đồng, huyện, tỉnh đến trung ương mới có thể giúp các cộng đồng sẵn sàng thích ứng và góp phần làm giảm các nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, hiện tượng sạt lở đất, bờ sông, bờ biển cũng xảy ra ở nhiều nơi; xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn và lấn sâu vào đất liền, tình trạng cạn kiệt nguồn nước trên các dòng sông ngày càng phổ biển (mực nước sông Mekong xuống thấp nhất trong vòng 100 năm) đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Tại Hội nghị COP 21 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai Chiến lược, Chương trình, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của các quốc gia, các tổ chức quốc tế dành cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung và
ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng.
Thanh tra tổ chức, cá nhân để doanh nghiệp gây ô nhiễm kéo dài
HĐND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành nghị quyết giao UBND tỉnh có kế hoạch và giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh và Cụm công nghiệp Trung An (Mỹ Tho) và các doanh nghiệp khác mà HĐND tỉnh đã giám sát, kết luận. Ngoài ra, phải đình chỉ hoạt động nhà máy sản xuất dầu từ vỏ xe của DNTN Phúc Nguyên Phát; kiên quyết đình chỉ và di dời ra khỏi khu dân cư các cơ sở sản xuất không có giấy phép xây dựng, không có khả năng thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và đang gây
ô nhiễm môi trường.
Lần đầu tiên HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh thanh tra trách nhiệm các tổ chức, cá nhân quản lý nhà nước đã để các cơ sở sản xuất không đủ điều kiện vẫn ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài. HĐND tỉnh còn yêu cầu tập trung rà soát những điểm “nóng” gây ô nhiễm mà người dân phản ảnh, những cơ sở nào chưa thực hiện đúng quy định
bảo vệ môi trường thì đình chỉ hoạt động ngay – theo Tuổi Trẻ.
85 tỷ USD giải quyết hậu quả thiên tai trong năm 2015
Con số 85 tỷ USD phải bỏ ra để giải quyết hậu quả
thiên tai trong năm 2015, được Công ty Tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sỹ công bố hôm 18/12 cho thấy, thảm họa thiên tai vẫn là vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Nếu như con số 85 tỷ USD chủ yếu liên quan đến việc bồi thường do thiên tai mà các hãng bảo hiểm phải bỏ ra, thì con số thiệt hại tổng thể do thảm họa thiên tai như động đất, lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy gây ra với nền kinh tế thế giới là từ 250-300 tỷ USD/năm. Để bù đắp những thiệt hại do thiên tai gây ra, các quốc gia cần khoản dự phòng lên tới 314 tỷ USD/năm – theo An Ninh Thủ Đô.
Theo nghiên cứu chi tiết, năm 2015, riêng
bồi thường thiệt hại về thiên tai lên tới 74 tỷ USD, trong đó trận bão mùa Đông hồi tháng 2-2015 ở Mỹ chiếm kỷ lục bồi thường bảo hiểm lên tới 2,7 tỷ USD. Trong khi đó, trận động đất ở Nepal - khiến 9.000 người thiệt mạng, phá hủy 500.000 căn nhà - ước tính thiệt hại kinh tế tới 6 tỷ USD. Tuy nhiên, các hãng bảo hiểm chỉ phải bồi thường số tiền 160 triệu USD. Năm 2015 còn được xem là nóng kỷ lục khi có 5.000 người thiệt mạng trên thế giới, trong đó, riêng số người tử vong do thời tiết nóng ở Ấn Độ và Pakistan là 3.000 người khi nhiệt độ lên tới 48 độ C. Theo các nhà khoa học, đầu tư vào việc giảm bớt nguy cơ xảy ra thiên tai tuy rất tốn kém, song có thể đạt hiệu quả cao. Chẳng hạn, với khoản đầu tư 6 tỷ USD mỗi năm dành cho các biện pháp giảm thiểu thiên tai, thế giới có thể tránh được thiệt hại lên tới 360 tỷ USD trong vòng 15 năm tới.
