Vì một Việt Nam xanh: đừng nghĩ, hãy hành động!
3/29/2010 4:44:00 AM
Liên tiếp những vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm được báo chí phanh phui trong thời gian gần đây, tiếp theo sau hàng loạt các vụ đầu độc môi trường của các công ty thiếu trách nhiệm khiến vấn đề môi trường đang trở nên nóng hơn bao giờ hết tại Việt Nam.
Đã có không ít các chiến dịch tuyên truyền, các chương trình hành động vì môi trường ồn ào diễn ra, nhưng sức lan tỏa của nó đến đâu và bao giờ Việt Nam mới “xanh” vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Người dân chưa quan tâm
|
Buổi truyền thông học đường với chủ đề “Vì bạn, vì môi trường” do Công ty Tetra Park tổ chức tại Trường tiểu học Tân Hương (TP.HCM, 2009) |
Giờ Trái đất, ngày hội đổi đồ cũ, đạp xe vì môi trường, hưởng ứng ngày thế giới không khói xe, xây dựng các khu phố xanh... được thực hiện thời gian qua đa phần còn mang tính phong trào. Lâu lâu người ta có dịp hưởng ứng một ngày nào đó do một số câu lạc bộ, đội nhóm tổ chức tại một vài khu phố hoặc thành phố lớn, chứ hiếm có chương trình nào diễn ra liên tục, dài hơi và có sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội.
Số người quan tâm thật sự đến chuyện khói xe, chuyện nóng lên của Trái đất và tác động của sự biến đổi khí hậu cũng có, nhưng cũng không ít người đơn thuần chỉ là hưởng ứng. Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường FTA, vào tháng 12-2009, do được quảng cáo rộng rãi trên báo đài, “Giờ Trái đất” là một trong những chương trình môi trường được nhận biết rộng rãi nhất từ trước đến nay vì có đến 89% người được khảo sát biết về chương trình và 68% tham gia.
Những lý do chính khiến số người còn lại không tham gia là do không có thời gian hoặc không thấy mọi người xung quanh mình tham gia và điều đó cho thấy hoạt động này vẫn chưa thuyết phục được một số bộ phận dân cư trong xã hội. Đây cũng chính là những lý do khiến chương trình giáo dục ý thức cộng đồng và giới kinh doanh về những vấn đề môi trường có tên Go Green do Toyota Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức chỉ có 14% số người được khảo sát tham gia.
Thậm chí một chương trình rất thiết thực và được đánh giá cao là phong trào sử dụng túi môi trường tại các siêu thị cũng vẫn chưa được một nửa số người được khảo sát hưởng ứng vì cho rằng không tiện lợi hoặc không phổ biến.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức CFVG thực hiện vào năm 2008, chỉ có 8% sinh viên ngành kinh tế biết về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, 80% người được phỏng vấn chưa bao giờ được học hoặc giảng dạy về vấn đề này. Vì vậy, chuyện nghĩ xanh, sống xanh hay phát triển bền vững mới chỉ được một số ít người Việt Nam quan tâm.
Doanh nghiệp làm PR là chính
Theo kết quả khảo sát trên 500 doanh nghiệp Việt Nam cũng của CFVG gần đây, hầu như các doanh nghiệp xem làm từ thiện là hoạt động chính trong việc thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, còn ngăn chặn và giải quyết các vấn đề môi trường từ hoạt động sản xuất kinh doanh lại chẳng được mấy ai quan tâm.
Đáng nói hơn, các doanh nghiệp này còn cho rằng, bảo vệ môi trường hay phát triển bền vững là việc của các công ty đa quốc gia. Các tiêu chuẩn về phát triển bền vững cũng chỉ có ích lợi cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn là các doanh nghiệp trong nước. Đó cũng là lý do chỉ có rất ít doanh nghiệp được khảo sát biết đến và đạt các chứng chỉ có quy định các quy tắc về sức khỏe, an toàn vệ sinh lao động như SA 8000 hay WRAP.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, những hoạt động này là không cần thiết vì họ phải giải quyết nhiều vấn đề trong ngắn hạn như chất lượng hay giá cả. Việc thiếu kiến thức, thiếu kinh phí, tốn kém nhiều mà lợi nhuận chẳng được bao nhiêu... cũng được đưa ra để lý giải cho thái độ này, trong khi ba phần tư doanh nghiệp Việt Nam là thuộc loại vừa và nhỏ.
Do đó, cho dù bây giờ công ty nào cũng phát biểu “lợi nhuận phải đi cùng với trách nhiệm xã hội” nhưng trong một năm, chỉ có vài chương trình hướng đến việc bảo vệ môi trường được tổ chức một cách bài bản và dài hơi như Go Green của Toyota, Bước Tiến Xanh của Akzo Nobel (mà chủ yếu cũng chỉ là tài trợ cho một vài chương trình, sự kiện nào đó có liên quan).
Chưa kể đa phần động cơ để các công ty thực hiện các chương trình trách nhiệm đối với xã hội là làm PR, đáp ứng yêu cầu của các đối tác nước ngoài nhằm phát triển thị trường mới hoặc giữ chân nhân tài chứ chưa thực sự hướng đến cộng đồng. Vì thế, các thông điệp đưa ra cũng “đao to búa lớn” kiểu như “Tiến bước vì một hành trình xanh hơn” hoặc “Nghĩ xanh, sống xanh” nhưng lại chưa đi vào cuộc sống cụ thể của người dân, chưa chỉ cho người ta biết được “sống xanh” là sống thế nào.
