Vằng vặc giếng làng
6/10/2020 5:16:00 PM
Ở vùng quê Bắc bộ xưa dường như làng nào cũng có vài cái giếng. Ấy là giếng nước chung của cộng đồng. Nhiều khi, đó cũng là nơi giao lưu trong đời sống vì sự phát triển của làng. Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định là những nơi có nhiều giếng nhất miền Bắc. Hiện ở vùng ngoại thành Hà Nội vẫn gìn giữ được nhiều giếng cổ.
Thân thương “mắt làng”
Cự Đà (Thanh Oai - Hà Nội) là một làng cổ, hiện vẫn giữ được hai chiếc giếng đầu làng, như đôi mắt của làng. Trong quá trình đô thị hóa, nhiều nhà cổ của làng đã bị phá bỏ, nhường chỗ cho nhà hiện đại. Nhưng một số gia đình vẫn cố gắng gìn giữ các nét xưa, trong đó có những cổng ngõ cổ, hay giếng cổ. Những chiếc giếng cổ của làng từ xa xưa đã gắn bó máu thịt với người dân. Nay dù nước giếng không dùng để sinh hoạt nữa, thì giếng vẫn được gìn giữ, hiện diện trong cuộc sống như một thực thể, một nhân chứng của thời gian.
|
Vùng quê Bắc bộ xưa dường như làng nào cũng có vài cái giếng |
Nói đến giếng, thì vùng đất Đan Phượng, Hoài Đức (thuộc Hà Tây cũ) có rất nhiều. Từ năm 2008, Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, quá trình đô thị hóa ở hai huyện này trở nên mau chóng, nhiều ao hồ, giếng làng cũng bị lấp đi. Song đến nay vẫn còn nhiều giếng khơi, giếng đào dạng hồ được giữ lại. Đến đất Tổng Gối, gồm bốn làng Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long (nay là xã Tân Hội, huyện Đan Phượng) sẽ thấy những chiếc giếng được gìn giữ rất tốt. Các cụ già cho rằng, ngày xưa có sự “quy hoạch” về giếng ở mỗi làng, để sao cho việc lấy nước trở nên tiện lợi nhất. Ở mỗi làng, đều có ít nhất là ba giếng, gồm ở đầu, giữa và cuối làng. Riêng ở đường vào của cả tổng, có một giếng lớn hình gương soi, được đặt tên là giếng Soi. Giếng Soi nhắc nhở mình mỗi khi đi xa trở về phải soi lại mình. Giếng cũng nhắc người đi, người về luôn mang hình bóng quê hương, để lúc nào cũng yêu quê. Giếng làng Thượng Hội có “quy hoạch” rõ nhất và thật ý nghĩa. Giếng đầu làng hình vuông, tượng trưng cho đất mẹ, nuôi dưỡng con người và soi bóng ngôi chùa cổ kính. Giữa làng, giếng hình mặt trời, hòa khí âm dương. Cuối làng là giếng hình bầu dục. Các giếng được xây gạch cẩn thận, có bậc lên xuống để tiện xuống gánh nước. Bây giờ giếng vẫn được dùng, được quây tường, có bệ thờ thần giếng vững chắc.
Ở làng cổ Đường Lâm, giếng làng cũng hiện diện như một phần hồn làng, cùng cổng làng, cây đa, bến nước tạo thành vẻ đẹp bình dị của làng. Đường Lâm còn lưu giữ lại hệ thống giếng nước đa dạng và mỗi giếng đều ẩn chứa những giai thoại thú vị. Một số giếng cổ nơi đây có tuổi đời đã hơn 4 thế kỷ. Ở làng Mông Phụ - trọng điểm của Đường Lâm, mỗi thôn xóm đều có một giếng mang tên của xóm, như: giếng xóm Giang, xóm Sải, xóm Hè… Du khách khi dạo quanh các ngõ xóm trong ngôi làng Việt cổ này, dường như đều bắt gặp những chiếc giếng khơi mát lành.
Trong truyền thống của người Việt, giếng làng chính là nơi sâu nhất của một ngôi làng và là nơi chứa đựng nhiều điều nhất. Theo tâm sự của nhiều bậc cao niên, lòng giếng cũng là lòng làng, lòng người. Ở nhiều nơi, người ta thường có tục thau giếng vào năm mới để tiếp nhận vượng khí cho làng, hy vọng về một năm mới đủ đầy, hạnh phúc.
