Vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu cần được đề cập sâu sắc hơn trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII
11/2/2015 10:10:00 AM
(VACNE) - Ý kiến góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII của TS. Phạm Đức Thi, Ủy viên BCHTƯ Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam
Môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là những vấn đề nóng bỏng trên phạm vi toàn cầu, nói chung và ở Việt Nam, nói riêng, tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội, đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII đã đề cập khá đầy đủ những vấn đề này. Xin đóng góp một vài ý kiến.
1. Nhiệm vụ (1) trong 12 nhiệm vụ tổng quát trong 5 năm tới được đề cập trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII là: “Tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh, bền vững, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”.
Trong đoạn văn khá dài như trên nhưng vắng bóng chữ “XANH”. Và, một nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường rất mờ nhạt, nếu như không muốn nói là không được đề cập đến trong suốt văn kiện, ngay cả trong “Các chỉ tiêu quan trọng phấn đấu đạt được 5 năm tới”, mục a) Về kinh tế.
Không thể nói đến phát triển bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế khi không có nền kinh tế xanh, ít cacbon, thân thiện với môi trường. Nền kinh tế xanh bao trùm các lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, môi trường, hệ sinh thái, năng lượng và an toàn lương thực. thực phẩm. Ngoải ra, nền kinh tế xanh còn góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược Quốc gia về BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó có hiệu quả với BĐKH, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
2. Nhiệm vụ (6) trong 12 nhiệm vụ tổng quát trong 5 năm tới được đề cập ngắn gọn trong Dự thảo: “Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Đó cũng là tiêu đề của mục IX.
Trong mục IX, Dự thảo đã đánh giá khá đầy đủ mặt được và chưa được của quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tài nguyên nước, ô nhiểm môi trường nước, một vấn đề nóng bỏng hiện nay ở Việt Nam chưa được đề cập đến trong đánh giá.
Về BĐKH, Dự thảo đánh giá: “Việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng; thiên tai ngày càng bất thường, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản”.
Thực tế, BĐKH đang diễn biến rất phức tạp. Các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo năm 2015 có thể trở thành năm nóng nhất kể từ khi con người bắt đầu ghi nhận các số liệu về nhiệt độ. Trái Đất đang nóng nhất trong ít nhất 4 thế kỷ qua và có thể là nóng nhất trong 2.000 năm qua, theo một báo cáo mới được công bố tại Mỹ.
Các chuyên gia đều nhận định nhiệt độ trung bình toàn cầu có xu hướng tăng mạnh qua từng năm và con người sẽ phải hứng chịu nền nhiệt nóng hơn trong thập kỷ tới nếu không có các biện pháp bảo vệ môi trường.
Thiên tai, do tác động của BĐKH, ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất xuất hiện, gây thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản.
Nhân lễ kỷ niệm hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống & Giảm nhẹ Thiên tai diễn ra sáng 13/10/2015 tại Hà Nội, Liên Hợp quốc đánh giá Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi tác động của thiên tai. Từ những năm 1970, tại Việt Nam thiên tai đã khiến hơn 500 người thiệt mạng mỗi năm, thiệt hại về kinh tế hơn 1,5% tổng sản phẩm quốc nội GDP.
Trong vòng 10 năm từ 2005 đến 2014, nền kinh tế Việt Nam đã phải gánh chịu khoảng 5,2 tỷ USD.
Theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng ở Việt Nam, giữa thế kỉ 21 mực nước biển của Việt Nam có thể dâng thêm khoảng 30cm và đến cuối thế kỉ 21 có thể dâng cao 1m. Khi đó, khoảng 40% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. TP. Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích, khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam vừa được công bố cho thấy tổn thất do thiên tai gây ra có thể lên đến từ 3% đến 5% GDP vào năm 2030.
Gần đây nhất, tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70 (28/9/2015-3/10/2015) đã chính thức thông qua “Chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu năm 2030” bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm đạt được 3 thành tựu, đó là: chấm dứt đói nghèo, đấu tranh với tình trạng bất bình đẳng và ứng phó với BĐKH.
BĐKH tác động trực tiếp đến nguồn nước, khu vực ven biển, lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên rừng, nuôi trồng thủy sản, đa dạng sinh học, sức khỏe con người, năng lượng và giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, vấn đề tái định cư, vấn đề liên quan đến giới tính, thu nhập của người dân. Không chỉ vậy, BĐKH còn ảnh hưởng trực tiếp đến các loài động vật hoang dã, đặc biệt các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
BĐKH có thể dẫn đến mất ổn định xã hội như nhiều chuyên gia nhận định.
Mặc dù chính phủ Việt Nam đã ý thức rõ được tác động hiện thời cũng như tác động tiềm ẩn của BĐKH, song nhận thức của cán bộ các cấp còn hạn chế và yếu tố BĐKH chưa được xem xét đầy đủ trong quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai và hệ thống giám sát môi trường. Người dân cũng chưa ý thức được và tham gia đầy đủ vào hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.
Trong những thập kỉ tới đây, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong việc ứng phó với tác động của BĐKH. Điều này có thể đe dọa đến tiến trình phát triển của nền kinh tế quốc gia trong thời kì chuyển giao sang nền kinh tế thị trường. Việt Nam cũng cần phải lồng ghép các giải pháp BĐKH trong hoạch định phát triển tại tất cả các cấp, các ngành cũng như chính quyền địa phương và các bên có liên quan, nhằm khuyến khích các đơn vị tham gia tích cực vào hoạt động đánh giá tổn thương và thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH. Cần ưu tiên xây dựng và điều chỉnh chính sách chiến lược nhằm lựa chọn được các giải pháp ứng phó có hiệu quả với BĐKH.
Do vậy, trong phương hướng, nhiệm vụ, Dự thảo đề cập đến “Tăng cường phổ biến pháp luật và tuyên truyền trong xã hội về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Tích cực hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Về phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, Dự thảo đề cập khá đầy đủ: “Chủ động xây dựng, triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai cho từng giai đoạn. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Đầu tư thích đáng cho các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, nhất là vùng đồng bằng Sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng, duyên hải miền Trung, trước hết là khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau và các thành phố ven biển khác. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm mức phát thải khí nhà kính”.
Trong phạm vi Báo cáo chính trị Đại hội Đảng, Dự thảo không thể đề cập cụ thể các giải pháp ứng phó với BĐKH.
Tiếc rằng, ngay trong Các chỉ tiêu quan trọng phấn đấu đạt được 5 năm tới, mục c) Về môi trường:”Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 80 - 85% chất thải nguy hại, 95 - 100% chất thải y tế được xử lý; tỉ lệ che phủ rừng đạt 44 - 45%”. Không hề có một chỉ tiêu nào về phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, khiến người ta cảm thấy BĐKH chưa được coi trọng như tầm quan trọng đích thực của nó.
Lượt xem : 1551