Vietnamese English
Vì sao bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí gia tăng?

10/8/2015 10:11:00 AM

Những năm gần đây các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao, nổi bật là bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, ung thư và các dị tật bẩm sinh. Vì sao vậy? Liệu chúng ta không thể kiểm soát được việc mình đang tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm không?

Các hành tinh khác có ánh sáng mặt trời, nhưng Trái Đất là hành tinh duy nhất chúng ta có không khí và nước. Nếu không có không khí và nước, Trái Đất sẽ không thể duy trì sự sống. Một cộng đồng đa dạng của đời sống thực vật và động vật phát triển mạnh trên hành tinh này trong hàng triệu năm, duy trì bởi ánh nắng mặt trời và được hỗ trợ bởi nước, đất và không khí.


Các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao, nổi bật là bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, ung thư và các dị tật bẩm sinh.

Hằng năm có khoảng 20 tỉ tấn CO2 + 1,53 triệu tấn SiO2 + Hơn 1 triệu tấn Niken + 700 triệu tấn bụi + 1,5 triệu tấn Asen + 900 tấn coban + 600.000 tấn Kẽm (Zn), hơi Thuỷ ngân (Hg), hơi Chì (Pb) và các chất độc hại khác

Khí oxit cacbon (CO2) có thể gây đau đầu, chóng mặt, ngất xỉu hoặc gây tổn hại đến tim mạch, trường hợp mức độ ô nhiễm cao sẽ gây nên bệnh tim mạch trầm trọng, tổn thương hệ thống hô hấp… và về lâu dài có thể dẫn đến những chứng bệnh mãn tính.

Dioxit sunfua (SO2) là chất khí được sinh ra từ quá trình đốt nhiên liệu như than, dầu FO, DO có chứa lưu huỳnh, độc hại không chỉ đối với sức khỏe con người, mà cả động thực vật.

Bụi vào phổi gây kích thích cơ học, xơ hóa phổi dẫn đến các bệnh về hô hấp như khó thở, ho và khạc đờm, ho ra máu, đau ngực …

Không khí là vô hình. Hằng ngày, có thể chúng ta không uống nước ô nhiễm hoặc không hút thuốc, nhưng chúng ta không thể kiểm soát được việc mình đang tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Chính vì thế sự  ảnh hưởng của không khí bị ô nhiễm tới con người là điều không thể tránh khỏi.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người mà những biểu hiện dễ nhận thấy là chảy nước mắt, đỏ mắt, ho, thở khò khè… Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người, vào nồng độ của loại chất gây ô nhiễm và thời gian tiếp xúc.

Những tác động xấu của ô nhiễm không khí không chừa bất cứ ai là đẩy nhanh quá trình lão hóa, giảm chức năng của phổi, dễ mắc các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, thậm chí có thể bị ung thư…

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp ô nhiễm không khí ngoài trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các căn bệnh ung thư ở người.

Các số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy hơn 220.000 trường hợp tử vong do ung thư phổi trên toàn thế giới có liên quan đến ô nhiễm không khí và đây cũng là nguyên nhân liên quan đến tăng nguy cơ gây ung thư bàng quang.

Tỉ lệ tử vong vì ô nhiễm không khí có thể tăng gấp đôi

Một nghiên cứu do Viện Max Planck (Đức) thực hiện cho biết số người tử vong hằng năm do ô nhiễm không khí ngoài trời có thể tăng từ 3,5 triệu người hiện nay (theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO) lên 6,6 triệu người trên toàn cầu vào năm 2050.

Theo nghiên cứu này, nguồn ô nhiễm môi trường ngoài trời mang lại hệ quả nghiêm trọng nhất (chiếm 31% trong tổng số 3,3 triệu ca tử vong vì ô nhiễm môi trường năm 2010) là hoạt động tạo năng lượng tại nơi sinh hoạt, chẳng hạn như dùng các loại bếp lò.

Nghiên cứu cho biết phần lớn ca tử vong vì nguyên nhân trên xảy ra ở các quốc gia châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc, nơi các hộ gia đình thường dùng các loại bếp tạo muội lò và lò đốt củi. Rất khó để kiểm soát lượng khí thải do các loại bếp lò này gây ra.

Chẳng hạn, Ấn Độ đã cố gắng nhưng vẫn chưa thể thuyết phục được người dân chuyển sang sử dụng các công nghệ sạch hơn, mà nguyên nhân chủ yếu là do truyền thống văn hóa và gia đình.

Nguồn ô nhiễm nghiêm trọng thứ hai trong năm 2010 là từ các hoạt động nông nghiệp (khoảng 20%) như nuôi động vật và sử dụng phân bón tạo amoniac.

Tỉ lệ tử vong vì lý do này xảy ra nhiều nhất ở miền đông nước Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác như Nga, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nguồn ô nhiễm khác - bao gồm lĩnh vực điện, công nghiệp, hoạt động đốt sinh khối, và khí thải từ các phương tiện giao thông - chiếm tỉ trọng nhỏ hơn trong tổng số các ca tử vong.

Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2486