Việt Nam cận kề nguy cơ thiếu nước
10/3/2015 6:40:00 AM
Nhiều người vẫn lầm tưởng Việt Nam là quốc gia giàu nước hoặc chí ít cũng có nguồn nước dồi dào. Tuy nhiên, đối chiếu với các chỉ số mà các tổ chức quốc tế uy tín đưa ra thì Việt Nam đang là một quốc gia tương đối nghèo nước, thậm chí tương lai không xa sẽ là quốc gia có nguy cơ thiếu nước.
Sở dĩ có sự ngộ nhận trên bởi với mạng lưới sông ngòi dày đặc, hầu hết các địa phương hiện nay đều vẫn có đủ nước dùng, ngoại trừ một số địa phương ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa. Thêm nữa, số liệu thống kê năm 1945 cho thấy lượng nước bình quân đầu người trên lãnh thổ Việt Nam đạt 15.500 ~ 15.750 m3/người/năm, nếu tính cả lượng nước từ bên ngoài chảy vào thì đạt 41.500 ~ 42.000 m3/người/năm. Con số này lớn hơn rất nhiều so với lượng nước bình quân đầu người trên thế giới được Liên Hợp Quốc công bố năm 1999 là 7.300 m3/người/năm. Quốc gia nào có lượng nước bình quân cao hơn hoặc bằng định mức này thì được coi là đủ nước; nhỏ hơn hoặc bằng 4000 m3/người/năm là quốc gia nghèo nước và nhỏ hơn hoặc bằng 2000 m3/người/năm là quốc gia rất thiếu nước. Đến năm 2011, lượng nước bình quân đầu người trên thế giới chỉ còn 6.300 m3/người/năm nhưng Liên Hợp Quốc vẫn giữ nguyên tiêu chí 7.300 m3/người/năm.
Ảnh minh họa: Hoàng Chiên/PanNature
Vậy tại sao nói Việt Nam nghèo nước? Bởi cùng với sự gia tăng dân số chóng vánh trong thập kỷ qua thì lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam cũng ngày càng suy giảm. Hiện tổng lượng nước do mưa sinh ra trên toàn lãnh thổ chỉ đạt 310 ~ 315 tỷ m3/năm nước mặt và khoảng 60 tỷ m3 nước ngầm. Nếu tính cả lượng nước do ngoài lãnh thổ chảy vào thì tổng lượng nước mặt có được ước chừng 830 ~ 840 tỷ m3/năm. Lượng nước bình quân đầu người do mưa trên lãnh thổ Việt Nam năm 2014 chỉ đạt 3.370 ~ 3.424 m3/người/năm, tức thuộc nhóm các quốc gia nghèo nước. Nếu tính cả lượng nước mặt từ ngoài lãnh thổ chảy vào thì có thể đạt 9.022 ~ 9.130 m3/người/năm, cao hơn mức bình quân của thế giới. Tuy nhiên, 62,7% lượng nước do lãnh thổ bên ngoài chảy vào này thực tế rất khó quản lý và sử dụng một cách chủ động.
Quá ưu ái cho nông nghiệp
Nguồn nước hiện tại được phân bố chủ yếu cho mục đích nông nghiệp với tỷ lệ chiếm tới 90%. Gần 10% còn lại được phân bổ cho mục đích công nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ, du lịch. Riêng với các hoạt động sử dụng hoặc liên quan đến nước như: giao thông thủy, thủy sản, phát điện, đẩy mặn, nguồn nước thường không bị thất thoát mà chủ yếu tiêu hao do bốc hơi, thấm, rò rỉ…
Việc quá ưu ái cho mục đích nông nghiệp, đặc biệt là ngành tưới tiêu khiến hiệu quả sử dụng nước chưa cao. Trong ngành tưới tiêu, cây lúa nước được xem là đối tượng “ngốn” nhiều nước nhất nhưng hiệu quả mang lại đôi khi thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
Nhiều cơ cấu cây trồng, vật nuôi khác cũng không tương ứng với quy hoạch cấp nước nên không chỉ làm giảm năng suất mà còn gây lãng phí nước. Đơn cử như quy hoạch nguồn nước đến năm 2010 đảm bảo nước tưới cho 80.000 ha cà phê toàn Tây Nguyên nhưng đến năm 2000, riêng tỉnh Đắk Lắk (nay là Đắk Lắk và Đắk Nông) đã phát triển hơn 260.000 ha cà phê. Vì thế, năm đó, nhiều diện tích cây cà phê bị chết và giảm năng suất rõ rệt do không đủ nước tưới. Hay trường hợp ở Ninh Thuận, địa phương vốn khan hiếm về nguồn nước nhưng lại lên kế hoạch phát triển hơn 40.000 ha đất trồng lúa nước, hệ quả là tình trạng hạn hán càng nặng nề.
