Vietnamese English
Vé thông hành cho kinh tế xanh

6/1/2022 7:15:00 AM

Cần những hành động cụ thể để thúc đẩy mô hình kinh tế tăng trưởng xanh và bền vững như một tấm vé thông thành đến thị trường thế giới.

Đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, nhiều thành viên của họ đang bắt đầu xây dựng nhà máy không carbon trên thế giới cũng như tại Việt Nam. “Người tiêu dùng ở nước ngoài yêu cầu nhiều hơn về các sản phẩm dựa trên nền tảng xanh và các công ty muốn đầu tư vào Việt Nam cũng yêu cầu đất nước phải tính đến yếu tố môi trường và bền vững trong sản xuất”, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định.

Ông Johan Van Den Ban, Tổng Giám đốc Tập đoàn thức ăn chăn nuôi De Heus Việt Nam, trực thuộc Tập đoàn Hoàng gia De Heus (Hà Lan), cũng cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến sản phẩm xanh và mong rằng chúng tôi có thể mua ngày càng nhiều sản phẩm Việt Nam đáp ứng các yếu tố phát triển bền vững. Chính phủ Hà Lan cũng như doanh nghiệp Hà Lan khuyến khích sản xuất ngày càng xanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn”.

Sự quan tâm của các doanh nghiệp châu Âu tới mô hình kinh tế xanh tại Việt Nam phản ánh mối quan tâm chung của cộng đồng doanh nghiệp trên khắp thế giới về phát triển bền vững. Chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu là xu thế không thể đảo ngược khi mang lại một nền kinh tế thịnh vượng hơn, tươi đẹp hơn và bền vững hơn về môi trường. Theo ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, Việt Nam đang được biết đến như một công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, nên các vấn đề về tăng trưởng xanh, bền vững được cộng đồng nhà đầu tư hết sức quan tâm.

Theo đó, kinh tế Việt Nam cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào đầu tư, tăng vốn và khai thác tài nguyên thiên nhiên với hiệu quả sử dụng thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào các yếu tố năng suất liên quan đến sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trước mắt Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, chú trọng chuyển đổi cơ cấu nội ngành theo hướng ưu tiên những ngành ít phát thải, tiết kiệm năng lượng.

“Với cam kết giảm phát thải còn 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam không chỉ đưa ra tuyên bố táo bạo, mà còn có những bước đi táo bạo để thực hiện tuyên bố đó. Tôi tin rằng sự táo bạo sẽ tạo ra thành công cho Việt Nam”, ông Tim Evans nhận định.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững. Tuy nhiên, để sớm đạt những mục tiêu đã đặt ra, Việt Nam có nhiều hạn chế cần cải thiện trong chính sách và hành động. “Các cơ cấu ở Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ ràng để giúp đất nước dễ dàng thực hiện những cam kết về môi trường của mình. Vì vậy, chắc chắn sẽ có khoảng cách giữa những gì chúng ta muốn thực hiện với những gì đạt được”, ông Weert Börner, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, nhận định.

Ông đề xuất trước khi Việt Nam có thể hoạch định cụ thể hơn đường hướng phát triển cần thực hiện tối ưu các giải pháp đơn giản đã được chứng minh là có hiệu quả, như giảm sử dụng nước, nhựa, hoặc thuốc trừ sâu… Ông cũng cho biết, các nước thành viên EU có kinh nghiệm trong chuyển dịch kinh tế xanh, phát triển kinh tế không làm tổn hại môi trường… sẽ hỗ trợ nền công nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng sản xuất sạch hơn như trong lĩnh vực xi măng, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải cho doanh nghiệp thấy được những lợi ích cụ thể trước khi họ bắt tay đi theo chiến lược xanh lâu dài. Đó là ngoài chính sách, chúng ta xây dựng bộ tiêu chí, nếu doanh nghiệp nào đáp ứng được các tiêu chí xanh thì sẽ được ưu đãi về vốn tín dụng, đầu tư, hạ tầng, đào tạo và đất đai.

 

Nguồn: Hà Cúc/Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư

Lượt xem : 1666