Vai trò của An ninh Môi trường đối với Phát triển Bền vững
2/10/2010 9:54:00 PM
Để phát triển bền vững (PTBV), các nhà quản lý và cộng đồng cần quan tâm hơn vấn đề an ninh môi trường (ANMT) và phạm vi chúng được chia sẻ.
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
Biển lấn ở Phan Thiết
1. ANMT theo định nghĩa của Hội đồng Bảo an LHQ là: “Sự khan hiếm các tài nguyên thiên nhiên, suy thoái và ô nhiễm môi trường và những hiểm hoạ có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh”. Dự án Thiên niên kỷ của Hội đồng Châu Mỹ của LHQ xác định: “ ANMT là việc đảm bảo an toàn trước các mối nguy hiểm môi trường sinh ra do sự yếu kém trong quản lý hoặc thiết kế và có nguyên nhân trong nước hay xuyên quốc gia” (Michael J. Penders and William L. Thomas, NR&EWinter 2002).
2. Khi nhìn từ quan điểm ANMT, sự phát triển kinh tế làm giảm đói nghèo được xem là một chiến lược tốt. Bởi vì rõ ràng là nghèo đói nhiều trường hợp có liên quan chặt chẽ với việc suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái do thiên nhiên cung ứng cho con người. Có thể sai lầm khi xem xét ANMT và phát triển bền vững là đồng nghĩa, mặc dù trên thực tế hai khái niệm này có thể ít nhiều gần gũi. Phát triển chỉ việc tăng dần sự thịnh vượng của con người và sự mở rộng các cơ hội cho các cá nhân được sống an toàn, mạnh khoẻ và giàu có hơn. An ninh ám chỉ việc không có nguy hiểm, không có đe doạ tiến trình phát triển hay các kết quả của phát triển. Nhưng ANMT cũng có mặt phân biệt: quá trình phát triển có thể trở thành một mối đe dọa cho ANMT trong giới hạn không cố ý - hay không chủ định - thay đổi các cơ chế an ninh hiện có. Trong ngữ cảnh này, một báo cáo của tổ chức hợp tác - phát triển kinh tế Châu Âu (OECD) có tiêu đề “Chi phí quân sự ở các nước đang phát triển: An ninh và Phát triển” đã rất đúng khi tuyên bố, "an ninh cần thiết cho phát triển", nhưng "cội rễ gây ra bất an thường cũng là phát triển" (OECD,1997:3, 8). Rất khó để thúc đẩy phát triển dưới những điều kiện suy thoái môi trường bất ổn định. Ví dụ, ngày nay các dòng vốn tư nhân đầu tư vào các nước đang phát triển lớn gấp 5 lần nguồn vốn ODA, và do đó chúng trở nên có tác động rất quan trọng đối với quá trình phát triển. Nhưng vốn tư nhân có xu hướng lẩn tránh các vùng môi trường bất ổn định với dịch vụ hệ sinh thái bị suy giảm mạnh. Theo định nghĩa của LHQ thì dịch vụ hệ sinh thái bao gồm 4 bộ phận: (i) Cung cấp , ví dụ cung cấp nước, lương thực, dược liệu…(ii) Điều tiết ví dụ kiểm soát khí hậu, dịch bệnh,…(iii) hỗ trợ ví dụ các chu trình dinh dưỡng và thụ phấn cây trồng, …và (iv) Văn hóa ví dụ cung cấp các nơi nghỉ dưỡng, du lịch,… Tăng trưởng kinh tế nóng cùng với những yếu kém trong quản lý có thể làm cho môi trường mất đi khả năng duy trì những dịch vụ này. Mất mát các dịch vụ đó sẽ là sự mất mát nguồn vốn tự nhiên, tạo ra mối đe dọa cấp thiết đối với sự sống của cộng đồng và sự bền vững của nền kinh tế.
3. ANMT và PTBV đều hướng đến cùng một đoạn kết tương tự: một điều kiện trong đó các cá nhân và các cộng đồng có sự tiếp cận công bằng và hợp lý những thứ cần thiết để tồn tại và phát triển khỏe mạnh; các bất đồng được giải quyết công bằng; và môi trường được bảo vệ khỏi các hành vi phá hoại của con người, dưới hoàn cảnh đó, các thể chế hỗ trợ an ninh có khả năng thích nghi và ứng phó với thay đổi. Và điều đó cũng làm cho quá trình phát triển không đối xử thô bạo đối với các cơ chế quản lý xung đột, có thể dẫn đến việc phân chia lại quyền lực theo cách có thể dẫn đến xung đột hay bạo lực nghiêm trọng hơn. Trong một thế giới mà xung đột và bạo lực sinh ra như những cơ chế thích ứng, với đầy rẫy những công nghệ mang tính phá hoại cao thì những chiến lược thích ứng này phải được kiểm soát rất cẩn trọng.
4. "An ninh môi trường" thực chất là mối quan hệ đan xen giữa môi trường và xã hội. Nhận thức về ANMT của chúng ta và cả cách thức chúng ta sử dụng môi trường, đều mang tính lịch sử, xã hội và chính trị. Để có thể nhận thức được điều đó cần xây dựng và hoàn thiện các phương pháp nghiên cứu về ANMT, ví dụ như xây dựng một bộ chỉ thị hoặc chỉ số ANMT, hoặc một bộ chỉ thị nhậy cảm để phân loại các quốc gia hoặc địa phương theo mức độ "mất an ninh về môi trường" nhằm cảnh báo sớm khi môi trường của một quốc gia hay một khu vực trở nên kém an ninh hơn.
5. Tình trạng hiện nay là cơ hội để nối chính sách ANMT với chính sách phát triển, bởi vì nó cung cấp sự nhận thức rộng lớn, nhạy bén và tiến hoá về các nguồn bất an ninh môi trường, tính tự nhiên của mối đe doạ và dễ bị đe doạ, và cách thức giảm thiểu những đe dọa đó một cách tốt nhất. PTBV không phải luôn là chiến lược được ưa chuộng đối với các chuyên gia an ninh truyền thống, nhưng nó luôn có vai trò như một chương trình chiến lược để tối đa hoá an ninh ở cấp lãnh thổ và cộng đồng trong thời gian dài./.
Lượt xem : 4655