Vietnamese English
Việt Nam có Khu Ramsar thứ 8

2/23/2016 1:18:00 PM

Tối 22/2, Bộ Tài Nguyên & Môi trường phối hợp cùng UBND tỉnh Kiên Giang và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức Lễ trao bằng công nhận VQG U Minh Thượng là khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2228 của thế giới.

Với danh hiệu đặc biệt này, VQG U Minh Thượng sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh đặc biệt của mình ra cộng đồng thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các du khách trong và ngoài nước trong tương lai – theo MT&ĐS.


Đây cũng là cơ hội để kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc nghiên cứu, bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái đầm lầy ngập nước với thảm thực vật thủy sinh, được xem như hệ sinh thái tiêu biểu của vùng đầm lầy đất than bùn vùng U Minh khi xưa, một trong số ít nơi còn tồn tại đất than bùn ở Nam Bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu thì vùng đầm lầy than bùn lại có ý nghĩa lớn trong việc giảm nhẹ nguy cơ này do có khả năng lưu trữ và tích tụ C02 trong đất than bùn cao hơn hẳn các loại đất khác.

Xử lý việc ô nhiễm vịnh Hạ Long chỉ trong 7 ngày

Từ ngày 22/2 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản chỉ đạo việc bốc xúc hàng hóa trái phép trên Vịnh Hạ Long gây ô nhiễm môi trường mà báo Dân Việt đã phản ánh đến ngày báo cáo kết quả xử lý là 7 ngày (22/9) – theo Dân Việt.

Trong văn bản số 809/UBND-MT về xử lý việc bốc xúc hàng hóa trái phép trên Vịnh Hạ Long gây ô nhiễm môi trường ban hành ngày 22/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã chỉ đạo: Việc sang tải hàng hóa rời tàu biển ảnh hưởng đến môi trường trên Vịnh Hạ Long đã được UBND tỉnh ra văn bản nghiêm cấm, do vậy yêu cầu Ủy ban Nhân dân TP Hạ Long chủ trì, phối hợp với lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh và đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra hiện tượng báo Dân Việt nêu và dừng ngay các hoạt động sang tải hàng hóa trái phép từ các tàu biển sang sà lan gây ô nhiễm môi trường trên Vịnh Hạ Long.

13.700 tỷ đồng cho cải tạo môi trường nước TP.HCM

Thông tin từ văn phòng UBND TP.HCM cho biết, TP đang gấp rút chuẩn bị giai đoạn 3 “Dự án cải tạo môi trường nước TP.HCM”, nạo vét, giải quyết nhu cầu thoát nước, chống ngập, giao thông thủy, cải tạo môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, với diện tích khoảng 1.600ha thuộc địa bàn các quận 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh.

Khoảng 8.700 tỷ đồng (tương đương 49 tỷ yên Nhật) là nguồn vốn vận động từ Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), số còn lại là nguồn vốn đối ứng của TP. Tổng kinh phí của dự án khoảng 13.700 tỷ đồng, Dự án sẽ dành gần 9.500 tỷ cho chi phí xây dựng, thiết bị, quản lý dự án, và hơn 4.000 tỷ đồng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng – theo Nông nghiệp Việt Nam.

Hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi hécta lúa bị thiệt hại do hạn và mặn

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, để khắc phục trước mắt diện tích lúa bị thiệt hại do hạn, mặn gây ra, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hỗ trợ ngay 2 triệu đồng/ha lúa bị thiệt hại từ 70% trở lên và 1 triệu đồng/ha lúa bị thiệt hại từ 30-70%. Trước mắt, các địa phương cần gấp rút tìm nguồn vốn ứng trước từ ngân sách địa phương để hỗ trợ cho người dân và quyết toán với ngân sách Trung ương sau.

