Về quy hoạch chung xây dựng Hà Nội: Hiện thực đầy thách thức
2/10/2010 7:39:00 AM
TP - Sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn của quan chức Bộ Xây dựng trên Tiền Phong về quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, một chuyên gia quy hoạch lo ngại về tính khả thi của quy hoạch này.
“Cần phải xem xét, điều chỉnh trên rất nhiều mặt”, ông Nguyễn Đỗ Dũng - Quy hoạch sư trưởng, Cty Tư vấn Thanh Bình, nói.
Thưa ông, đọc bài trả lời phỏng vấn của ThS.KTS Lưu Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu&Quy hoạch Môi trường Đô thị Nông thôn, Bộ Xây dựng, ông có cảm nhận gì không?
Trước hết, tôi nghĩ rằng đồ án quy hoạch chung phản ánh quyết tâm của Chính phủ trong việc kiến tạo một thủ đô phát triển bền vững và cả ước vọng về một môi trường sống tốt hơn cho nhân dân.
Tôi cũng nghĩ, mối quan tâm sau cùng của chúng ta, những người yêu Hà Nội, không phải là đồ án đã đầy đủ như quy định của luật pháp hay chưa (tôi tin Bộ Xây Dựng hẳn hiểu rõ hơn ai hết bởi chính Bộ là cơ quan soạn thảo pháp luật liên quan đế quy hoạch đô thị) mà là liệu đồ án có thực sự là lời giải cho những vấn nạn đô thị hiện nay và có thay đổi cơ bản cuộc sống của người Hà Nội trong tương lai hay không.
Xin hỏi ông một khía cạnh trong quy hoạch. Đấy là Hà Nội sẽ được xây dựng theo mô hình đô thị vệ tinh với các tỷ lệ cây xanh và giới hạn vành đai cây xanh khá cụ thể, đại diện Bộ Xây dựng nói đây là mô hình đô thị tốt nhất hiện nay.
|
Ông Nguyễn Đỗ Dũng - Quy hoạch sư trưởng, Cty Tư vấn Thanh Bình |
Về lý thuyết, có thể nói, đây là mô hình rất tốt. Tuy nhiên, mô hình đô thị vệ tinh, cũng như mọi mô hình quy hoạch khác, không hoàn hảo và không dễ dàng để thành hiện thực. Trước hết, mô hình đô thị vệ tinh đặt ra một giới hạn phát triển (growth boundary) bằng vành đai xanh đối với đô thị trung tâm.
Khi đó, sẽ dẫn đến một loạt phát sinh như gia tăng áp lực giá đất trong đô thị trung tâm chẳng hạn, dẫn đến tăng chi phí cho các nhà đầu tư, giảm năng lực cạnh tranh, nhưng lại tăng gánh nặng cho cư dân trong xây cất nhà ở.
Tiếp theo, các đô thị vệ tinh khi phát triển ra ngoại vi của thành phố trung tâm và cách ly với thành phố trung tâm bởi một mảng xanh sẽ dẫn đến chi phí hạ tầng rất lớn để kết nối trung tâm với vệ tinh.
Hãy tưởng tượng hệ thống hạ tầng đó phải đi qua dải vành đai cây xanh dài hàng cây số, thậm chí, hàng chục km, ít người sử dụng. Hiện tượng đó được gọi là nhảy cóc (leap frog), tức là phải nhảy qua một mảng xanh để phát triển tiếp, rất kém hiệu quả về hạ tầng.
Tại Mỹ, chỉ có một trong số vài thành phố ít ỏi áp dụng mô hình này thành công là Portland, bang Oregon. Tuy nhiên, cái giá mà dân chúng ở đây phải trả là giá nhà đất tăng rất nhanh trong một thời gian ngắn. Do áp lực phát triển, vừa rồi, họ đổi luật, lùi hành lang xanh để có đủ đất cho phát triển.
Nhiều thành phố khác tại Mỹ lại cho phát triển tràn lan, thay vì mô hình đô thị vệ tinh, như Los Angeles và Houston, nhằm giảm giá đất, thu hút đầu tư và đảm bảo nhu cầu nhà ở cho dân chúng.
