HVS, liên doanh của Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), đi vào hoạt động vào tháng 4-1999. Đến năm 2007, đơn vị này đã bị dư luận phản đối vì thải ra hàng núi chất thải là hạt nix đã qua sử dụng chưa được xử lý. Đơn vị đã cam kết sẽ xây dựng nhà máy xử lý loại chất thải trên. Thế nhưng, phải đến năm 2011, các nhà máy xử lý trên mới có thể đưa vào hoạt động và phải mất 3 năm sau mới có thể xử lý hết 800.000 tấn hạt nix đã thải ra. Trong thời gian đó, từng ngày từng giờ, người dân tại tỉnh Khánh Hòa vẫn phải sống chung với chất thải nguy hại và đối mặt với nguy cơ bị đầu độc ô nhiễm.
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, hạt nix đã qua sử dụng (dùng để đánh bóng thân tàu trước khi sơn) thường lẫn tạp chất kim loại và sơn. Đây là một trong những loại chất thải cực kỳ nguy hại cho môi trường cũng như cho sức khỏe của cộng đồng. Trường hợp chất thải trên thấm vào nguồn nước sinh hoạt sẽ khiến người dân mắc một số bệnh về tiêu hóa, hô hấp và các loại ung thư.
Trên thực tế, HVS đã gây ô nhiễm bụi nix trầm trọng đối với hàng ngàn cư dân của hơn 500 gia đình ở 2 khu dân cư Mỹ Giang và Ninh Yểng ở xã Ninh Phước, huyện Ninh Hòa. Trước đó, tháng 6-2006, hơn 750 hộ dân nằm trong vùng gây ô nhiễm bụi nix của HVS đã phải di dời theo kế hoạch của tỉnh Khánh Hòa. Mục đích việc di dời này nhằm bàn giao hơn 100ha đất ở của dân cho HVS. Cho đến nay, trong lúc việc tái định cư và tái sản xuất của hàng ngàn cư dân Mỹ Giang, Ninh Yểng vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa thể di dời thì việc đảm bảo môi trường của HVS, tránh gây tổn hại sức khỏe của người dân chỉ là đang xây dựng nhà máy xử lý hạt nix.
|
Công nhân dùng bạt che đậy khối lượng lớn hạt nix chưa được xử lý.
|
Tiếp tục nhập khẩu hạt nix để sản xuất trong khi nhà máy xử lý chất thải chưa đi vào hoạt động sẽ khiến khối lượng hạt nix thải tăng lên. Dư luận khó tránh khỏi bất bình. Thế nhưng, lý do mà ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đưa ra nhằm giải thích cho vấn đề này là do trong những năm qua, HVS là đơn vị có nhiều cố gắng trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường. Tỉnh Khánh Hòa tạo điều kiện để HVS nhập hạt nix để sửa chữa tàu nhằm góp một phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Ông Thắng cũng khẳng định, HVS nhập 20.000 tấn hạt nix là không vi phạm pháp luật. Trên thực tế, có thể thấy việc HVS nhập khẩu hạt nix là không trái pháp luật nhưng phải chăng lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đang chọn lợi ích của doanh nghiệp, của tỉnh mà quên đi lợi ích của hàng trăm, hàng triệu người dân đang phải sống chung với ô nhiễm?
Điều gây bất bình hơn là sau khi sự việc bị phát hiện, đoàn công tác Tổng cục Môi trường của Bộ TN-MT đã có buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa và HVS. Đáng tiếc là nội dung cuộc họp đã bị “phong tỏa”. Dư luận chỉ nhận được thông báo kết luận rằng: HVS phải bảo đảm được mọi yêu cầu về giữ gìn môi trường. UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ có báo cáo cụ thể sự việc này lên Bộ TN-MT để trình Chính phủ. Trong thời gian tới, nếu HVS muốn sử dụng số hạt nix mới vừa nhập, trước hết phải có phương án sử dụng hợp lý, nhất là đảm bảo môi trường, với sự giám sát của Sở TN-MT Khánh Hòa.
Việc HVS sử dụng hạt nix gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, đã diễn ra trong một thời gian khá dài. Hơn nữa, căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường, hành vi vi phạm môi trường của HVS đã rất nghiêm trọng. Với mức độ vi phạm này, HVS phải bị buộc tạm ngưng công đoạn phát sinh chất thải (công đoạn sử dụng hạt nix) cho đến khi có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng không hiểu sao đơn vị này vẫn được tỉnh tạo điều kiện tiếp tục hoạt động. Việc thu lợi nhuận để đảm bảo sự phát triển kinh tế là quan trọng nhưng việc đảm bảo cuộc sống và sức khỏe cho người dân còn quan trọng hơn nhiều
V.NGỌC - M.XUÂN
|