Vai trò của Tổ chức Xã hội trong Ứng phó Biến đổi Khí hậu - nghiên cứu trường hợp miền Tây Sông Hậu. Bài 1. Biến đổi khí hậu phải được coi là An ninh khí hậu
8/21/2014 4:35:00 PM
(VACNE) - Loạt bài này được trích từ Tham luận của VACNE tại hội thảo về “Việc thực hiện Chính sách, Pháp luật về phòng, chống Biến đổi Khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long và vai trò của các Tổ chức xã hội” do Ủy ban KH,CN & MT Quốc Hội phối hợp với Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam (VUSTA) tổ chức vào ngày 20/8/2014 tại Hà Nội
Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)
Khảo sát sông nước Kiên Giang trên vỏ lãi
1.Thế giới đã nâng mức đe dọa của Biến đối khí hâu (BĐKH) lên thành An ninh Khí Hậu (ANKH)
Tháng 11 năm 2006 Nguyên tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH tại Nairobi:“BĐKH toàn cầu phải được coi là mối đe dọa toàn diện”. Còn đương kim Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tháng 4 năm 2007 nhấn mạnh rằng “BĐKH kéo theo sự khan hiếm tài nguyên có tác động lớn đến hòa bình và an ninh thế giới”. Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản trong một nghiên cứu về Chính sách của nước này khẳng định mối đe dọa của BĐKH là toàn diện bao gồm cả những đe dọa đến sản xuất lương thực, sức khỏe cộng đồng, hoạt động kinh tế và các hệ sinh thái[i].
Bộ trưởng các nước dự Hội nghị Biến đổi khí hậu Cancun, Mexico năm 2011, cảnh báo rằng thế giới không còn đủ thời gian để cứu Trái Đất nữa.Tại Hội nghị này, vị nữ quan chức về BĐKH hàng đầu của LHQ, bà Christiana Figueres nói : “Các đảo nhỏ ngoài khơi như Tuvalu, Maldives, Kiribati, Vanuatu đang tìm cách sơ tán toàn bộ số dân trước sự xâm nhập của nước mặn và mực nước biển dâng cao. Mạng sống, số phận của các nước này là lời cảnh tỉnh đối với chúng ta.”
Chương trình môi trường của LHQ (UNEP) chính thức trao cho các đại biểu kết quả nghiên cứu công bố hai tuần trước khi Hội nghị Cancun triển khai. Công bố nêu rõ, ngay cả cam kết cắt giảm khí thải hiện đang được bàn tới nếu có được thực hiện đi nữa, cũng không đủ để giảm nhiệt độ tăng trên Trái Đất, tới điểm mà chính phủ các nước mong muốn (đa số quốc gia chỉ muốn nhiệt độ tăng từ 1,5o C đến 2o C), bởi lẽ hàm lượng CO2 trong khí quyển hiện nay đã là 390 ppm (phần triệu), vượt quá ngưỡng 350 ppm – ngưỡng tai biến của khí hậu trái đất..[ii]
Hoa Kỳ, 2007, là nước đầu tiên xây dựng Luật về An ninh Khí hậu.. Khái niệm ANKH khi mới xuất hiện đặt trọng tâm vào an ninh năng lượng và tài nguyên nước, trước hết nhằm tìm kiếm sự hợp tác của những quốc gia ở châu Phi, Trung Quốc, Cộng đồng chấu Âu và Hoa Kỳ nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc về ANKH trong khu vực nhậy cảm nhất của thế giới là châu Phi[iii].
Như vậy BĐKH có khả năng gây tác động tiêu cực toàn diện đến chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường trên phạm vi toàn cầu. Mối liên quan giữa “BĐKH và An ninh” được làm rõ hơn với việc tách một bộ phận của An ninh Môi trường ra một khái niệm an ninh mới, đó là An ninh Khí hậu ngay từ năm 2008[iv]. Khái niệm này được nhiều người sử dụng trong những năm gần đây, vì nó thể hiện rất rõ rệt mối liên quan của BĐKH với an ninh, hơn nữa đó cũng là một thuật ngữ đơn giản và dễ hiểu. Đến nay có thể hiểu An ninh Khí hậu là một bộ phận của An ninh Môi trường, bao gồm những vấn đề an ninh của con người và xã hội trước các đe dọa khác nhau do BĐKH gây ra. Quan niệm BĐKH trong phạm trù An ninh Môi trường đỏi hỏi những chính sách ứng phó với BĐKH phải được ưu tiên rất cao so với những mảng chính sách khác. Với những đảo quốc thấp và những quốc gia có nhiều vùng đất thấp (như Việt Nam chẳng hạn) ứng phó với BĐKH trở thành vấn đề sống còn. Điều đó hiện hữu không thể nghi ngờ[v] .
2. Gọi là An ninh Khí hậu có tác dụng gì?
Hiện nay ANKH đã được mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Một Báo cáo của Ủy ban Châu Âu (2008)[vi] cũng xác nhận 7 mối gắn kết chặt chẽ giữa BĐKH với an ninh quốc tế như sau :
(i) Xung đột trong tranh chấp tài nguyên;
(ii) Thiệt hại kinh tế và đe dọa đến các đô thị ven biển và các cơ sở hạ tầng nhạy cảm;
(iii) Mất đất đai và tranh chấp biên giới;
(iv) Tị nạn môi trường diện rộng;
(v) Bùng phát tình trạng dễ bị tổn thương và cực đoan hóa;
(vi) Căng thẳng trong cung cấp năng lượng; và
(vii) Áp lực căng thẳng lên các mối quan hệ quốc tế.
Việc coi BĐKH là ANKH còn nhằm huy động sự nỗ lực của toàn thể nhân dân vào cuộc chiến vì sự tồn vong của đất nước trước mối đe dọa toàn cầu này, thay vì chỉ coi Ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ của chính quyền các cấp. Bác Hồ đã từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một văn bản pháp lý nào của Việt Nam sử dụng thuật ngữ ANKH vốn đã được Thế giới sử dụng rộng rãi từ hơn 3 chục năm rồi. Vào lúc 15h30 ngày 21/8/2014 vào mạng Google nhận được khoảng 125.000.000 (125 triệu) thông tin vê Climate Security (An ninh khí hậu) chỉ trong 0,16 giây. Thảm họa về BĐKH tất yếu dẫn đến đến sụp đổ cả một quốc gia trong những khu vực nhậy cảm với BĐKH. Rõ ràng chúng ta cần hội nhập quốc tế đầy đủ hơn, cần nhận thức đầy đủ hơn trong lĩnh vực này.
Vai trò của các tổ chức xã hội cũng sẽ được xác định đúng đắn hơn trong bối cảnh ANKH.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
[i]Ohta,H ( 2008) . Climate Security and Human Security: The Convergence on Policy Requirements
[ii] Nguyễn Dình Hòe và Nguyễn Ngọc sinh (2012) An ninh Môi trường. NXB KH và KT, Hà Nội
[iii] America's Climate Security Act of 2007. http://www.ask.com/wiki/America's_Climate_Security_Act_of_2007?o=2801&qsrc=999
[iv] Trombetta, M.J.,(2008) The meaning and function of climate security. Delft University of Technology, Lujbljana
[v] Trombetta, M.J.,(2008). Tài liệu đã dẫn
[vi] Ohta,H ( 2008) . Tài liệu đã dẫn
Lượt xem : 2049