Rủi ro từ phát triển thủy điện ồ ạt
Việc tập trung nước cho sản xuất nông nghiệp và phát triển thủy điện nhằm đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng là điều rất cần thiết, song việc phân bổ không hợp lý khiến nguồn nước vừa lãng phí, vừa không được sử dụng hiệu quả.
Mặc dù thủy điện không gây thất thoát nước nhưng việc xây dựng quá nhiều hồ, đập thủy điện khiến không ít dòng sông bị chặt thành nhiều khúc, gây cản trở sự phát triển, sinh trưởng của các loài thủy sinh, đặc biệt làm mất đi nhiều loài cá quý hiếm.
Đáng chú ý, việc xây hồ, đập thủy điện thường thu lợi hơn nhiều so với xây hồ thủy lợi nên một số địa phương đã xin chuyển hồ thủy lợi lớn được quy hoạch trước đó thành nhiều nhà máy thủy điện nhỏ. Đơn cử như tỉnh Điện Biên xin chuyển hồ thủy lợi PaMa có dung tích phòng lũ lớn thành 5 hồ thủy điện nhỏ, hay trường hợp trên sông Đắk Bla đã quy hoạch một hồ thủy lợi với dung tích phòng lũ khoảng 90 triệu m3 để chống lũ cho thành phố Kon Tum nhưng vì nhiều lý do, địa phương này đã đề nghị chuyển thành 5 đập, hồ thủy điện nhỏ.
Việc các địa phương đua nhau xây dựng hồ, đập thủy điện khiến rủi ro đối với nguồn tài nguyên nước và đời sống người dân khu vực hạ du càng gia tăng. Nhiều minh chứng thực tế cho thấy càng tạo ra nhiều hồ, đập thủy điện thì xác suất gây sự cố vỡ đập càng cao, trong đó có có nguy cơ vỡ đập dây chuyền. Càng có nhiều hồ, đập thủy điện, thủy lợi thì quy trình vận hành liên hồ chứa càng thêm phức tạp. Đặc biệt, càng xây thủy điện thì nạn phá rừng do mở đường, do lâm tặc xâm lấn càng tăng. Đó là chưa kể tới những nguy cơ do lũ quét, xói mòn, sạt lở đất…, gây thiệt hại rất lớn cho các địa phương.
Có thể nói cốt lõi của câu chuyện thiếu nước chính là do các hoạt động phát triển thiếu bền vững và thiếu tầm nhìn quy hoạch của quốc gia. Do đó, để hài hòa các mục tiêu phát triển trong bối cảnh nguồn nước ngày càng khan hiếm, cần rà soát các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp lưu vực, quốc gia và địa phương nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước.
Riêng tại một số sông lớn như sông Thao, sông Lô, không nên phát triển thủy điện trên dòng chính mà dùng làm khu dự trữ nguồn gen thủy sản. Đối với vùng có nguồn nước, điều kiện khí hậu thời tiết thuận lợi nên phát triển cây lúa có giá trị cao và năng suất cao. Đối với vùng khô hạn, chỉ nên trồng lúa ở những vùng có nguồn nước thủy lợi cấp đủ, thậm chí có thể mạnh dạn phát triển các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị, sử dụng ít nước.
GS.TS. Ngô Đình Tuấn – Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước VN (Theo MT&ĐS)
Lượt xem : 1776