Có một thành phố ở Canađa là Calgary, lại đi theo hướng ngược lại, tức là không xây dựng đô thị vệ tinh. Thành phố này rất thành công trong phát triển kinh tế ở Canada thông qua mô hình thành phố đơn (uni-city concept), mà không có đô thị vệ tinh và giới hạn phát triển.
Nhờ vậy, mặc dù chỉ đứng thứ năm về dân số (một triệu dân) tại Canada, Calgary là nơi tập trung nhiều thứ hai nước này các tập đoàn lớn (chỉ sau Toronto, thành phố năm triệu dân) và có chất lượng sống hàng đầu Bắc Mỹ nhờ giảm chi phí hạ tầng, thuế thấp và giá đất rẻ.
Tại Việt Nam, mô hình thành phố vệ tinh không phải bây giờ mới đặt ra nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Và, như chúng ta đã và đang chứng kiến, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn ngày một phình to và phát triển tràn lan.
Do đó, để tránh những thất bại mà chúng ta đã thấy, đồ án quy hoạch Hà Nội mở rộng cần giải trình về giải pháp triển khai cũng như bài học từ những thất bại hay thành công trong quá khứ.
Tôi không phản đối mô hình thành phố vệ tinh cho Hà Nội nhưng, chừng nào chưa giải trình được, chừng đó đồ án còn tiềm ẩn những nguy cơ khiến nó khó thành hiện thực.
Ông có thể cho biết một số nguy cơ cụ thể?
Hãy thử tưởng tượng khi quy hoạch được phê duyệt và đi vào triển khai, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế và xã hội.
Trước hết, chúng ta sẽ phải xây dựng nhiều cây cầu vượt sông Hồng, kết nối các đô thị mới ở Gia Lâm, Đông Anh và Sóc Sơn với chi phí không dưới 200 - 300 triệu USD cho mỗi cây cầu. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc xây dựng 26 cây cầu vượt sông Hàn mà vẫn không giải quyết được ách tách giao thông trên mỗi cây cầu.
Ngoài ra, chúng ta sẽ phải xây dựng hệ thống đường sắt kết nối đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh cách xa hàng chục km với chi phí không dưới 10 triệu USD/km.
Chúng ta sẽ phải kiểm soát quá trình đô thị hóa trong hành lang xanh của các làng nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nằm gần các trục đường giao thông chính.
Di dời những làng cổ này ra khỏi vành đai xanh sẽ là một xáo trộn quá lớn về kinh tế - xã hội, trong khi bảo tồn những làng này lại cần những chính sách đặc biệt để đảm bảo vành đai xanh không tự biến thành vành đai đô thị.
Mặc khác, nếu những đô thị vệ tinh của Hà Nội chủ yếu nằm về phía tây thành phố, dòng nhập cư chủ yếu sẽ lại đến từ những tỉnh đồng bằng sông Hồng ở phía đông, cũng như chịu áp lực phát triển các khu đô thị và công nghiệp phía đông trên những trục đường hướng ra cảng biển.
Nhà quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng sinh năm 1981, tốt nghiệp chuyên ngành đô thị học, Đại học Calgary (Canada).
Được đào tạo chủ yếu về địa lý, phát triển kinh tế và chính sách công trong đô thị, ông Dũng quan tâm đến quy hoạch tổng hợp như một công cụ để giải quyết các vấn nạn mà các thành phố đang phải đương đầu, đặc biệt là sự không tương thích giữa giao thông và sử dụng đất, tiềm năng hỗ trợ giữa giao thông công cộng và thiết kế đô thị cũng như giữa phát triển diện tích cây xanh và quản trị thiên tai.
Ông Dũng đã tham gia vào nhiều dự án quy hoạch đô thị tại thành phố Calgary và nhận giải thưởng danh dự về thiết kế đô thị của thị trưởng thành phố Calgary vào năm 2007 cho nghiên cứu tái phát triển một đại lộ của thành phố thông qua sử dụng xe buýt tốc hành (BRT).
Từ khi trở về làm việc tại Việt Nam vào năm 2008, ông đã tham gia vào một số dự án phát triển đô thị quy mô lớn tại khu vực Đông Nam Bộ và là cây viết về quy hoạch trên nhiều tờ báo và tạp chí chuyên ngành.
|
Quốc Dũng
Thực hiện
(Tiền Phong, 9/2/2010)
Lượt xem : 2055