Vì sao đường phố Nhật Bản luôn sạch dù không có thùng rác
1/17/2023 10:49:00 AM
Khắp các tuyến phố ở đây, người ta có thể bắt gặp những chiếc máy bán nước tự động bên lề đường và những chỗ để vỏ lon riêng biệt nhưng thùng rác thì không. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là dù không có thùng rác và ít công nhân vệ sinh, thế nhưng quốc gia này lại luôn được xếp vào hàng sạch sẽ nhất thế giới.
Trên thực tế, thùng rác mới chỉ biến mất ở quốc gia này khoảng 20 năm trở lại đây, trước đó, nó vẫn xuất hiện ở khắp đường phố Nhật Bản. Tuy nhiên, cuộc tấn công bằng khí sarin ở nhà ga tàu điện ngầm ở Tokyo vào tháng 3 năm 1995 đã dẫn đến việc phần lớn thùng rác công cộng được gỡ bỏ khỏi các thành phố của Nhật Bản.
Những kẻ tấn công thuộc giáo phái Aum Shinrikyo đã dùng túi nilon bọc trong giấy báo để tạo cơ chế phát tán khí độc không màu, không mùi. Vụ việc khiến 13 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương do tiếp xúc với độc tố hóa học.
Kể từ vụ việc này, người Nhật Bản bắt đầu sợ những vật thể lạ xuất hiện ở ga tàu. Do đó, các thùng rác lần lượt được loại bỏ bởi đây có thể là nơi giấu nhiều loại vũ khí khủng bố. Dần dần, chúng cũng biến mất luôn trên đường phố và các địa điểm công cộng khác.
Bên cạnh đó, trong văn hóa Nhật Bản, sự sạch sẽ được coi là một biểu hiện của sự tôn trọng và người lớn cũng như trẻ em đều có ý thức cao về việc giữ gìn không gian sạch sẽ.
Ngoài ra, do không gian hạn chế, các bãi chôn lấp, xử lý rác nhỏ nên quốc gia này đã thực hiện một số chiến lược để giảm chất thải, dẫn đến lượng chất thải và tái chế trên đầu người chỉ bằng một nửa so với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.
Việc loại bỏ các thùng rác đã buộc người dân phải có những cách xử lý rác sáng tạo hơn. Người Nhật sẽ mang rác trong túi và đợi đến khi về nhà mới vứt đi.
Các nhà vệ sinh công cộng ở đây cũng đã loại bỏ khăn giấy, thay thế bằng máy sấy khô hoặc dùng khăn lau tay để có thể tái sử dụng.
Nhật Bản rất coi trọng việc xử lý rác và luôn nghiêm ngặt với cách họ xử lý rác thải hàng ngày. Trong khi nhiều nơi trên thế giới chỉ phân loại giấy và nhựa, thì Nhật Bản phân loại rác của họ thành nhiều loại khác nhau như chai thủy tinh, lon, chất dễ cháy, không cháy và nhựa. Nếu không làm như vậy, rác của họ có thể không được thu gom...
Nguồn: Baophapluat
Lượt xem : 1189