Việt Nam cần lộ trình dài hơi trong lĩnh vực giao thông để hướng tới NetZero vào năm 2050 (Bài 3)
6/30/2024 7:44:00 AM
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát triển giao thông xanh, bền vững chính là bước đi tất yếu để ngành giao thông hướng tới mục tiêu chung quốc gia NetZero vào năm 2050. Tuy nhiên, để đạt được điều này cần một lộ trình dài hơi và thực hiện đồng bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Câu nói này không chỉ nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ngành giao thông vận tải trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn là lời nhắc nhở nhiệm vụ đối với những người làm công tác giao thông vận tải trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Không ít chuyên gia cho rằng, đến thời điểm hiện nay, giao thông vẫn giữ vai trò là “mạch máu của tổ chức”. Tuy nhiên, ngoài việc đảm bảo lưu thông phát triển kinh tế, xã hội, ngành giao thông vận tải còn phải khoác lên mình “sứ mệnh” cùng với các bộ, ngành, địa phương hướng tới mục tiêu lớn của quốc gia, trong đó có mục tiêu NetZero năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26. Trong đó, ngành giao thông phải tiên phong trong việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển giao thông thông minh, hiện đại để giảm phát thải. Bởi hiện nay, bảo vệ môi trường được xem là vấn đề mang tính quy mô toàn cầu.
Tại một cuộc hội thảo mới đây về phát triển giao thông đường bộ xanh hướng đến NetZero năm 2050, theo các chuyên gia, nhà quản lý, bên cạnh việc xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cũng như hoàn thiện hạ tầng, quy hoạch, thì cắt giảm phát thải trong ngành giao thông vận tải nói chung và giao thông đường bộ nói riêng là giải pháp quan trọng trong hành trình tiến đến NetZero.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS.Trần Khắc Tâm, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp ĐBSCL khẳng định, việc cắt giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông đường bộ là nhiệm vụ rất quan trọng trong hành trình tiến đến NetZero vào năm 2050. Bởi vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành. Vì vậy, nhiệm vụ phát triển giao thông đường bộ xanh càng trở nên cấp thiết.
“Tôi cho rằng, bên cạnh việc chuyển đổi từ phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch như xe điện, xe hybrid, chúng ta cần tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Trong những năm qua, để thực hiện chuyển đổi xanh, ngành giao thông vận tải đã có nhiều bước tiến đột phá, rất đáng ghi nhận”, TS.Trần Khắc Tâm nhấn mạnh.
Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII dẫn chứng, trong những năm qua, Chính phủ, trong đó cơ quan thi hành là Bộ GTVT đã có nhiều chính sách khuyến khích sử dụng xe điện. Hiện nay, chúng ta đã có tàu điện trên cao, xe buýt điện, taxi điện, ô tô cá nhân chạy bằng điện, xe đạp điện, xe máy điện. Việc chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch xăng, dầu sang nhiên liệu sạch là điện đang và đang là sự thay đổi rất lớn của ngành giao thông vận tải.
TS.Trần Khắc Tâm bày tỏ: “Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, sứ mệnh của ngành giao thông vận tải là rất lớn. Tuy nhiên, ngành giao thông còn phải gánh trên mình thêm một sứ mệnh nữa đó chính là giảm phát thải, chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững. Có thể nói phát triển giao thông xanh không chỉ nhằm góp phần thực hiện cam kết NetZero vào năm 2050 mà còn là cơ hội, nền móng để ngành giao thông vận tải nước ta chuyển đổi số, hiện đại hóa, bắt kịp với xu thế và trình độ tiên tiến của các nước thế giới”.
Một thống kê của Bộ Giao thông Vận tải vào năm 2023 cho thấy, cả thế giới có khoảng 26 triệu ôtô điện. Việt Nam cũng đã có hơn 20 nghìn ôtô điện. Còn nhớ, năm 2021, Việt Nam chỉ có 167 xe ôtô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận. Đến giữa năm 2023 đã có 12.585 xe ôtô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có hơn 11.000 xe hybrid (kết hợp sử dụng xăng điện). Ngoài ra, cả nước hiện cũng đã có hơn 2 triệu mô tô - xe gắn máy điện và hơn 700.000 xe đạp điện, 286 xe buýt điện.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam dự đoán rằng tỷ lệ sở hữu xe điện tại nước ta sẽ đạt 1 triệu vào năm 2028 và 3,5 triệu chiếc vào năm 2040.
Vào cuối tháng 4/2024, tại Bộ GTVT đã diễn ra Hội đàm song phương giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (Bộ MLIT) Saito Tetsuo.
Liên quan đến việc phát triển cảng biển, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã đề nghị Bộ MLIT tiếp tục hỗ trợ Bộ GTVT Việt Nam cập nhật, hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn quốc gia về công trình cảng biển trong tình hình mới nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050.
Ngày 21/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier về thúc đẩy hợp tác hai bên trong lĩnh vực GTVT.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, để triển khai cam kết NetZero vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26, Chính phủ đã có kế hoạch, chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành GTVT. Bộ GTVT cũng đã có quyết định triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch này. Trong đó sẽ thực hiện đồng bộ cả về đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không...
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, để hướng đến NetZero vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 thì cả hệ thống chính trị cần vào cuộc một cách quyết liệt. Đối với ngành giao thông vận tải, để giảm phát thải, chuyển đổi xanh cần có chiến lược dài hơi và thực hiện một cách đồng bộ.
“Không chỉ có hàng loạt các quy định mới để giảm phát thải, ngành giao thông vận tải đã hướng đến việc hoàn thiện tiêu chuẩn về cảng biển hướng đến NetZero. Bên cạnh đó, việc Bộ GTVT phát triển hệ thống cao tốc chất lượng cao tại nhiều vùng, miền, khu vực, thêm nhiều cảng hàng không cũng là một trong các hành động để giúp tiết kiệm năng lượng hướng đến phát triển bền vững. Thời gian tới, tôi rất mong ngành giao thông vận tải tích cực sử dụng hơn nữa các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường tại nhiều hạng mục phụ trợ ở các tuyến đường, nhà ga…”, chuyên gia này khẳng định.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh hiến kế, về đường bộ, Bộ GTVT đã và đang phát triển phương tiện chạy bằng điện, hạ tầng trạm sạc. Về đường sắt bước đầu đã có tuyến tàu điện Cát Linh – Hà Đông và ngành tiếp tục phải xây dựng các tuyến sử dụng điện, năng lượng xanh. Về đường thủy, tiêu chí xây dựng cảng biển xanh, tuyến vận tải xanh, năng lượng xanh là điều sẽ phải làm trong thời gian tới. Trong khi đó, về hàng không, cần có một lộ trình giảm thải C02.
TS.Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII nói rằng, vào năm 2022, việc Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và metan của ngành giao thông vận tải thể hiện cho sự quyết tâm, vai trò của ngành giao thông trong tiến trình NetZero vào năm 2050. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải dùng điện, năng lượng xanh, đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 năm 2050. Năm 2050, tất cả phương tiện cơ giới đường bộ chuyển đổi sang chạy điện hoặc năng lượng xanh; tất cả bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh. Tất cả máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ đều dùng điện hoặc năng lượng xanh.
“Tôi tin rằng, với sự định hướng của Chính phủ, sự quyết tâm nỗ lực của ngành giao thông vận tải thì mục tiêu này sẽ sớm hoàn thành. Ngành giao thông vận tải sẽ thực hiện được vai trò tiên phong trong “cuộc đua” NetZero”, TS. Trần Khắc Tâm nói.
Nội dung: Văn Chương
Thiết kế: Hải An
Lượt xem : 977