Vietnamese English
Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” vào phòng - chống đại dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới

10/16/2021 7:05:00 AM

(VACNE) - Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của TS-Nhà văn Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam về phòng - chống đại dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới

 

 

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ “DĨ BẤT BIẾN, ỨNG VẠN BIẾN” VÀO PHÒNG – CHỐNG ĐẠI DỊCH COVID – 19 TRONG  TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG MỚI

 

 


TS-Nhà văn Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam



 

 

 

 

1. “Trạng thái bình thường mới” của Việt Nam trong phòng-chống đại dịch COVID-19

Thế giới cũng như Việt Nam đã phải đối mặt với những hình thức an ninh phi truyền thống, gồm 7 lĩnh vực là: kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị

 

[1]. Như vậy, việc phòng – chống đại dịch COVID-19 thuộc loại tổng hợp của các loai an ninh phi truyền thống. Bởi vì, đại dịch này chưa có tiền lệ, tác động, gây ảnh hưởng đến kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị. Việc phòng – chống đại dịch COVID-19 phải được đặt trong mối quan hệ hữu cơ giữa Kinh tế với Môi trường thiên nhiên và Môi trường xã hội. Giải quyết mối quan hệ biện chứng này được gọi là: “Bình thường mới” hoặc  “Trạng thái bình thường mới”.

 

“Bình thường mới là một thuật ngữ sử dụng phổ biến trong kinh doanh, được  đề cập tới tình hình kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đại suy thoái. Từ đó, thuật ngữ cũng được sử dụng rộng rãi để nói đến tình trạng bất bình thường (không diễn ra trong tự nhiên và xã hội như trước), nhưng lại trở nên trạng thái bình thường trong hiện tại và tương lai. Thuật ngữ này được dùng để cảnh báo cho các nhà chính trị, kinh tế và các nhà hoạch định chính sách rằng, nền kinh tế sẽ trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008. Trong đại dịch COVID-19, cụm từ Bình thường mới” hoặc “Trạng thái bình thường mới” được dùng để đề cập tới sự điều chỉnh chiến lược và điều hành phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Môi trường thiên nhiên cũng như hành vi con người trước, trong, sau đại dịch.

 

Như vậy, “Bình thường mới” hiểu đơn giản là những điều khác với những cái cũ, cái đã làm. Có thể là những điểm mà trước đây mọi người cho là bất bình thường thì nó sẽ trở nên bình thường trong hiện tại và tương lai. Hoặc cũng có thể là những công việc mà chúng ta đã làm, đang làm (gọi chung là việc cũ để so với việc mới) phải được làm trong trạng thái bình thường mới. Đó là tư duy mới, cách tiếp cận mới và cách giải quyết mới trên những việc cũ đã làm – Tức là làm mới cái cũ. Đại dịch COVID-19 bắt buộc các nước trên Thế giới và nước ta phải có những thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới nhằm thực hiên hai mục tiêu kép – Phòng-chống dịch, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và tăng trưởng kinh tế. Việc thay đổi của nước ta cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại là thực hiện “Trạng thái bình thường mới” – Tức là chúng ta phải có những giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt để chung sống với đại dịch COVID-19.  Nước ta đã từng thực hiện thành công thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng-chống thiên tai và dịch bệnh: “chung sống với lũ”, “chung sống với thiên tai và chung sống với biến đổi khí hậu” hoặc “chung sống với đại dịch HIV?AIDS”…Đó là lối sống thuận thiên được rút ra từ kinh nghiệm tri thức bản địa của người Việt, được hình thành và phát triển trong lao động và phòng-chống thiên tai, dịch bệnh của Nhân dân các dân tộc nước ta. 

 

 

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi nguồn lần đầu tiên là ngày 31/5/1946. Thời gian đó, nước ta mới giành được độc lập, tự do gần một năm, đất nước đang đứng trước hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”; thù trong, giặc ngoài đang lăm le cướp nước ta một lần nữa; chống ba thứ giặc “đói, dốt và ngoại xâm” trở thành nhiệm vụ bức xúc cần giải quyết; kinh tế bị đình trệ và nền tài chính nghèo kiệt…Trong hoàn cảnh “nước sôi, lửa bỏng” đó, Bác Hồ phải sang Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Trước chuyến đi dài ngày, Bác Hồ giao quyền Chủ tịch nước cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tiễn Người ra sân bay, Cụ Huỳnh Thúc Kháng hỏi Bác: “Nước nhà đang bề bộn công việc, Cụ lại đi vắng dài ngày thì tôi biết làm sao? Xin Cụ cho tôi một lời khuyên”. Bác thân mật trả lời: “Tôi vì đại sự quốc gia phải đi vắng dài ngày, việc nước ở nhà trông cậy vào Cụ và anh em, chỉ xin Cụ nhớ cho một câu để vận dụng, đó là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

 

[2]. Chúng ta nhận thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng, “chọn đúng mặt để gửi vàng” cho người thay mình lãnh đạo và giải quyết công việc của nước, của dân.

 

Tư tưởng “Dĩ bất biến” tức là nguyên tắc phải giữ vững, nhất quán và triệt để, không thay đổi mục tiêu: Độc lập, tự do, chính thể, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ…là nguyên tắc bất di bất dịch. Còn tư tưởng; “ứng vạn biến” là điều hành, sử lý công việc phải linh hoạt, uyển chuyển cho phù hợp với điều kiện thực tế và thời cuộc. Chính nhờ lời căn dặn của Bác Hồ mà Cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng với bộ máy Nhà nước non trẻ đã điều hành đất nước ta khắc phục được những khó khăn, thách thức, rủi ro tưởng chừng như không thể vượt qua được.

