Hệ thiết bị này bao gồm 01 phổ kế ghi bức xạ gamma đa kênh đặt tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (HIC) và 01 server quản lý đặt tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (INST), được lắp đặt và đưa vào vận hành ngày 01/12/2015 do công ty SI DITECTION trao tặng thông qua dự án CSR (trách nhiệm xã hội) của Văn phòng Kotra Hà Nội. Hệ thiết bị được thiết kế để giám sát liên tục theo thời gian thực suất liều bức xạ gamma môi trường xung quanh, hệ thống này có khả năng phân biệt giữa nuclit
phóng xạ tự nhiên và nhân tạo, và truyền tải dữ liệu thông qua mạng lưới trực tuyến kết hợp với các trạm quan trắc phóng xạ khác – theo Lao Động.
EFRD-3300 là sản phẩm từ sự phát triển và nghiên cứu chung của Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (KAERI), Viện an toàn hạt nhân Hàn Quốc (KINS) và SI DITECTION sản xuất các hệ thống phát hiện bức xạ. Hệ thống EFRD tương tự đã được đưa vào các mạng lưới quan sát bức xạ toàn quốc tại Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philipines, Qatar và Hàn Quốc từ năm 2000. Hệ thiết bị EFRD-3300 hoàn toàn mới này sẽ góp một phần quan trọng trong hệ thống quan trắc và cảnh báo tình trạng bức xạ môi trường, đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp cần giám sát bức xạ kịp thời, ví dụ như thảm họa nhiễm phóng xạ từ sự cố hạt nhân Fukushima năm 2011.
Hiện tượng El-Nino tác động đến tình hình dịch bệnh ở Việt Nam
Ngày 2/12, tại buổi gặp gỡ báo chí về công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh trong thời gian chuyển mùa tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện tượng biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của
El-Nino đã tác động đến tình hình dịch bệnh của Việt Nam. Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn có thể xảy ra nếu các biện pháp phòng bệnh không được thực hiện đầy đủ, triệt để, đồng bộ và chủ động – theo TTXVN.
Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 62.000 ca mắc sốt xuất huyết lưu hành ở 56 tỉnh thành. Đáng lo ngại là virus sốt xuất huyết đã lưu hành ở nhiều tuýp nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau nặng hơn lần trước. Ngoài sốt xuất huyết, dịch bệnh tay chân miệng cũng đang diễn biến phức tạp, đến nay cả nước có khoảng 50.000 trường hợp mắc bệnh tại 62 tỉnh, thành. Bên cạnh đó, hiện nay thời tiết đang chuyển mùa đông, nhiệt độ giảm mạnh làm nguy cơ tăng cao bệnh cúm mùa, bệnh cúm gia cầm lây truyền sang người (cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), cúm gia cầm (H5N6).
Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Sáng 02/12, tại thành phố Huế, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Bắc Âu (NCA) tổ chức Phiên khai mạc Hội nghị toàn quốc "Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với
biến đổi khí hậu". Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã kêu gọi các Tổ chức tôn giáo trên cả nước hãy tích cực hành động để tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong cộng đồng tôn giáo nói riêng và toàn xã hội.
Hội nghị toàn quốc "Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và
ứng phó với biến đổi khí hậu" với mục tiêu chính là cung cấp thông tin về những vấn đề cấp bách của tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay; các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta; Làm rõ các mô hình nhân dân phối hợp bảo vệ môi trường, tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu ở các địa phương, nhất là do đồng bào các tôn giáo thực hiện – theo Tổng cục Môi trường.
10% người giàu nhất thế giới xả ra 50% lượng khí thải CO2 toàn cầu
Theo kết của nghiên cứu mà Tổ chức Phi chính phủ quốc tế Oxfarm công bố ngày 2/12, 10% nhóm người giàu nhất thế giới xả ra môi trường 50% lượng
khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu. Về tiêu thụ các nhiên liệu hóa thạch, trung bình một người trong nhóm 1% những người giàu nhất thế giới xả ra môi trường một lượng carbon cao gấp 175 lần một người thuộc nhóm 10% những người nghèo nhất thế giới – theo TTXVN.
