Vietnamese English
Vai trò cộng đồng trong ứng phó BĐKH - Nghiên cứu trường hợp miền tây sông Hậu

10/23/2015 8:57:00 PM

(VACNE) - Những nỗ lực của cộng đồng trên cả nước nói chung và của đồng bào miền miền Tây sông Hậu nói riêng đã đem lại những kết quả nhất định trong ứng phó biến đổi khí hậu. Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số tháng 8/2015.

 

 

 

Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh

 

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)

 

 

 

 

Quan niệm An ninh Khí hậu đòi hỏi những chính sách ứng phó với Biến đổi Khí hậu (BĐKH) phải được ưu tiên rất cao so với những mảng chính sách khác. Với những đảo quốc thấp và những quốc gia có nhiều vùng đất thấp (như Việt Nam chẳng hạn) ứng phó với An ninh Khí hậu trở thành vấn đề của cả cộng đồng chứ không riêng các nhà quản lý.

 

1. Thế giới đã nâng mức đe dọa của BĐKH lên thành An ninh Khí hậu (ANKH)- một lĩnh vực của An ninh Môi trường

Tháng 11-2006 Nguyên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH tại Nairobi:“BĐKH toàn cầu phải được coi là mối đe dọa toàn diện”. Còn đương kim Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tháng 4-2007 nhấn mạnh rằng “BĐKH kéo theo sự khan hiếm tài nguyên có tác động lớn đến hòa bình và an ninh thế giới”. Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản trong một nghiên cứu về Chính sách của nước này khẳng định mối đe dọa của BĐKH là toàn diện bao gồm cả những đe dọa đến sản xuất lương thực, sức khỏe cộng đồng, hoạt động kinh tế và các hệ sinh thái[1].

Bộ trưởng các nước dự Hội nghị BĐKH Cancun, Mexico năm 2011 đã cảnh báo rằng thế giới không còn đủ thời gian để cứu Trái Đất nữa. Tại Hội nghị này, vị nữ quan chức về BĐKH hàng đầu của LHQ, bà Christiana Figueres nói: “Các đảo nhỏ ngoài khơi như Tuvalu, Maldives, Kiribati, Vanuatu đang tìm cách sơ tán toàn bộ số dân trước sự xâm nhập của nước mặn và mực nước biển dâng cao. Mạng sống, số phận của các nước này là lời cảnh tỉnh đối với chúng ta.”

Chương trình môi trường của LHQ (UNEP) chính thức trao cho các đại biểu kết quả nghiên cứu công bố hai tuần trước khi Hội nghị Cancun triển khai. Công bố nêu rõ, ngay cả cam kết cắt giảm khí thải hiện đang được bàn tới nếu có được thực hiện đi nữa, cũng không đủ để giảm nhiệt độ tăng trên Trái Đất, tới điểm mà chính phủ các nước mong muốn (đa số quốc gia chỉ muốn nhiệt độ tăng từ 1,5oC đến 2oC), bởi lẽ hàm lượng CO2 trong khí quyển hiện nay đã là 390 ppm (phần triệu), vượt quá ngưỡng 350 ppm – ngưỡng tai biến của khí hậu trái đất..[2]

Hoa Kỳ, năm 2007 là nước đầu tiên xây dựng Luật về An ninh Khí hậu[3]. Khái  niệm ANKH khi mới xuất hiện đặt trọng tâm vào an ninh năng lượng và tài nguyên nước, trước hết nhằm tìm kiếm sự hợp tác của những quốc gia ở châu Phi, Trung Quốc, Cộng đồng châu Âu và Hoa Kỳ nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc về ANKH trong khu vực nhạy cảm nhất của thế giới là châu Phi.

Như vậy BĐKH có khả năng gây tác động tiêu cực toàn diện đến chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường trên phạm vi toàn cầu. Mối liên quan giữa “BĐKH và An ninh” được làm rõ hơn với việc tách một bộ phận của An ninh Môi trường ra một khái niệm an ninh mới, đó là ANKH ngay từ năm 2008[4]. Khái niệm này được nhiều người sử dụng trong những năm gần đây, vì nó thể hiện rất rõ rệt mối liên quan của BĐKH với an ninh. Hơn nữa, đó cũng là một thuật ngữ đơn giản và dễ hiểu. Đến nay có thể hiểu ANKH là một bộ phận của An ninh Môi trường, bao gồm những vấn đề an ninh của con người và xã hội trước các đe dọa khác nhau do BĐKH gây ra. Quan niệm BĐKH trong phạm trù An ninh Môi trường đòi hỏi những chính sách ứng phó với BĐKH phải được ưu tiên rất cao so với những mảng chính sách khác. Với những đảo quốc thấp và những quốc gia có nhiều vùng đất thấp (như Việt Nam chẳng hạn) ứng phó với BĐKH trở thành vấn đề sống còn. Điều đó hiện hữu không thể nghi ngờ.

