Vietnamese English
Vật liệu xây dựng thân thiện môi trường

1/16/2010 9:10:00 PM

Sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng của ngành công nghiệp Vật liệu xây dựng. Hiện tại, trên thị trường xuất hiện nhiều loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, có những tính năng vượt trội so với những loại vật liệu xây dựng cũ. Nhiều chính sách đã được Chính phủ ban hành nhằm đẩy mạnh sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường trong cuộc sống.

 
 
 
 
Xu hướng tất yếu
    Một trong những loại vật liệu xây dựng tác động lớn đến môi trường là gạch đất nung. Nhiều nước trên thế giới đã giảm sử dụng gạch đất sét nung, chuyển sang dùng gạch không nung với tỷ lệ 50-70%. Theo số liệu thống kê do TS Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cung cấp thì sản xuất gạch đất sét nung ở nước ta hàng năm phải khai thác lượng đất sét lớn 1,5m3/ 1.000 viên gạch. Như vậy, sản xuất gạch đất nung tiêu tốn lượng lớn đất nông nghiệp. Hơn nữa, lò sản xuất gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Công nghệ khai thác chế biến nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng truyền thống chủ yếu dưới dạng sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, làm ăn manh mún, dẫn đến chất lượng kém, lãng phí tài nguyên nghiêm trọng, phá hoại môi trường sinh thái.
   Ước tính năm 2010, sản xuất 24 tỷ viên gạch tiêu tốn 36 triệu m3 đất sét, tương đương với 1.800 ha đất canh tác. Trong 10 năm từ 2011-2020, để sản xuất 374 tỷ viên gạch phải khai thác 560 triệu m3 đất sét, tương đương với 28.000 ha đất canh tác và tiêu tốn khoảng 60 triệu tấn than. Do đó, đẩy mạnh việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường trở thành một xu hướng tất yếu trong ngành công nghiệp Vật liệu xây dựng.
 
Còn nhiều khó khăn để phát triển
   Vật liệu xây dựng sản xuất theo phương pháp truyền thống tiêu tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng, cho hiệu quả kinh tế thấp, lại gây ô nhiễm môi trường nặng nề, cần được xử lý trong quá trình công nghiệp hóa. Một trong những mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 của ngành công nghiệp Vật liệu xây dựng là xây dựng một nền công nghiệp thân thiện với môi trường, hướng đến một nền công nghiệp xanh. Định hướng trong "Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020" có đề cập đến vấn đề chú trọng phát triển vật liệu mới, thân thiện với môi trường. Dự kiến phát triển tỷ lệ gạch không nung ở năm 2015 là 20-25% và năm 2020 là 30-40% tổng số vật liệu xây dựng.
    Vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường có nhiều ưu điểm so với vật liệu truyền thống. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Nhân viên Công ty Cổ phần Bê tông nhẹ Việt Nam: Vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường có rất nhiều ưu điểm, giảm trọng tải móng, cách âm cách nhiệt tốt.
Định hướng phát triển đã có, nhưng trên thực tế tỷ lệ sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường ở nước ta rất thấp. Cũng theo ông Huynh, hiện tại ở nước ta gạch không nung mới sản xuất với số lượng còn thấp khoảng 8% trên tổng sản lượng gạch xây, chất lượng, mẫu mã còn nhiều bất cập, người tiêu dùng chưa ưa thích.
     Đi tìm nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, ông Nguyễn Thanh Sơn cho hay: "Chính phủ có chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, nhưng hiện tại nhu cầu thị trường chưa lớn do thói quen của người dân chỉ thích sử dụng gạch đất nung".
Bao đời nay, dân ta đã quen sử dụng gạch đất sét nung cỡ nhỏ, xây dựng thủ công, phù hợp với lối sản xuất nhỏ. Khi sử dụng gạch block kích thước lớn, nặng, vận chuyển khó khăn, nhất là khi đưa lên cao, thợ xây thấy bất tiện. Quy trình xây gạch block yêu cầu chặt chẽ hơn, đòi hỏi tay nghề người thợ cao hơn. Do vậy, ngay bản thân người thợ và chủ công trình cũng ngại thay đổi.
    Để đạt được mục tiêu đề ra cần tuyên truyền rộng rãi về ưu điểm của vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, từ đó thay đổi cách nhìn nhận của của chủ công trình, nhà đầu tư. Thứ nữa chúng ta cần đầu tư công nghệ mới nhiều hơn nhằm phát triển các loại sản phẩm mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của nước ta, đồng thời nâng cao trình độ của người thợ trong việc sử dụng, thi công các loại vật liệu thân thiện với môi trường.
Nguyễn Trang
 
(Khoa học và Phát triển, 15/1/2009)

Lượt xem : 2394