Dựa trên những số liệu tính toán của Standard& Poor’s, tại Đông Nam Á, hai nước Việt Nam và Thái Lan nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm điểm tín dụng cao nhất do biến đổi khí hậu, khi xuất hiện nhiều cơn bão quốc tế với tần suất thường xuyên hơn và cấp độ cũng mạnh hơn.
Ngoài ra, S&P còn đưa ra số lượng ước tính, nợ công của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm hơn 4% bởi các chi phí tái xây dựng khắc phục hậu quả từ những
thảm họa thiên nhiên, điển hình là từ các cơn bão và lốc xoáy nhiệt đới – theo VTV.
Lần đầu tiên công nghệ xử lý nền đất yếu được đưa vào Việt Nam
Công nghệ này giúp tận dụng đất bùn phế thải, là loại đất chỉ có thể đổ bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường thành một loại đất mới có thể sử dụng được làm nền và móng cho công trình xây dựng. Đây là lần đầu tiên công nghệ xử lý nền đất yếu không gây ô nhiễm môi trường được chuyển giao và đưa vào Việt Nam. Theo thông tin tại hội thảo về “Xây dựng Tiêu chuẩn xử lý nền đất yếu - Phương pháp xử lý nông và giới thiệu công nghệ xử lý nền đất yếu theo phương pháp ổn định toàn khối” do Bộ Xây Dựng chủ trì đã diễn ra tại Hà Nội ngày 28/11.
TTXVN dẫn lời ông Vũ Quang Bảo - Tổng Giám Đốc Tập đoàn Bitexco - Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển công nghệ xanh bền vững BCX - đơn vị nhận chuyển nhượng công nghệ xử lý nền đất yếu từ Phần Lan cho hay ưu điểm nổi trội của công nghệ gia cố nông, xử lý nền đất yếu theo phương pháp ổn định toàn khối sẽ giúp phần cải tạo, biến đổi nền đất bùn, đất yếu thành nền đất có cường độ cao, khắc phục được hiện tượng sụt lún, chịu được tải trọng của các dạng công trình khác nhau.
Các nước nghèo cần 1.000 tỷ USD để thực hiện chống biến đổi khí hậu
Theo một nghiên cứu về
vấn đề biến đổi khí hậu công bố ngày 30/11, 48 nước nghèo nhất trên thế giới cần có 1.000 tỷ USD trong khoảng từ năm 2020 đến 2030 để có thể thực hiện kế hoạch chống biến đổi khí hậu. Con số trên được Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) đóng trụ sở tại London (Anh) tính toán dựa vào kế hoạch mà các nước kém phát triển nhất thế giới (LDC) cam kết để thực hiện thỏa thuận kiềm chế tình trạng nóng lên toàn cầu của Liên hợp quốc.
Theo ước tính, mỗi năm các nước này sẽ cần có 93 tỷ USD, bao gồm 53,8 tỷ USD cho giảm khí phát thải và 39,9 tỷ USD đối phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan và tình trạng nước biển dâng cao cao. IIED cho biết hiện các nước kém phát triển mới chỉ được tiếp cận với một phần ba quỹ khí hậu quốc tế do các nước giàu có cung cấp – TTXVN cho biết.