Đời sống ở Bắc Kinh đảo lộn do tác động của ô nhiễm môi trường
Một quan chức thuộc Ủy ban về Kinh tế và Công nghệ thông tin Bắc Kinh cho biết, chính quyền thành phố này đã yêu cầu 2.100 nhà máy thuộc vùng trung tâm và ngoại ô thành phố tạm ngừng hoặc cắt giảm sản xuất để đối phó với tình trạng ô nhiễm khói bụi đang ở mức “báo động đỏ," sau khi những đám mây bụi độc hại xuất hiện tại đây trong ba ngày liên tiếp. Thủ đô của Trung Quốc đã ở trong tình trạng báo động cao nhất về khói bụi kể từ ngày 19/12. Đây là lần thứ hai Bắc Kinh rơi vào tình trạng “báo động đỏ” về
ô nhiễm môi trường kể từ khi thành phố này bắt đầu thiết lập chương trình cảnh báo ô nhiễm hồi năm 2013.
Trong tình trạng "báo động đỏ," Bắc Kinh đã phải tiến hành cắt giảm một nửa số xe ôtô lưu thông trên đường phố, ngoại trừ xe buýt, taxi, xe điện và các loại xe phục vụ những mục đích đặc biệt như xe cứu thương, trong khi hệ thống giao thông công cộng như tàu điện ngầm cũng được chỉ đạo gia tăng hoạt động. Ngoài ra, các trường học và nhà trẻ ở Bắc Kinh cũng được thông báo đóng cửa trong hai ngày 21 và 22/12. Ngoài thủ đô Bắc Kinh, tại Trung Quốc cũng có đến 33 thành phố thuộc các tỉnh khác nhau thực hiện các biện pháp tương tự để đối phó với tình trạng
khói bụi dày đặc này – TTXVN đưa tin.
Hồ nước trên thế giới đang chết dần vì biến đổi khí hậu
Trong nghiên cứu được công bố mới đây, các chuyên gia cho biết họ sử dụng dữ liệu thời tiết vệ tinh được ghi lại trong hơn 25 năm và các phép đo bề mặt ở 235 hồ nước trên 6 lục địa. Kết quả cho thấy nhiệt độ hồ nước trên thế giới đang ấm hơn trung bình khoảng 0,61 độ qua mỗi thập kỷ. Con số này cao hơn cả tốc độ nóng lên của đại dương hoặc
không khí, và có thể tác động rất lớn đến hệ sinh thái, nguồn nước ngọt.
Nếu
nhiệt độ tiếp tục tăng trong thế kỷ tới, tảo biển sẽ sinh sôi nhanh chóng và hút hết oxy trong nước, gây độc cho cá và các loài sinh vật. Phát thải khí methane có thể tăng 4% trong 10 năm tới. Trong khi đó, nhiệt độ nước ảnh hưởng đến nhiều đặc tính quan trọng đối với sự tồn tại của các hệ sinh thái. Khi mức nhiệt dao động nhanh trên quy mô lớn, các dạng sống trong hồ nước có thể thay đổi đáng kể và thậm chí biến mất. Hồ nhiệt đới ít tăng nhiệt độ, nhưng tác động chung của tình trạng ấm lên toàn cầu vẫn ảnh hưởng đến các loài cá – theo Zing.
Đầu bếp “chống biến đổi khí hậu” phá rừng
Marc Veyrat, đầu bếp người Pháp được chọn nấu ăn cho các nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc đàm phán
chống biến đổi khí hậu ở Paris vừa qua đã bị phạt vì phá hủy 7.000 m2 rừng ở La Maison des Bois trên dãy Alps – theo Công An Nhân Dân.
Ông bị tòa án ở Annecy yêu cầu nộp tiền phạt là 100.000 EUR và khôi phục vùng đất bị phá hủy trong vòng 3 tháng. Ông Veyrat nói với tòa án, ông đã hành động với ý định tốt vì muốn xây dựng một trung tâm giáo dục cho trẻ em, một vườn thực vật và nhà kính tại đây.