Oxfarm cho rằng những phân tích này cho thấy việc quy phần lớn trách nhiệm gây ra biến đổi khí hậu cho người dân ở các quốc gia đang phát triển là điều không thực tế. Tim Gorse, giám đốc chính sách khí hậu của Oxfarm, cho rằng nhóm những người giàu xả lượng khí thải cao ra môi trường cần phải thực hiện trách nhiệm của mình bất kể họ ở quốc gia nào. Các số liệu được Oxfarm công bố trong khi đại diện 195 quốc gia trên thế giới đang tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra ở Paris (Pháp).
Các nước cam kết tăng đóng góp tài chính chống biến đổi khí hậu
Đúng như lời hứa được đưa ra trong cuộc vận động tranh cử tại Canada hồi tháng 10 vừa qua, ngày 1/12, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tái khẳng định cam kết sẽ đầu tư 300 triệu CAD (tương đương 224,5 triệu USD) cho kế hoạch phát triển năng lượng sạch. Thủ tướng Trudeau đưa ra tuyên bố trên bên lề Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi
khí hậu (COP21) đang diễn ra tại Paris của Pháp – theo TTXVN.
Sáng kiến kêu gọi thiết lập quỹ lên tới hàng chục tỷ USD để thúc đẩy phát triển công nghệ phục vụ sản xuất năng lượng sạch từ sức gió và năng lượng Mặt trời. Hiện đã có ít nhất 19 quốc gia và 28 nhà đầu tư hàng đầu thế giới hưởng ứng sáng kiến này. Cùng ngày, trong một cuộc họp với giới chức lãnh đạo các quốc đảo tại Paris bên lề COP21, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ đóng góp 30 triệu USD vào các kế hoạch bảo hiểm cho nguy cơ rủi ro do biến đổi khí hậu tại khu vực Thái Bình Dương, Trung Mỹ và châu Phi.
Pháp dành hơn 2 tỷ USD phát triển năng lượng xanh cho châu Phi
Phát biểu tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Phi bên lề Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đang diễn ra tại Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định 2 tỷ euro phát triển năng lượng
xanh nói trên nằm trong gói trợ giúp 6 tỷ euro Pháp dành để cung cấp điện năng cho "lục địa Đen" trong giai đoạn từ 2016-2020 – TTXVN đưa tin.
Theo ông Hollande, Pháp muốn thể hiện vai trò là nước đi đầu trong việc thực hiện cam kết nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang năng lượng xanh của châu Phi. Việc giúp châu Phi phát triển nguồn năng lượng tái tạo cũng là giải pháp đảm bảo an ninh cho lục địa vốn tồn tại nhiều bất ổn này. Ông Hollande cho rằng mặc dù châu Phi không phải là lục địa thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, song khu vực này luôn chịu hậu quả lớn từ hiện tượng biến đổi khí hậu.
Google Maps có thêm tính năng theo dõi tác động của việc biến đổi khí hậu
Trong tinh thần hưởng ứng Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) đang diễn ra tại Paris của Pháp, ngày 30/11, Google đã giới thiệu rộng rãi tính năng "Street View" trên Google Maps nhằm cung cấp cho người dùng cái nhìn tổng quan về thực trạng biến đổi khí hậu tại nhiều khu vực xa xôi trên thế giới – theo Lao Động Thủ Đô.
Với "Street View," ứng dụng bản đồ phổ biến của Google từ việc chỉ đơn giản hiển thị khung cảnh bên ngoài nơi làm việc hay nhà ở giờ đã phát triển lên mức cho phép người ngồi tại nhà có thể tham gia vào một chuyến hành trình ảo tới khám phá các ngọn núi, các khu rừng nhiệt đới hay xuống đáy đại dương. Sáng kiến này nhằm đưa vấn đề biến đổi khí hậu đến gần hơn với người dân và khuyến khích cộng đồng chung tay hành động. Các hình ảnh trên "Street View" cho phép người xem theo dõi những thay đổi qua thời gian của môi trường tự nhiên dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)