TTXVN cho biết đến trung tuần tháng Hai, ảnh hưởng của xâm nhập mặn đối với sản xuất vụ lúa Mùa chủ yếu trên đất lúa tôm của tỉnh Kiên Giang với diện tích bị hạn, mặn là gần 60.000ha; trong đó diện tích bị thiệt hại là hơn 30.000ha. Đối với vụ lúa Thu Đông có hơn 32.000ha bị hạn, mặn chủ yếu trên đất lúa Thu Đông muộn của tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Riêng vụ lúa Đông Xuân 2015-2016, tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang đã có hơn 330.000ha, chiếm hơn 35% diện tích xuống giống và chiếm hơn 21% diện tích lúa Đông Xuân toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán; trong đó, đã có hơn 100.000ha, chiếm khoảng 7% diện tích lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng hạn, mặn nặng.

Ấn Độ “vượt” Trung Quốc về ô nhiễm không khí

Các phân tích dữ liệu vệ tinh NASA của tổ chức Greenpeace cho thấy năm 2015 Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc về mức độ ô nhiễm không khí. Theo Indiatimes, lần đầu tiên trong thế kỷ 21 số lượng trung bình hạt vật chất ô nhiễm trong không khí đo được ở Ấn Độ đã cao hơn Trung Quốc. Thông cáo của Greenpeace tại Ấn Độ cho rằng: “Các biện pháp kiểm soát ô nhiễm mạnh tay của Trung Quốc đã giúp chất lượng không khí nước này cải thiện đáng kể. Ngược lại, mức độ ô nhiễm của Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng lên trong hàng thập kỷ qua và đạt mức độ kỷ lục hiện nay”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ấn Độ hiện có tới 13 trong tổng số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chất lượng không khí ngày càng tệ đi trong thập kỷ qua, nhất là ở bắc Ấn Độ. Trong báo cáo xếp hạng Chỉ số chất lượng không khí quốc gia (NAQI) công bố trước đó của Greenpeace, tổ chức này cũng cho biết, tới 15/17 thành phố của Ấn Độ có mức ô nhiễm không khí vượt quá so với các tiêu chuẩn quy định trong nước. Báo cáo cũng chỉ ra 23/32 trạm đo chất lượng không khí trên toàn Ấn Độ cho thấy không khí ở đó đã vượt quá tiêu chuẩn nhà nước quy định tới 70%, tình trạng không khí đe dọa đáng kể tới sức khỏe người dân.

Bắc Kinh xây hành lang thông gió khổng lồ chống ô nhiễm không khí

Tin Nhanh đưa tin Bắc Kinh đang chuẩn bị xây dựng một hệ thống thông gió trên toàn thành phố nhằm giúp người dân thủ đô thoát khỏi nạn ô nhiễm khói bụi đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại đây. Wang Fei, phó trưởng ban quy hoạch đô thị Bắc Kinh cho biết: “Năm đường hầm thông gió cấp 1 và khoảng chục đường hầm thông gió cấp 2 sẽ được xây dựng. Dựa trên những điều kiện khác nhau của các đường hầm, chúng tôi sẽ cùng với các cơ quan khí tượng và những chuyên gia có liên quan tiến hành nghiên cứu thêm. Mỗi đường hầm sẽ có một mô hình riêng. Mục đích là để giảm bớt hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và giảm ô nhiễm không khí”.

Hệ thống thông gió mới này sẽ được triển khai trên toàn thành phố và kết nối các khu công viên và sông hồ cùng với đường cao tốc và những khu chung cư thấp. Các hành lang thông gió có thể tăng lưu lượng gió đi qua thành phố nhằm giúp xua bớt khí nóng và các chất ô nhiễm, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và ô nhiễm không khí. Một trong những đường hầm chính sẽ chạy từ khu vực ngoại ô phía Bắc sang khu đối diện ở phía Nam. Năm hành lang thông gió khác sẽ được xây dựng dọc theo trục trung tâm của Bắc Kinh, từ công viên ngoại ô Taiping ở phía Bắc tới đường cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải ở phía Nam thành phố. Ngoài ra hệ thống này cũng sẽ được bổ sung thêm nhiều lỗ thông hơi nhỏ hơn để tăng cường hiệu quả thông khí và giảm bớt ô nhiễm khói bụi.

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2075