Vì sao Trái Đất đang quay chậm dần
12/14/2015 9:19:00 AM
Để trả lời cho câu hỏi này, các chuyên gia thuộc Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng Trái Đất đang quay chậm dần do biến đổi khí hậu trong đó nguyên nhân được cho là do mực nước biển tăng mạnh trong Kỷ Băng hà - Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances.
Biến đổi khí hậu khiến Trái Đất quay chậm dần
Biến đổi khí hậu hiện đang là một trong những vấn đề nổi cộm nhất mà cả thế giới phải đối mặt. Trong đó, hệ lụy nổi bật nhất là khiến băng ở hai cực tan chảy, mực nước biển dâng cao nhấn chìm nhiều thành phố. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây từ chuyên gia thuộc ĐH Harvard (Mỹ) đã chỉ ra được hệ lụy mới từ quá trình này: khiến Trái Đất quay chậm lại.
Trái đất đã quay chậm dần trong hàng ngàn năm qua.
Nghiên cứu này đã góp phần chứng minh được lý thuyết gây tranh cãi của Walter Munk - nhà vật lý hải dương học người Mỹ. Năm 2002, Walter Munk đã đưa ra giả thuyết về sự sai khác giữa mực nước biển, mức băng tan, và độ quay của Trái Đất. Trong đó, Munk có nêu rằng trục quay của Trái Đất phụ thuộc vào sự phân bổ về khối lượng trên bề mặt - trong đó bao gồm việc băng giá chuyển thành nước lỏng.
Tuy nhiên vào thời điểm đó, không có đủ dữ liệu và công cụ để chứng minh điều này. Và đến nay, đội ngũ nghiên cứu của giáo sư địa chất Jerry Mitrovica của ĐH Harvard (Mỹ) đã giải mã được điều này bằng các số liệu từ... Kỷ Băng hà.
Theo Mitrovica, Trái Đất đã quay chậm hơn so với thời điểm 2.500 năm trước và nguyên nhân một phần đến từ sự tương tác giữa các lớp vỏ và lõi Trái Đất. Tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân được cho là do mực nước biển tăng mạnh trong Kỷ Băng hà.
Nhưng làm sao để thấy được Trái Đất đã quay chậm hơn? Mitrovica cho biết, cách phổ biến nhất là so sánh "giờ phổ quát (được đo bằng đồng hồ nguyên tử - đồng hồ chạy chính xác nhất hiện nay), với sự xuất hiện của nhật thực. Nếu có sự sai khác, nguyên do là vì tốc độ quay của Trái Đất đã thay đổi.
Mitrovica cũng chia sẻ thêm rằng kể từ thời điểm 500 năm trước công nguyên đến nay, Trái đất đã quay chậm lại khoảng 16.000 giây (4,5h) - tương đương 2,4 giây mỗi năm. Điều này là hệ quả từ việc mực nước biển thay đổi.
Mực nước biển chịu tác động rất lớn từ hiện tượng nóng lên của Trái Đất
Khi Trái Đất ấm dần lên, băng tan ở hai cực dẫn tới sự gia tăng một cách nhanh chóng lượng nước biển, đe dọa các thành phố ven biển trên khắp thế giới.
Nước biển dâng đang đe dọa nhấn chìm nhiều nơơi trên thế giới
Theo tổ chức nghiên cứu khí hậu độc lập Climate Central có trục sở tại Mỹ, nếu con người không có bất kỳ hành động nào thực sự quyết liệt để giảm phát thải khí nhà kính, nhiệt độ Trái Đất có thể sẽ tăng lên 4 độ C trước năm 2100. Và theo một báo cáo gần đây, nếu ô nhiễm carbon tiếp tục không được ngăn chặn, mực nước biển toàn cầu sẽ có thể tăng từ 4,3-9,9 mét vào cuối thế kỷ này.
Dự đoán này có vẻ như khá khủng khiếp so với ngưỡng tăng 2 độ C được coi như ngưỡng cửa an toàn để tránh những tác động to lớn của biến đổi khí hậu. Mặc dù vậy, thế giới cho đến nay vẫn chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận và cam kết khí hậu mang tính ràng buộc chặt chẽ như nghị định thư Kyoto năm 1997.
Để giúp mọi người có cái nhìn cận cảnh hơn về những hậu quả khôn lường của biến đổi khí hậu, Climate Central hợp tác cùng nghệ sỹ thị giác Nickolay Lamm đã tạo ra những bức hình mô tả về hiện tượng nước biển dâng tại 7 thành phố lớn trên thế giới. Số liệu được lấy từ bản đồ mực nước biển của Climate Central.
Đáng chú ý là hiện tượng nước biển dâng gây ra rất nhiều hậu qua cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và các thành phố lớn như
Hà Nôi, Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Trong niềm hân hoan Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Pháp mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) tuyên bố: "Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là một thành công vĩ đại đối với hành tinh và người dân địa cầu. Ngày hôm nay, chúng ta cuối cùng cũng có thể nói với con cháu chúng ta rằng, chúng ta đã chung tay cho việc để lại một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau".
Thỏa thuận tại COP21 cũng đã được nhiều nhà khoa học và các nhà hoạt động môi trường hoan nghênh, coi đây là một bước tiến chính trị lớn trong vấn đề chống biến đổi khí hậu. Song, một số ý kiến cũng cảnh báo về một lỗ hổng, đó là thiếu một lộ trình chi tiết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Là một trong những mắt xích quan trọng nhất tại COP21, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) Christiana Figueres chia sẻ: “Một hành tinh, một cơ hội để hành động và chúng ta đã làm được điều đó ở Paris. Chúng ta đã cùng nhau làm nên lịch sử. Đây là một thỏa thuận của lòng tin, một thỏa thuận của sự đoàn kết với những nơi dễ bị tổn thương nhất. Đây là một thỏa thuận có tầm nhìn lâu dài, vì vậy chúng ta phải chuyển nó thành động lực phát triển an toàn. Những thế hệ sau sẽ nhớ rằng ngày 12/12/2015 là một ngày lịch sử của sự hợp tác, của tầm nhìn, trách nhiệm, với trung tâm là sự chia sẻ và quan tâm. Có được thành công trong thời khắc đáng nhớ này cần phải ghi nhận sự quyết tâm, khả năng ngoại giao và nỗ lực tuyệt vời của Chính phủ Pháp cũng như sự ủng hộ của chính phủ các nước kể từ COP17 ở Durban (Nam Phi)”.
Lượt xem : 2767