Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc
tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 23/9, New York, Mỹ (Ảnh UN).
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Trưởng ban thường trực, Ban công tác đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu: Hậu quả của biến đổi khí hậu đối với toàn cầu là rất khốc liệt. Tại Việt Nam, trong 50 năm qua, nền nhiệt độ trung bình đã tăng thêm 0,5 độ C, nước biển dâng cao 20 cm. Biến đổi khí hậu đã làm thiệt hại khoảng 1,5% GDP. Mỗi năm, thiên tai ở Việt Nam đã cướp đi 500 sinh mạng. Các chuyên gia cũng dự báo, có khả năng vào năm 2100, nền nhiệt độ trung bình của Việt Nam sẽ tăng lên từ 2-4 độ C, nước biển dâng cao 100 cm, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20 triệu cư dân.
Chia sẻ về quan điểm chủ yếu của Việt Nam đối với Thỏa thuận 2015 dự kiến sẽ được thiết lập tại Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu 2015 (COP21) diễn ra tại Pháp trong thời gian tới, ông Phạm Văn Tấn cho rằng: Thỏa thuận 2015 cần phải thể hiện đúng nguyên tắc của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu. Theo đó, tất cả các bên cần đóng góp chung vào mục tiêu toàn cầu giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở năng lực và hoàn cảnh quốc gia, trong đó tính đến nhu cầu phát triển của các nước đang phát triển, trách nhiệm lịch sử của các nước phát triển. Thỏa thuận 2015 phải bao trùm các lĩnh vực thích ứng và giảm nhẹ, tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực, bảo đảm rõ ràng, minh bạch về thông tin liên quan đến đóng góp của các quốc gia về tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực. Bên cạnh đó, đóng góp về giảm nhẹ khí nhà kính cần có hệ thống giám sát kiểm tra của các bên.
Mặc dù Việt Nam chưa phải là quốc gia phát thải lượng lớn khí nhà kính, nhưng lượng khí này của Việt Nam đang ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Từ năm 2000 đến năm 2010, lượng khí nhà kính trên đầu người của Việt Nam đã tăng 180% và tổng lượng khí thải nhà kính tăng 150%. Theo Cục Khí tượng - thủy văn và Biến đổi khí hậu, để khống chế mức tăng nhiệt độ ở mức 2 độ C giai đoạn 2020 thì theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), các bên thuộc Công ước, đặc biệt là nước phát triển phải cam kết giảm phát thải nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình của toàn cầu. Việc xây dựng dự kiến đóng góp quốc gia tự quyết định về giảm nhẹ khí nhà kính được xem là đầu vào quan trọng cho quá trình đàm phán về thỏa thuận khí hậu trong phiên đàm phán của các bên thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu trong năm 2015. Đồng thời, đây cũng được xem như là một biểu hiện quan trọng về nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đối chiếu giữa việc cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chiến lược, văn bản quy phạm pháp luật, các đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện tốt Công ước cũng như giảm nhẹ những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.