Vietnamese English
Việc làm “xanh” đắt giá ở Mỹ và cơ hội cho Việt Nam

11/4/2015 11:28:00 AM

Việc làm trong lĩnh vực môi trường ở Mỹ ngày càng đắt giá và mang lại thu nhập cao. Từ những giá trị mà việc làm xanh mang lại, những phân tích, đánh giá bản chất, nội dung cơ bản và các nhân tố tác động đến việc làm “xanh”… của PGS. TS Nguyễn Bá Ngọc và nhóm nghiên cứu mở ra cơ hội gì để phát triển việc làm “xanh” ở Việt Nam đến năm 2020.


Từ giá trị mà việc làm "xanh" mang lại cho lao động ở Mỹ, Việt Nam có cơ hội gì để phát triển trong tương lai?

Việc làm “xanh” được chính phủ quan tâm hơn


Theo Newsweek, sau những ngành có tiếng truyền thống như y, luật, kinh tế..., ngành môi trường đang dần trở thành một ngành mới được nhiều sinh viên lựa chọn. 

Sự lên ngôi của việc làm “xanh” (việc làm trong lĩnh vực môi trường) cũng khiến thứ bậc của nhiều trường Đại học đào tạo về ngành môi trường cũng được nâng lên. Các trường này đang ngày càng thu hút sinh viên vào học.

Bên cạnh đó các hoạt động, hội thảo về bảo vệ môi trường cũng được tổ chức nhiều hơn. Kể từ khi ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ năm 2009, việc làm “xanh” được chính phủ quan tâm hơn. Gói kích thích kinh tế của chính phủ Mỹ dự đoán sẽ tạo ra 5 triệu việc làm trong lĩnh vực môi trường.

Theo ông Jeremy Esson, phát ngôn viên Trung tâm Hướng nghiệp Môi trường, “đã có rất nhiều bạn trẻ chọn công việc môi trường thời gian qua, nhưng bây giờ lĩnh vực này đang thực sự phát triển”.

Nếu hai năm trước, các lĩnh vực như luật, kinh doanh, y tế được nhiều sinh viên lựa chọn thì bây giờ các lĩnh vực như năng lượng sạch phát triển... sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm mới. Theo ước tính, sẽ có khoảng 213.000 việc làm xanh được tạo ra trong vòng 5 năm tới.

Những ai học các ngành như công nghệ môi trường, hải dương học sẽ có nhiều cơ hội làm việc trong ngành môi trường. Nhiều trường đã tìm cách giúp sinh viên xin việc làm khi hợp tác với các doanh nghiệp trong các dự án nghiên cứu về năng lượng, môi trường. Với ngành môi trường, sinh viên ra trường có thể kiếm 70.000 USD/năm.

Thách thức và khó khăn

Từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất RIO 1992 đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hình thành và phát triển khung pháp lý phù hợp với yêu cầu của phát triển bền vững, trong đó có nhiều chính sách liên quan đến bảo vệ, gìn giữ môi trường và xanh hóa các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, phát triển việc làm xanh ở Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức:

Khung khổ pháp lý co phát triển bền vững chưa đồng bộ, đặc biệt chưa có khung pháp lý cho phát triển việc làm xanh. Mô hình tăng trưởng của Việt Nam còn theo chiều rộng dựa vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên, chi phí năng lượng cao và gây ô nhiễm môi trường lớn.

Thực trạng thống kê và hoạt động của nền kinh tế chưa cho phép đánh giá được đầy đủ số lượng, cơ cấu, chất lượng việc làm xanh, đặc biệt là việc làm trong các ngành xanh hóa, phát triển những ngành mới và việc làm liên quan đến giảm thiểu, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng ta mới chỉ có một phần số liệu và tình hình của việc làm liên quan trực tiếp đến hoạt động bảo vệ môi trường.

Quy mô của các ngành “xanh” (trực tiếp liên quan đến bảo vệ môi trường) trong nền kinh tế còn rất nhỏ bé. Tỷ trọng số doanh nghiệp, số lao động và giá trị hàng hóa/dịch vụ của các doanh nghiệp thuộc ngành xanh chiếm chưa đến 1% trong tổng quy mô của nền kinh tế. Các ngành “xanh” của Việt Nam mới chủ yếu thu hút lao động phi kỹ năng, trong đó tập trung vào một số ngành công nghiệp và dịch vụ. Tỷ lệ lao động phi kỹ năng trong các ngành xanh xấp xỉ so với tỷ lệ chung của nền kinh tế. Phát triển khu vực xanh sẽ đảm bảo giải quyết một phần lớn lực lượng lao động phi kỹ năng trong nền kinh tế trong tương lai.

Nhận thức của người dân và của các doanh nghiệp về vấn đề tăng trưởng xanh còn yếu và rất khiêm tốn. Khái niệm về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh hay việc làm xanh mới chỉ “mang máng” ở số ít người dân có trình độ cao hoặc các nhà hoạch định chính sách, các chủ doanh nghiệp lớn có trách nhiệm với xã hội,… còn đa số người dân đều chưa hiểu và nhận thức được vấn đề.

Tác động còn tiếp tục của khủng hoảng tài chính, biến động giá lương thực và năng lượng; biến đổi khí hậu; tài nguyên (nước, sinh vật, đất và khoáng sản) ngày càng cạn kiệt; ô nhiễm môi trường do hậu quả của chiến tranh (bom mìn, chất độc hóa học) và do phát triển kinh tế – xã hội thiếu bền vững trong quá trình công nghiệp hóa; các mô hình sản xuất và tiêu dùng còn nhiều lãng phí và không hiệu quả.

Hiện nay, sản xuất trong nước vẫn phụ thuộc khá lớn vào khai thác thô, tài nguyên thiên nhiên, đồng thời việc khai thác lại diễn ra không hiệu quả dẫn đến sự lãng phí về tài nguyên thiên nhiên.

Trình độ khoa học công nghệ mặc dù đã và đang được cải thiện với tốc độ khá nhanh, nhưng vẫn là nước lạc hậu. Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào những ngành thâm dụng lao động, vốn từ lâu được coi là lợi thế so sánh của Việt Nam.

Cơ sở hạ tầng cho tăng trưởng xanh chưa phát triển, chưa có công cụ kiểm soát đủ mạnh và chế tài đối với các chủ thể nền kinh tế, nhằm thực hiện tăng trưởng xanh.

Chi phí xã hội và áp lực của doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh trong nước và quốc tế đã ngày càng khốc liệt. Những chi phí xã hội tăng thêm để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng xanh và thực hiện việc làm xanh trong doanh nghiệp sẽ là rào cản lớn hướng tới nền kinh tế xanh của tương lai.

Giải pháp, khuyến nghị

Thống nhất nội hàm khái niệm về việc làm xanh; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc thúc đẩy việc làm xanh; phát triển các ngành xanh và xanh hóa như năng lượng xanh, nông nghiệp xanh, dược phẩm xanh, công nghiệp xanh.

Hoàn thiện khung pháp lý cho mục tiêu phát triển bền vững; tăng cầu lao động trong các doanh nghiệp xanh; xây dựng các doanh nghiệp xanh; đảm bảo mục tiêu hỗ trợ được quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh, nâng cao khả năng tự tạo việc làm xanh cho người lao động, mô hình sản xuất nhỏ, hỗ trợ các sáng kiến xanh,…

Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế – xã hội – môi trường, tăng cường các cơ chế đối thoại xã hội, đánh giá giám sát, huy động nguồn lực. Yêu cầu sự tham gia đầu tư của cả nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giải pháp thúc đẩy việc làm xanh.

Theo Minh Phúc (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 3448