Bắc Kinh ra cảnh báo màu cam về ô nhiễm môi trường
Các nhà chức trách TP Bắc Kinh (Trung Quốc) đã buộc phải đưa ra cảnh báo màu cam - mức cảnh báo nghiêm trọng thứ 2 trong 4 mức độ ô nhiễm. Một trong những quốc gia có lượng khí phát thải lớn trên thế giới là Trung Quốc. Thủ đô Bắc Kinh của quốc gia này đang phải trải qua đợt
ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất từ đầu năm 2015 đến nay. Chỉ trong đêm 29/11, nồng độ hạt bụi phân tử có thể dễ dàng xâm nhập vào phổi (PM 2.5) đã tăng lên gấp 7 lần. Vào thời điểm 12h ngày 30/11, nhiều trạm quan trắc tại thủ đô Bắc Kinh đã đo được nồng độ PM 2.5 đạt mức kỷ lục 725 microgram/m3 không khí, cao gấp 35 lần mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã phải đưa ra mức cảnh báo màu cam đầu tiên trong năm 2015. Với mức cảnh báo này, nhiều công trình đang thi công phải ngừng hoạt động; một số nhà máy ngừng sản xuất; các trường trung học, tiểu học và mẫu giáo ngừng các hoạt động vui chơi ngoài sân; đồng thời, toàn thành phố cấm các hoạt động gây khói như nướng thịt ngoài trời. Chính quyền thành phố cũng khuyến khích hạn chế xe ô tô ra đường và khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, đặc biệt là người già và trẻ em – theo VTV.
Khuyến nghị Anh xem lại kế hoạch giảm trợ giá năng lượng "xanh"
Nhân Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) diễn ra tại Pháp, nhiều công ty lớn hoạt động tại Anh đã đề nghị Thủ tướng David Cameron xem xét lại kế hoạch cắt giảm các biện pháp trợ giá năng lượng tái tạo của nước này vì cho rằng nó sẽ trở thành rào cản khả năng cạnh tranh của Anh trong cuộc đua tìm kiếm và phát triển các
nguồn năng lượng sạch phục vụ mục tiêu chống biến đổi khí hậu. – theo TTXVN.
Trong thư gửi Thủ tướng Cameron được báo chí Anh đăng tải ngày 29/11, lãnh đạo nhiều công ty và tập đoàn lớn, trong đó có Tesco, Ikea, Vodafone, Nestlé, Unilever, Panasonic, British Telecom và Marks and Spencer nhấn mạnh "những thay đổi gần đây trong chính sách môi trường đã làm suy giảm lòng tin vào đầu tư cơ sở hạ tầng và tác động tới khả năng cạnh tranh của Anh trong lĩnh vực sản xuất năng lượng phát thải carbon thấp vốn đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu." Vì lý do này, các công ty đề nghị Chính phủ Anh "cam kết và thúc đẩy các chính sách hỗ trợ tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Anh từ nay đến thập niên 2020."
Máy lọc không khí giảm ô nhiễm đường phố
Tòa Thị chính thủ đô New Delhi ở Cộng hòa Ấn Độ vừa cho lắp đặt một loại thiết bị mới, góp phần giảm lượng khí
ô nhiễm tích tụ hàng ngày trên các đường phố trung tâm, giúp cải thiện điều kiện môi trường lâu nay luôn ở mức đáng báo động. Thiết bị do Công ty Systemlife của Italia chế tạo, có thể lọc tới 10.000m³ khí mỗi giờ để trả lại bầu không khí trong lành cần có cho môi trường xung quanh. Các chất khí gây ô nhiễm như bụi khói, carbon dioxide (CO2) và nitơ oxít (NO2) được tự động lọc qua nhiều lớp phễu chuyên dụng, còn các tạp chất cứng lẫn trong không khí được lưu giữ trong khoang chứa chất thải để công nhân vệ sinh định kỳ thu gom – An Ninh Thế Giới đưa tin.
Nguyên tắc vận hành của thiết bị giống như một chiếc máy hút bụi chân không khổng lồ, không khí bẩn sẽ được hút vào rồi lọc lần lượt qua 5 cấp độ, trước khi trả lại môi trường lượng khí trong lành vốn có. Tổng trọng lượng của thiết bị lọc khí hiện đại này là 7 tấn, được vận hành bằng lưới điện 3 pha với giá thành là 25 triệu rupi (đơn vị tiền tệ Ấn Độ), tương đương 551.000USD cùng công lắp đặt miễn phí. "Tiền bạc không thành vấn đề, điều quan trọng nhất là sức khỏe của người dân" - bà Rajni Abbi - Thị trưởng New Delhi khẳng định với báo giới.
Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)