(VACNE) - Viện Khoa học Môi trường và Phát triển (VESDEC) là đơn vị trực thuộc của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE). Được thành lập từ năm 2010, với chức năng và nhiệm vụ là đánh giá tác động môi trường cho các dự án phát triển và Đánh giá môi trường chiến lược cho các chính sách,quy hoạch,kế hoạch; Giám sát môi trường cho các địa phương và các dự án; Quy hoạch môi trường phục vụ phát triển đô thị, công nghiệp và nông thôn; Tư vấn kiểm soát ô nhiễm môi trường; Nghiên cứu và tư vấn về phát triển bền vững; Đào tạo về công nghệ và khoa học môi trường; Hợp tác quốc tế về các lĩnh vực môi trường và phát triển.
Ranh giới gữa Vùng MT. I (cồn cát) và Vùng MT. II (đồng bằng ven biển) (Ảnh internet)
Hiện tại, VESDEC có 40 cán bộ và cộng tác viên, 15 trong đó là các thạc sỹ và tiến sỹ, được đào tạo về khoa học và công nghệ môi trường tại Việt Nam và nước ngoài. VESDEC hợp tác với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu lớn của Việt Nam và các tổ chức quốc tế trong nhiều dự án.
Trong những năm qua, VESDEC đã phát triển không ngừng nghỉ, đến nay VESDEC đã triển khai được nhiều dự án, đề tài về nghiên cứu, giám sát môi trường, đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm và đào tạo về môi trường, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2018.
Chia sẻ với PV, PGS.TS Lê Trình – Viện trưởng VESDEC cho biết, hiện chúng tôi đã Nghiên cứu Phân vùng môi trường thí điểm cho tỉnh Hà Tĩnh và lập Hướng dẫn kỹ thuật Phân vùng môi trường, bắt đầu từ tháng 01/2018 đến 05/2018 chúng tôi đã triển khai và hoàn thành phân vùng môi trường Hà Tĩnh. Theo đó, dựa theo các tiêu chí, yếu tố về địa hình, thổ nhưỡng, thủy văn, sinh thái, đa dạng sinh học, chất lượng môi trường và KT-XH tỉnh Hà Tĩnh được phân thành thành 4 vùng và 18 tiểu vùng môi trường kèm tập bản đồ phân vùng môi trường. Mỗi vùng và tiểu vùng môi trường đã được xác định rõ về diện tích, địa giới, dân số; các đặc điểm môi trường tự nhiên, xã hội; các lợi thế, khả năng sử dụng hợp lý tài nguyên và định hướng bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Cũng trong những tháng đầu năm 2018, chúng tôi đã triển khai và hoàn thành ĐTM Dự án thủy điện Nước chè. Dự án thủy điện Nước Chè có công suất 30 MW dự kiến được xây dựng trên sông Nước Chè – 1 nhánh của sông Dakmi và nằm ở thượng lưu nhà máy thủy điện Dakmi 4. Các công trình của dự án nằm trên 2 xã thuộc huyện Phước Sơn – tỉnh Quảng Nam. Từ tháng 9/2017 VESDEC cử Đoàn khảo sát bao gồm các chuyên gia sinh thái, thủy văn, địa chất, xã hội và ĐTM khảo sát thực địa vùng dự án và các vùng xung quanh. Tại đây, chúng tôi đã nghiên cứu, khảo sát thực địa về hệ sinh thái rừng; hệ sinh thái nước, đa dạng sinh học, hiện trạng chất lượng môi trường; các dân tộc tại chỗ và KT-XH các xã vùng có thể bị tác động. Từ tháng 10 đến tháng 12/2017, chúng tôi đã nghiên cứu dự báo cáo tác động đến sinh thái rừng, thay đổi dòng chảy, dòng chảy tối thiểu, biến đổi khí hậu; tác động đến đồng bào dân tộc bản địa (Giẻ Chiêng) và nêu các biện pháp giảm thiểu tác động xấu, PGS Trình cho biết.
Hiện trạng hệ sinh thái rừng ven suối Nước Chè (Ảnh internet)
Hiện chúng tôi đang triển khai đợt 4 về Giám sát môi trường độc lập Dự án ADB: Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành – GĐ xây dựng, PGS Trình nói. VESDEC là đơn vị trúng thầu tư vấn “Giám sát môi trường độc lập (IEMC - Gói thầu C2) với thời hạn 5 năm (2015 - 2019). Mỗi năm VESDEC điều động 1 chuyên gia quốc tế, 3 chuyên gia trong nước và nhiều cán bộ hỗ trợ thực hiện công tác khảo sát, đánh giá khách quan các tác động của Dự án đến môi trường và xã hội và sự tuân thủ của Chủ dự án (VEC/SEPMU), Tư vấn giám sát xây dựng và các nhà thầu đối với Kế hoạch quản lý môi trường (EMP) đã được ADB và Bộ TN&MT phê duyệt.
Trong đợt huy động lần 4 (từ tháng 5 đến hết tháng 6/2018) các chuyên gia giám sát môi trường của VESDEC đã đọc, góp ý, đánh giá trên 100 báo cáo quản lý môi trường và an toàn, quan trắc môi trường hàng tháng, hàng quý do Ban QLDA, các Tư vấn Giám sát xây dựng và 10 nhà thầu giao nộp; đã khảo sát thực địa tại 10 gói thầu; đã tổ chức hội nghị tham vấn UBND, các tổ chức chính trị xã hội và các hộ bị ảnh hưởng ở 4 xã và nhân dân ven các công trường xây dựng.
Tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành (Ảnh internet)
Từ kết quả khảo sát thực địa, tham vấn cộng đồng và kiểm tra các hồ sơ tài liệu của Ban QLDA và của các nhà thầu VESDEC đã xây dựng Báo cáo “Giám sát môi trường độc lập” đánh giá khách quan, chi tiết, rõ ràng về sự tuân thủ EMP của Ban QLDA, các Tư vấn Giám sát xây dựng và 10 nhà thầu. Báo cáo được giao nộp cho Ban QLDA và ADB (7/2018).
Ngoài ra, VESDEC đã hoàn thành nghiên cứu ĐTM và giám sát môi trường cho phần lớn dự án cảng hàng không quy mô lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Nhà ga Quốc tế T2 – CHK Quốc tế Nội Bài, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ; các Cảng hàng không Vinh, Phú Yên, Pley Ku, Buôn Ma Thuật, Đà Lạt, Côn Đảo, Phú Quốc… Cùng với các nghiên cứu ĐTM 7 đường cao tốc/quốc lộ (Biên Hòa – Vũng Tàu, xa lộ Đông Tây TP HCM, Trung Lương – Mỹ Thuận, Hà Nội – Lạng Sơn, Bến Lức – Long Thành; Đông Hà – Quảng Ngãi, Cần Thơ – Cà Mau), 5 cảng nước sâu (Baria – Serec, Sao Mai – Bến Đình, Guanglian - Dung Quất…) PGS Trình cho biết.