Việt Nam chuyển nhượng CO2: Lợi ích lớn nhưng sao vẫn ngại?
12/14/2021 6:23:00 AM
Chuyển nhượng CO2 sẽ đem lại lợi ích lớn không chỉ về kinh tế mà còn đảm bảo môi trường, phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn ngại vấn đề chi phí ban đầu.
Nguồn lợi lớn từ giảm CO2
Bộ NN&PTNT vừa ký Ý định thư với Tổ chức Tăng cường tài chính Lâm nghiệp (Emergent) – cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) về việc chuyển nhượng giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026 để nhận về 52 triệu USD.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường về sự kiện này, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam giải thích, muốn chuyển nhượng được CO2, trước tiên Việt Nam sẽ phải bỏ chi phí để thuê chuyên gia nước ngoài đến đo lường độ tăng giảm CO2.
Sau đó, gửi chỉ số đã đo được đến các cơ quan quốc tế kiểm duyệt. Khi đã chứng thực được chỉ số này, cơ quan quốc tế sẽ cấp cho doanh nghiệp một bằng chứng nhận và chúng ta có thể đem bán cho những đơn vị cần để thu về lợi nhuận.
Tức là, Việt Nam chỉ cần đưa giấy chứng nhận giảm CO2 được quốc tế cấp cho đơn vị mua thì sẽ được xem là hoàn thành quá trình chuyển nhượng.
Theo như đã cam kết, lượng khí thải nhà kính tại Việt Nam từ năm 2009 đến khoảng năm 2030 sẽ giảm 9%. Trong tương lai, nếu có sự hỗ trợ của quốc tế thì sẽ phấn đấu tăng tỷ lệ này lên thành 27%.
Đồng nghĩa với việc, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những quy định khắt khe hơn về việc giảm lượng khí thải. Cụ thể, tỉ lệ giảm CO2 của doanh nghiệp sẽ được quy định khác nhau, tùy thuộc vào từng nhóm ngành. Bên cạnh đó, việc thiếu chỉ tiêu giảm CO2 có thể khắc phục bằng việc trao đổi mua bán với đơn vị khác.
PGS.TS Phùng Chí Sỹ nêu ví dụ: “Doanh nghiệp A được quy định phải giảm 100 tấn CO2. Trong khi doanh nghiệp B chỉ cần giảm 50 tấn đã đủ chỉ tiêu. Nhưng khi thực tế, doanh nghiệp B giảm tới 100 tấn, còn doanh nghiệp A chỉ giảm được 50 tấn thì doanh nghiệp A có thể mua lại của doanh nghiệp B để đủ chỉ tiêu quy định. Việc này gọi chung là mua bán tín chỉ carbon”.
Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, đối với các nước phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc,…. Chi phí để thực hiện mua C02 là rất cao, rơi vào khoảng 30 - 40 USD cho 1 tấn khí CO2. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thì giá thành lại rẻ hơn, chỉ rơi vào khoảng 10 - 20 USD cho 1 tấn CO2. Nên hiện nay thế giới đang có xu hướng thu mua khí tại các nước đang phát triển để giảm chi phí. Cơ chế tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là ở Việt Nam.
Không muốn làm vì ngại... chi phí ban đầu!
Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có khoảng 250 doanh nghiệp tham gia và nhận được lợi nhuận cao từ chuyển nhượng CO2. Đa phần là các doanh nghiệp phát triển trồng rừng. Ngoài ra, thủy điện cũng là một ngành đang thu được khoảng tiền lớn từ việc này.
PGS.TS Phùng Chí Sỹ khẳng định, việc chuyển nhượng CO2 mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp nói riêng và tình hình phát triển của Việt Nam nói chung. Các doanh nghiệp vừa có thể thực hiện đúng quy định về tiêu chuẩn phát thải, vừa tạo cơ hội nâng cao công nghệ sản xuất, thu được thêm nguồn lợi nhuận lớn. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện sức khỏe con người.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp e dè, lo lắng việc bỏ ra chi phí cao để thuê chuyên gia nước ngoài với mục đích giám định chỉ số CO2.
“Hiện có nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ và Trung Quốc thu về rất nhiều tiền nhưng Việt Nam thì vẫn còn ít. Nhiều doanh nghiệp tại việt Nam họ biết nhưng khó làm vì việc này cần phải có các chuyên gia tư vấn cho để làm hồ sơ đưa lên Bộ TN&MT. Sau đó, phải trình lên các tổ chức uy tín của thế giới, rồi các tổ chức này đưa người tới doanh nghiệp kiểm tra xem nếu giảm thật thì mới trả tiền.
Phải tham gia kiểm tra sau đó chứng nhận thì mới có thể bán được. Mà để có thể được giấy thì phải tốn chi phí, các doanh nghiệp không muốn bỏ tiền ra để thuê nên không có người hướng dẫn cụ thể”, Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ chia sẻ.
Theo ông Sỹ, để chuyển nhượng CO2 diễn ra thường xuyên ở Việt Nam, nhà nước nên có những chính sách truyền truyền và kêu gọi doanh nghiệp tích cực tham gia hoạt động. Bên cạnh đó, cập nhật thông tin nhanh chóng để phổ biến cho các doanh nghiệp lớn, nhỏ trong nước. Đầu tư chi phí vào việc thuê chuyên gia nước ngoài để nâng cao chất lượng công nghệ, máy móc tại các nhà máy, xí nghiệp.
Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc thảo luận, trao đổi với các doanh nghiệp trên toàn quốc để phần nào nắm rõ được tình phát triển chung. Từ đó, định hướng cho doanh nghiệp Việt phát triển theo hướng công nghiệp xanh nhưng vẫn đảm bảo về mặt lợi nhuận.
(Theo Kinhtemoitruong)
Lượt xem : 1587