Vai trò của tổ chức xã hội trong các hoạt động giám sát chuyên đề của các cơ quan dân cử
8/25/2015 11:56:00 AM
Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam ở Trung ương và các tỉnh thành phố và các hội thành viên là những tổ chức tập hợp được nhiều chuyên gia giỏi thuộc đủ mọi lĩnh vực, có thể tư vấn cho các đợt giám sát của các cơ quan Dân cử (Quốc hội Hội đồng Nhân dân các cấp).
Nguyễn Đình Hòe,
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)
1.Bất cứ việc thực thi chương trình, quy hoạch, kế hoạch hay đề án phát thiển nào (từ đây gọi tắt là CQKD) – đối tượng của loại hình Giám sát chuyên đề mà các tổ chức xã hội thường được mời tham gia - đều luôn mang tính đa chiều, trong đó có những chiều nổi dễ nhận diện do liên quan trực tiếp đến mục tiêu của từng CQKD, và nhiều chiều khác không biểu hiện rõ, tạm gọi là các chiều chìm, liên quan đến tính chất và tác động của mỗi CQKD. Những chiều chìm này lại thường có thể được phát hiện bởi đoàn giám sát có sự tham gia của các chuyên gia từ những chuyên ngành liên quan.
Thông thường mỗi CQKD đều có 8 chiều:
(i) Chiều chính trị
(ii) Chiều kinh tế
(iii) Chiều văn hóa
(iv) Chiều khoa học công nghệ
(v) Chiều xã hội
(vi) Chiều môi trường
(vii) Chiều đạo đức
(viii) Chiều thẩm mỹ
Khó có nhà chức trách hay nhà chuyên môn nào có đủ khả năng phát hiện đầy đủ tất cả các chiều nói trên của việc thực thi một CQKD của “cơ quan, tổ chức, cá nhân”(từ đây gọi tắt là CTC) –đối tượng chịu giám sát. Đó là chưa nói đến Tiếp cận Hệ thống và Tư duy Phản biện – hai hệ phương pháp giúp cho việc phát hiện tính đa chiều của một hệ thống - lại chưa phải là lĩnh vực được phổ biến rộng rãi ở nước ta.
2.Công tác giám sát của các cơ quan dân cử (Quốc Hội và HĐND) đa phần được thực hiện bởi thành viên của chính các cơ quan này, thường là những nhà chính trị. Có thể yên tâm với những phát hiện chiều chính trị của các đợt giám sát. Nhưng còn những chiều khác cũng không kém phần quan trọng lại ít khi được nhận ra.
Tổ chức xã hội có khái niệm rộng và khái niệm hẹp. Ở đây chỉ bản đến khái niệm hẹp. Theo khái niệm hẹp, Tổ chức xã hội chỉ bao gồm các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, trong đó có các VNGOs. Mỗi tổ chức đang nói đến có lĩnh vực chuyên sâu nhất định, phi lợi nhuận và có tiếng nói độc lập mặc dù đều hoạt động trong khuôn khổ quy định của pháp luât. Ý kiến đóng góp của chuyên gia tổ chức xã hội thường là ý kiến chuyên môn và ít khi chịu sức ép “định hướng” từ các cơ quan chính quyền và các tổ chức chịu giám sat. Sự tham gia của chuyên gia các tổ chức xã hội vào các chương trình giám sát chuyên đề của các cơ quan dân cử là điều rất cần thiết. Liên hiệp các Hội KHKT Trung ương và các tỉnh thành phố và các hội thành viên (từ đây gọi tắt là LHH) là những tổ chức tập hợp được nhiều chuyên gia giỏi thuộc đủ mọi lĩnh vực (cả KHKT và KH Xã hội – Nhân văn), có thể cung ứng nhiều chuyên gia tư vấn cho các đợt giám sát của các cơ quan Dân cử.
3.Các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử hiện nay chủ yếu là đoàn giám sát nghe đại diện cơ quan (tổ chức) chịu giám sát báo cáo, sau đó có thể là một vài tuyến thị sát hiện trường nhanh gọn để làm sáng rõ hơn báo cáo đã được nghe.Tất nhiên báo cáo của đơn vị chịu giám sát thường chỉ trình bày theo hướng có lợi cho họ. Cách làm này khiến cho giám sát trở thành hình thức và người đi giám sát thường chấp nhận bị “bịt mắt bịt tai”. Thậm chí trong không ít trường hợp những phát hiện của chuyên gia thuộc tổ chức xã hội được cử tham gia đoàn giám sát không thực sự được lắng nghe hoặc thảo luận cho minh bạch.
Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND mà chỉ nghe báo cáo, không kiểm tra chẳng khác gì “cưỡi ngựa xem hoa”
|
3.Sự tham gia của các TCXH vào giám sát cần một số điều kiện:
(i).Cần có quy định pháp lý về việc tất cả các đợt Giám sát chuyên đề, của cơ quan dân cử, đều cần có sự tham gia của các chuyên gia phù hợp, do LHH lựa chọn. Các chuyên gia tham gia đoàn giám sát được quyền tham gia đầy đủ vào các hoạt động giám sát mang tính chuyên môn (trong đó có việc được cung cấp đầy đủ thông tin mà đoàn giám sát thu thập được đến thời gian đợt giám sát được triển khai), được quyền phát biểu ý kiến, chứ không phải là tham gia cho đủ, mang tính hình thức.
(ii) Tùy thuộc mục tiêu giám sát, ngay khi các cơ quan dân cử xây dựng chương trình giám sát, cần có sự tham vấn của các chuyên gia này để xác định đầy đủ hơn đối tượng cần tham vấn (ví dụ tham vấn cộng đồng địa phương, tham vấn LHH địa phương,…) cũng như các tuyến điểm cần khảo sát. Việc này có thể làm gia tăng thời gian giám sát, nhưng sẽ giúp cho đoàn giám sát có cái nhìn toàn diện hơn về tác động và hiệu quả thực tiến cũng như nguồn thông tin về CQKD được giám sát, tránh việc (ví dụ) đoàn giám sát doanh nghiệp chỉ làm việc với doanh nghiệp, giám sát CQKD địa phương chỉ làm việc với chính quyền địa phương,…
(iii)Các chuyên gia tham gia đoàn giám sát cũng cần được trả công tác phí và các khoản phụ cấp lao động, đi lại, viết báo cáo,…theo quy định hiện hành. Khoản kinh phí này cần được giải ngân trong chi phí của đoàn giám sát./.
Lượt xem : 2679