Trong tiếng thở của thời gian
Tuy nhiên, thực tế ở nhiều ngôi làng tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Quốc Oai, Thường Tín… chuyện gìn giữ những giếng cổ không hề đơn giản. Như ở xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) trước đây mỗi làng đều có 3 đến 4 giếng. Nay cả xã chỉ còn giữ được giếng cạnh đình làng Kim Quy. Ở xã Quang Lãng (Phú Xuyên) xưa cũng có hàng chục giếng, nhưng do quá trình đô thị hóa, giếng bị lấp đi để xây nhà, chỉ thôn Hoàng Nguyên xây xung quanh, kè bờ được một giếng rồi khóa cửa để gìn giữ. Còn ở cuối huyện Phú Xuyên, xã Phú Yên giữ được một giếng ở thôn Thượng Yên, được cải tạo, kè bờ, xây đường đi xung quanh và gắn biển rất khang trang. Ông Ngô Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Yên (Phú Xuyên) cho hay: “Dự án cải tạo giếng thôn Thượng Yên nằm trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới của chúng tôi. Việc giữ gìn giếng cũng như giữ lại mắt ngọc của xã”. Các cụ già trong thôn kể lại, từ nhiều năm qua nước giếng chỉ dùng để giặt giũ, rửa lá dong gói bánh, các bờ đất xung quanh bị sụt khiến giếng mất đẹp. Phải đến khi giếng được đầu tư hơn ba trăm triệu đồng, lập dự án xây dựng cải tạo nên thôn được nhờ. Hằng ngày một số bà con ra bờ giếng đi dạo, thể dục.
|
Tìm hiểu về giếng làng, lúc nào cũng xen lẫn những vui, buồn |
Ở một số xã, nước ngầm vẫn trong, người dân dùng nước giếng khơi và nhận thấy rằng, vào mùa hè dù đi nhiều nơi, tắm ở những khu bãi tắm đông đúc, vui vẻ, nhưng trở về tắm gội bằng nước giếng khơi vẫn có thú vị riêng. Như làng Yên Trường, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ), là một ngôi làng cổ đến nay còn giữ được nhiều ngôi nhà cổ, với những bức tường đá ong độc đáo. Hơn thế, làng còn giữ được 9 giếng khơi cổ, là nơi người dân vẫn lấy nước để sinh hoạt. Tự hào về ngôi làng văn hóa lâu đời, cụ Trần Hữu Bùi, thủ từ đình Yên Trường chia sẻ, làng tự hào vì còn giữ được nhiều nét đẹp. Những cảnh đẹp của làng chính là đình cổ, tường đá ong, giếng cổ. Đình làng là điểm nhấn về lịch sử văn hóa của làng nên tọa lạc ở bãi đất cao, thờ đức Cao Sơn Quý Minh làm thành hoàng làng, lễ hội vào rằm tháng Hai âm lịch.
Tìm hiểu về giếng làng, lúc nào cũng xen lẫn những vui, buồn. Vui vì một số nơi vẫn tâm huyết giữ gìn giếng. Buồn vì đô thị hóa đã khiến bao vẻ đẹp làng quê bị vơi đi. Ở đâu quá trình đô thị hóa chậm, hoặc là nơi người dân có ý thức bảo vệ nề nếp xưa, thì những di tích được bảo vệ tốt, trong đó có những giếng vẫn tồn tại cùng thời gian. Giếng làng là một phần không thể thiếu trong cấu trúc nông thôn xưa. Theo quan niệm dân gian giếng nước tượng trưng cho sức sống và sự dồi dào sung mãn của dân làng. Ở nhiều vùng quê người ta không nói “cây đa, bến nước, mái đình”, mà nói “cây đa, giếng nước, mái đình” khi nhắc đến biểu tượng của làng. Bởi thế theo không ít nhà nghiên cứu, Hà Nội cần có các phương pháp bảo vệ giếng như là bảo vệ một phần cấu trúc nông thôn. Điều đáng nói hiện nay trừ hệ thống giếng ở làng cổ Đường Lâm, còn các giếng thôn, làng khác chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích, chưa được sự bảo vệ thỏa đáng của chính quyền.
Diên Khánh/TBNH
Lượt xem : 2059