Việt Nam chuyển nhượng 5,15 triệu tấn CO2 trị giá 51,5 triệu USD
11/2/2021 7:23:00 AM
Thông qua Ý định thư, Việt Nam chuyển nhượng CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026 với tổng trị giá 51,5 triệu USD.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Giám đốc điều hành Emergent là ông Eron Bloomgarden trao đổi Ý định thư. Ảnh: PV.
Sự kiện diễn ra vào cuối giờ chiều ngày 31/10 theo giờ địa phương tại Glassgow (Scotland, Vương quốc Anh), tức nửa đêm cùng ngày giờ Việt Nam, nhân chuyến làm việc của đoàn Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu, trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu dự Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26).
Hai bên tham gia ký kết Ý định thư là Bộ NN-PTNT và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) – cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF), với sự tham gia của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Giám đốc điều hành Emergent là ông Eron Bloomgarden.
Với Ý định thư này, Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026.
LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này với giá tối thiểu là 10 USD/1 tấn CO2 với tổng giá trị là 51,5 triệu USD. Diện tích rừng thương mại dịch vụ giảm phát thải đăng ký là 4,26 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 3,24 triệu ha và rừng trồng 1,02 triệu ha.
Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính từ rừng trên quy mô lớn. Ý định thư này tiếp tục đánh dấu sự tiến triển của Việt Nam trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ và phát triển rừng gắn với việc đạt được các mục tiêu quốc gia về giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
“Thương mại giảm phát thải từ rừng không chỉ là mục tiêu chiến lược, mà đã là kế hoạch hành động cụ thể của Việt Nam, là thành quả của sự hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam với LEAF và Emergent với sự hỗ trợ quí báu của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế”, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu tại lễ ký kết.
Bộ trưởng cho biết thêm, thực hiện Ý định thư sẽ góp phần tích hợp giá trị của rừng và thúc đẩy quản lý rừng bền vững gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cộng đồng địa phương và đảm bảo an toàn sinh thái và phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á – Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên toàn cầu ký Ý định thư với LEAF/Emergent. Đây được xem là cơ sở để hai bên tiếp tục đàm phán, xây dựng nội dung với mục tiêu trong vòng 12 tháng sau khi ký kết, Việt Nam sẽ chuẩn bị để ký Thỏa thuận Mua bán Giảm phát thải (ERPA) với LEAF/Emergent. ERPA là công cụ mới nhằm khuyến khích quản lý rừng bền vững ở quy mô lớn và giúp kết nối các quốc gia với các nguồn tài chính khác về khí hậu.
Đến nay, nguồn kinh phí cam kết đóng góp cho LEAF để thực hiện chi trả cho dịch vụ giảm phát thải từ rừng lên tới 1 tỷ USD. Đây cũng là nỗ lực của Việt Nam góp chung cùng sáng kiến tại COP26, nhằm thực hiện các cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) là một liên minh công – tư tìm cách chấm dứt nạn phá rừng nhiệt đới và giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu bằng cách cung cấp tài chính cho rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới giúp giảm thiểu mất rừng và suy thoái rừng thành công.
Emegent là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ, đóng vai trò là điều phối viên của Liên minh LEAF và làm việc với các bên tham gia Liên minh LEAF và các quốc gia có rừng nhiệt đới nhằm tạo ra một thị trường mới với các giao dịch quy mô lớn về tín chỉ các bon ở cấp tỉnh/ vùng/ quốc gia.
Từ khi Liên minh được thành lập vào tháng 4/2021, LEAF đã làm việc với 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh, cùng với 18 nhà tài trợ đóng góp và cam kết với tổng trị giá 1 tỷ USD. Ngoài Việt Nam, 3 quốc gia còn lại đã ký kết Ý định thư với LEAF/Emergent là Costa Rica, Ecuador và Ghana.
Sau khi ký kết Ý định thư, Bộ NN-PTNT sẽ hợp tác với các Bộ, ngành liên quan, các tỉnh vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong vòng 12 tháng để chuẩn bị cho ERPA, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu, thông lệ quốc tế và tuân thủ theo quy định pháp luật của Việt Nam.
(Theo Baonongnghiepvietnam)
Lượt xem : 1140