Vấn đề bây giờ không còn ở chuyện thay đổi ý thức, vì với sự đề cập quá nhiều trên các phương tiện truyền thông trong thời gian gần đây, nhiều người Việt Nam đã biết thế nào là ảnh hưởng đến môi trường. Cái bây giờ cộng đồng và xã hội cần chính là thay đổi hành vi của mỗi người, biến ý thức thành những hành động cụ thể cần thiết trong cuộc sống như tiết kiệm điện, nước, phân loại rác, hạn chế sử dụng túi nilon... Nếu doanh nghiệp nào quan tâm đến và bảo vệ môi trường thật sự, họ sẽ nghĩ ra được những thông điệp thiết thực, kiểu như chương trình “Chải răng mỗi ngày ba lần”.
Chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập
Trong những năm gần đây, thế giới đã và đang cố gắng thực hiện nhiều chính sách thuế và ưu đãi thuế nhằm hỗ trợ kinh doanh bền vững và thân thiện với môi trường, được gọi là “kinh doanh xanh” (green business). Việt Nam cũng nằm trong làn sóng này. Chính phủ đã có những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) cho các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng môi trường.
Cụ thể là 10% thuế CIT trong thời hạn 15 năm, miễn thuế trong bốn năm và giảm 50% thuế trong chín năm tiếp theo cho các doanh nghiệp mới thành lập trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư và phát triển các nhà máy nước, nhà máy năng lượng, hệ thống tưới tiêu và cung cấp nước, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng khác do Thủ tướng quyết định. Ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại phương tiện vận chuyển (thuế suất thấp cho các phương tiện vận chuyển hành khách sử dụng một phần hay hoàn toàn năng lượng sinh học).
Tuy nhiên, trong đó cũng còn nhiều điểm đáng nói như trong ưu đãi 10% thuế CIT trong thời hạn 15 năm, miễn thuế bốn năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm năm sau đó đối với thu nhập từ các hoạt động trong lĩnh vực môi trường nhưng lại không giải thích thêm “môi trường” ở đây có nghĩa là gì. Doanh nghiệp Việt Nam được phép phân bổ tối đa 10% lợi nhuận chịu thuế hằng năm vào quỹ R&D đầu tư vào khoa học và phát triển công nghệ, tuy nhiên lại không hề chỉ ra cái gì cấu thành nên việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cũng như không có ưu đãi cụ thể nào khác (ví dụ khấu hao nhanh cho các tài sản thân thiện với môi trường).
Không có ưu đãi về thuế giá trị gia tăng (VAT) nào cụ thể (lẽ ra thuế suất VAT phải thấp hơn đối với các sản phẩm hoặc dịch vụ thân thiện với môi trường) mà chỉ có việc nước sạch phục vụ cho sản xuất và các hoạt động hằng ngày (không bao gồm nước đóng chai) chịu 5% thay vì 10% thuế. Thuế đăng ký đối với các loại xe hành khách dưới mười chỗ ngồi (10-15%) cũng tương đối cao so với các loại phương tiện vận chuyển khác (dù lý do của việc phí đăng ký cao không chỉ liên quan gián tiếp đến môi trường, mà còn liên quan với việc phòng tránh tắc nghẽn giao thông do sự không tương xứng về hạ tầng đường bộ).
Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, những ưu đãi tài chính (tín dụng thuế và miễn thuế) liên quan đến các khoản đầu tư vào ngành năng lượng “xanh” hoặc tài sản thân thiện với môi trường hoặc những ưu đãi “xanh” khác rất rõ ràng. Úc có những ưu đãi trong nhượng quyền và tài trợ R&D, tài trợ kinh doanh sạch hay hoàn tiền trong việc lắp đặt hệ thống bơm nước sử dụng năng lượng mới.
Canada giảm ngay thuế đầu tư cho các khoản chi liên quan đến chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển thử nghiệm (SR&ED). Hà Lan trợ cấp đầu tư vào năng lượng bền vững và một số loại tài sản tiết kiệm nhiên liệu (EIA) và các tài sản thân thiện với môi trường. Anh trợ cấp 100% vốn cho các danh mục cụ thể tiết kiệm năng lượng hoặc tài sản thân thiện với môi trường; Hoa Kỳ giảm, hoãn thuế cho các loại phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường, các ngôi nhà hay đồ dùng gia dụng tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu cồn, nhiên liệu diesel sinh học, các dự án cô lập khí thải CO2, dự án khí hóa có chất lượng...
Ngay cả các nước đang phát triển cũng có những chính sách rất rõ ràng như giảm, hoãn thuế đối với các khoản đầu tư về bảo vệ môi trường, năng lượng và trang thiết bị bảo tồn nguồn nước, giảm thuế và nhiều ngày nghỉ hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh xanh (Trung Quốc), chương trình cho vay mềm (thường bao gồm hoặc tài trợ lãi suất hoặc bảo lãnh một phần) nhằm tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại thực hiện đầu tư có đánh giá rủi ro trong các ngành công nghệ xanh theo các điều khoản ưu đãi (Ấn Độ).
Theo Công ty PricewaterhouseCoopers, dù không có một giải pháp riêng lẻ đơn giản nào được xem là toàn diện, có thể mang lại hiệu quả cao nhất, đồng thời các chính sách thuế và ưu đãi thuế của bất kỳ quốc gia nào cũng cần phải tính đến nhiều yếu tố về chi phí, nhưng kinh nghiệm quốc tế từ các nước đã phát triển cũng như các nước đang phát triển có thể mang lại nhiều ý tưởng đáng được các nhà hoạch định chính sách Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam để tâm.
Theo NGUYÊN HẰNG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
(Tuổi Trẻ, 28/3/2010)
Lượt xem : 1839