 

Có thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là cẩm nang bằng vàng và phương châm hành động cách mạng sáng suốt, là tài sản văn hóa, tinh thần, lý luận và thực tiễn vô giá mà Người để lại cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. 

 

 

3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh  về “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” vào phòng-chống đại dịch COVID – 19 trong trạng thái bình thường mới

 

Sau gần hai năm cả Thế giới chung tay phòng-chống đại dịch COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã điều chỉnh chiến lược “từ ngăn chặn, đẩy lùi và loại bỏ” sang “ngăn chặn, đẩy lùi và chung sống”. Việc điều chỉnh này không có nghĩa là chúng ta đã thua, mà chúng ta lựa chọn chiến lược phòng-chống phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Lấy kết quả làm thước đo hiệu quả công tác phòng-chống đại dịch COVID-19. Kết quả của công việc này chính là nâng cao nhận thức xã hội, xây dựng thái độ xã hội bình tĩnh, tin tưởng và xây dựng hành vi chung sống an toàn, linh hoạt với COVID-19; từng bước đẩy lùi, giảm số lượng người mắc và tử vong xuống mức thấp nhất; ổn định chính trị và xã hội; mở lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đảm bảo tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đã đề ra. Chung sống an toàn, linh hoạt với COVID-19, giữ vững ổn định, đảm bảo tăng trưởng kinh tế là mục tiêu kép của nước ta trong thời gian tới.

 

Để thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” vào phòng-chống đại dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới, chúng tôi đề xuất, khuyến nghị thực hiện một số giải pháp sau:

 

 - Thứ nhất: Cần tăng cường công tác truyền thông vận động, coi đó là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm làm cho dân biết, dân hiểu, dân bàn, dân tin, dân tham gia, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Phải bằng nhiều giải pháp của cả hệ thống chính trị và các tổ chức quần chúng để nâng cao nhận thức xã hội, tạo ra sự đồng thuận xã hội cao và tạo niềm tin xã hội; coi người dân vừa là khách thể, vừa là chủ thể trong mặt trận phòng-chống COVID-19, với phương châm “không để ai đứng ngoài mặt trận phòng-chống COVID-19”. Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin có định hướng, thông tin chính xác, kịp thời cho Nhân dân; đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ những thông tin độc hại;

- Thứ hai: Phát huy dân chủ, công khai và minh bạch công tác phòng-chống đại dịch COVID-19, kể cả công tác vận động ủng hộ và tài trợ. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[3]; “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[4] và “nhờ cách dân chủ mà việc khó hóa ra việc dễ... thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”

 

[5];…Trong lúc này, cả hệ thống chính trị và các tổ chức quần cúng cần làm tốt công tác dân vận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự tham gia của mọi người dân và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân vào phòng-chống đại dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mói.

 

 - Thứ ba: Phát động phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp Nhân dân: “Chung tay phòng-chống đại dịch COVID-19 vì sức khỏe của Nhân dân”. Huy động sự tham gia đông đảo của mọi người dân vào phong trào, không để ai đứng ngoài cuộc. Đẩy mạnh phong trào tình nguyện, thiện nguyện của Nhân dân nhằm giải quyết những vấn đề bức xuc tại địa phương, đơn vị. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những tập thể và cá nhân lợi dụng phòng-chống COVID-19 để trục lợi;

 

- Thứ tư: Hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội thực hiện ba đổi mới: Tư duy mới, cách tiếp cận mới và cách giải quyết mới trong phòng-chống đại dịch COVID-19. Đó là: (i) Đổi mới tư duy: Xác định “Chung sống an toàn, linh hoạt với COVID-19” là tư duy chủ đạo; lấy an toàn sức khỏe của Nhân dân là thước đo hiệu quả công tác phòng-chống đại dịch COVID-19; coi sức khỏe của Nhân dân là trên hết, trước hết; (ii) Đổi mới cách tiếp cận: Lấy cách tiếp cận hệ thống  làm cách tiếp cận trong phòng chống đại dịch COVID-19. Tức là, coi đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cả hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội. Phòng-chống đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng đến tất cả đời sống xã hội của đất nước: Chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý xã hội, niềm tin xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và quan hệ quốc tế; (iii) Đổi mới cách giải quyết: Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của mọi người dân và tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

 

- Thứ năm: Đối với các doanh nghiệp cần vận dụng tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Bác Hồ vào tổ chức sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; phải coi việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe của giới chủ và người lao động là nhiệm vụ trên hết, trước hết. Đó là nguyên tắc thực hiện “dĩ bất biến”, không thay đổi trong hoạt động của doanh nghiệp. Còn vận dụng tư tưởng “ứng vạn biên” là: Điều hành hoạt động sản xuất linh hoạt, sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh của đơn vị; thực hiện các giải pháp vừa phòng-chống dịch, vừa phát triển sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hành hóa, vừa chăm lo sức khỏe cho người lao động;

 

Bác Hồ rất tâm đắc với câu nói, được tổng kết từ Nhân dân tỉnh Quảng Bình: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Sự tự nguyện tham gia của các tầng lớp Nhân dân Việt Nam là điều kiện quan trọng để chúng ta thực hiện tốt phương châm: “Thích ứng an toàn, linh hoạt trong trạng thái bình thường mới” vào công tác phòng-chống đại dịch COVID-19, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho Nhân dân, vừa phát triển bền vững kinh tế của đất nước./. 

 



 

[1] Theo báo cáo “Phát triển con người” năm 1994 của Liên hợp quốc,

[2] Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, H.1993, tập 3, tr. 216

 

[3] Sách đã dẫn, tr.234

 

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.276

 

[5] Hồ Chí Minh: Tuyển tập,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 3, tr.663

Lượt xem : 2411