Vietnamese English
Việt Nam có đến 2/3 trong số 15 thiên tai thường xuyên: Do vẫn giẫm vào vết xe đổ

11/2/2009 9:53:00 PM

SGTT - Chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Sinh nói rằng, trên thế giới người ta ghi nhận có 15 thiên tai thường xuyên nhất thì Việt Nam có đến 2/3 những thiên tai đó, từ động đất, bão lũ thì xuất hiện quá thường xuyên, đến cháy rừng, mất đất... Nhưng hành động thực hiện chiến lược mang tính quốc gia để hạn chế sự ảnh hưởng từ thiên nhiên, ông Sinh cho rằng là còn... kém lắm.

 


Trả lời phỏng vấn phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Sinh, nói:

Sự tổn thất từ cơn bão số 9 vừa qua là rất lớn, nhưng lớn hơn cả những con số thống kê đó là thiệt hại về người, thiệt hại mà chúng ta không tính được thành tiền.

Không ít người cho rằng, sở dĩ thiên tai hiện nay diễn ra thường xuyên, với cường độ khốc liệt hơn trước kia, với diện rộng hơn bình thường có thể do sự phản ứng của thiên nhiên đang bị tác động trái với những quy luật tự nhiên vốn có. Đây là điều đáng suy nghĩ.

Thưa ông, sau cơn bão, người ta thấy dưới dòng sông là những khúc gỗ rất to trôi xuống từ rừng, câu chuyện ăn lạm vào rừng, dĩ nhiên không thể không nhắc lại?

Ta thấy gỗ bị trôi sau lũ đã thấy xót xa, nhưng không chỉ có rừng, kéo theo những cây gỗ bị đốn vô tội vạ này còn ẩn giấu một điều nữa. Đó là hệ sinh thái liên quan đến cây gỗ này cũng bị phá. Từ những cây gỗ trôi sông này, tới đây chúng ta sẽ không còn trông thấy con chim, con thú nữa. Đó là những tổn thất cũng không kém phần nghiêm trọng như những thớ gỗ bị đốn hạ từ lâu.

 

 

Sau bão số 9 là cơn “bão gỗ” khủng khiếp trên sông Vu Gia (Quảng Nam) gây choáng váng nhiều người. Ảnh: Mai Kỳ

 
Trong bão số 9, người dân bị tấn công từ rừng, bị tấn công từ biển khi những dự án rừng phòng hộ cứ lụi dần hoặc bị chặt phá đi. Ông nghĩ sao về chuyện này?

Chúng ta đang bị tấn công tứ phía chứ không phải hai phía. Ta mới chỉ thấy những cây gỗ bị đốn hạ từ trên rừng trôi về, phi lao ở biển bị chặt, rừng ngập mặn bị mất..., đây cũng là điều phải cảnh tỉnh dù điều này được nói đi nói lại rất nhiều lần rồi.

Các địa phương khi họ muốn có khu nghỉ mát, có đường ven biển cho đẹp để phát triển kinh tế thì họ cũng vô tình, hoặc tính toán chưa kỹ khi huỷ hoại đi một khu rừng phòng hộ ven biển. Có những dự án công nghiệp nếu ta lùi vào vài chục mét hay có thể đi xa hơn thì ta có thể giữ được dãy phi lao. Bây giờ có cảm giác là cứ nơi nào có rừng phòng hộ đẹp thì người ta ra đó xây dựng công trình, và họ lập luận cho những công trình đó là sẽ tái tạo lại một môi trường tốt hơn, nhưng nếu có ai đó nói khác đi thì bị cho rằng là cản trở quy hoạch phát triển.

Như vậy, nhận thức về bảo vệ môi trường, kể cả của cơ quan quản lý vẫn còn là điều đáng suy nghĩ?

Trên thực tế luôn luôn có sự khác nhau về nhận thức, tính toán cụ thể trong những quy hoạch phát triển. Có những quy hoạch được tính toán không tốt, thậm chí là sai, nên bây giờ chúng ta đang thấy những hệ quả.

Đáng ra Việt Nam phát triển chậm hơn một số nước thì phải rút ra kinh nghiệm, nhưng có nhiều cái vẫn mắc lại những lỗi mà các nước đã từng vấp phải, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến môi trường.

Ở những nơi tưởng chừng như bình yên nhất như Tây Nguyên, nhưng khi có bão lũ thì thiệt hại nặng nề nhất. Có vẻ bão lũ sẽ nhắc nhở chúng ta không nên chủ quan, dù bất kỳ ở đâu?

Chúng ta không thể đề phòng tất cả mọi nguy cơ có thể xảy ra. Ở đây có một thực tế là ở những nơi càng ít bão nhưng khi bão đến thì thiệt hại càng lớn hơn. Đối với những địa phương bị thiệt hại nặng do thiên tai thì không nên đỗ lỗi cho nhau. Vấn đề ở đây là tìm ra giải pháp như thế nào, có những giải pháp xa, và có những giải pháp trước mắt để có thể phối hợp giải quyết, tránh tổn thất.

Vậy đã có một chiến lược đối phó và hạn chế các nguy cơ từ thiên tai chưa?

Chúng ta có chiến lược phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, nhưng phải làm sao để người dân cả nước hiểu rõ hơn chiến lược đó, công tác truyền thông cho việc này cũng phải được đẩy mạnh lên, việc đó giúp mọi người nhận thức được rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thiên tai nhất, trong đó có những thiên tai vào loại “nhất” chúng ta đều có cả.

Trên thế giới người ta ghi nhận có 15 thiên tai thường xuyên nhất thì Việt Nam có đến 2/3 những thiên tai đó. Động đất ở Việt Nam thì chúng ta cũng thấy rồi, bão lũ thì xuất hiện quá thường xuyên rồi, cháy rừng, mất đất... Vậy thì chiến lược phòng tránh giảm nhẹ tác động của thiên tai phải trở thành một nét thường xuyên, chứ không phải chờ thiên tai xảy ra rồi lúc đó mới kêu ầm lên với nhau.

Đã có chiến lược như vậy, nhưng việc thực hiện của nó đang ở tình trạng nào?

Nó cũng như những việc khác, khó có thể hài lòng được. Chúng ta nói được như thế, biết được như thế, nhưng mà việc chúng ta đang làm thì còn kém lắm.

Kim Anh thực hiện

(SGTT, 12/10/2009)

Lượt xem : 1947