 

Hiện nay ANKH đã được mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Một Báo cáo của Ủy ban Châu Âu (2008) cũng xác nhận 7 mối gắn kết chặt chẽ giữa BĐKH với an ninh quốc tế như sau: (i) Xung đột trong tranh chấp tài nguyên; (ii) Thiệt hại kinh tế và đe dọa đến các đô thị ven biển và các cơ sở hạ tầng nhạy cảm;(iii) Mất đất đai và tranh chấp biên giới; (iv) Tị nạn môi trường diện rộng; (v) Bùng phát tình trạng dễ bị tổn thương và cực đoan hóa; (vi) Căng thẳng trong cung cấp năng lượng; và (vii) Áp lực căng thẳng lên các mối quan hệ quốc tế.

Thảm họa về BĐKH tất yếu dẫn đến thảm họa An ninh Môi trường, thậm chí còn dẫn đến sụp đổ cả một quốc gia trong những khu vực nhạy cảm với BĐKH. Rõ ràng chúng ta cần hội nhập quốc tế đầy đủ hơn, cần nhận thức đầy đủ hơn trong  lĩnh vực này.



 

2. Vai trò, vị trí của cộng đồng trong các chính sách và văn bản pháp luật về phòng, chống BĐKH.

 

Quan điểm chung của Nghị quyết 24-NQ/TW (ngày 03/6/2013) đã ghi “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. (Khoản 1): Chủ động ứng phó với BĐKH (…) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.

 

Về Nhiệm vụ cụ thể (mục a khoản 4):… Phát huy trách nhiệm và huy động các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tích cực tham gia phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQTW của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã Ban hành kèm theo Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 05-10- 2012 Kế hoạch Hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2020 , trong đó ghi rõ: Huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức phi chính phủ trong ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng cộng đồng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu (Khoản 6).

Như vậy, các văn bản của Trung ương đã quy định rõ vai trò cộng đồng trong ứng phó BĐKH nhưng khi xuống đến địa phương thì vai trò này thể hiện chưa đủ tầm cỡ và chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Trên thực tế cũng đã xuất hiện nhiều mô hình xã hội hóa có hiệu quả trong ứng phó với BĐKH nhưng vẫn chỉ là cục bộ, chưa được phân tích và đánh giá đúng hiệu quả.

Nghiên cứu về trường hợp miền Tây sông Hậu cho thấy các tỉnh ở đây chịu tác động của BĐKH khá rõ rệt. Nhiều mô hình ứng phó với BĐKH đã đem lại hữu ích trong đời sống dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, cũng còn nhiều điều đáng quan tâm cần làm cho ý thức cộng đồng về BĐKH ngày càng cao hơn.

Hậu Giang là tỉnh nghèo mới tái lập được hơn 10 năm nhưng đã có những  thành công lớn trong phát triển KT –XH, đặc biệt đã xác định được các tập đoàn cây trồng thích ứng BĐKH như tập đoàn cây xanh thành phố, các giống thơm (dứa), mía đường, cũng như dự án bảo tồn Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng mà bản chất là kho nước Trời cho. Ngập lụt ở Hậu Giang có những biểu hiện rất lạ: khi lũ thượng nguồn sông Hậu chưa về mà vùng trũng Phụng Hiệp đã ngập nặng. Nước ngọt “như chui từ dưới đất lên” Ở Gò Quao, ai cũng biết đến những cây cầu do dân làm. Tới năm 2007 đã có gần trăm cây cầu do người dân tự bỏ công của ra làm trị giá hàng tỷ đồng “mọc” lên ở các xã Vĩnh Phước, Định An, Định Hoà, Thủy Liễu...  Gò Quao giờ đây đã không còn cây cầu khỉ nào. Ổn định sinh kế trong bối cảnh BĐKH cho người dân là một cách tiếp cận lâu dài ứng phó với BĐKH ở Hậu Giang

Tỉnh Kiên Giang thành công về kỹ thuật với mô hình kè 3 lớp “Phục hồi vùng ven biển và rừng ngập mặn bằng hàng rào cừ tràm” với sự tài trợ của GTZ và AusAID. Mô hình này rất thành công nhưng lại tốn kém phải dựa vào tài trợ nước ngoài. Kiên Giang có chừng 100 km bờ biển đang bị xói lở. Hệ thống bảo vệ này gồm 4 lớp, từ biển vào: (i) Kè đóng bằng gỗ cây tràm cừ để phá sóng; (ii) Vùng trồng cây ngập mặn non để bẫy bồi tích, chủ yếu là bùn; (iii) Rừng ngập mặn trồng mới và tái sinh dày chừng 10m và (iv) Đê biển có mái đổ bê tông làm đường giao thông. Bước đầu cho thấy mô hình này có hiệu quả: hàng rào làm giảm 63% sức mạnh của sóng vỗ bờ, bồi đắp thêm 20cm  bùn mỗi năm (chừng 700 tấn/ha), bảo vệ dải rừng ngập mặn phía trong ngay cả ở những nơi xói lở nghiêm trọng. Hàng ngàn cây tràm cừ người dân trồng trở nên có giá. Người dân tham gia xây dựng nên có thu nhập, còn con đê biển phía trong trở thành lộ (đường) có thể đi xe máy.

Tuy nhiên, vẫn chưa thể kết luận liệu cây tràm làm kè biển có bền như khi chúng được đóng cọc làm móng nhà hay không vì chúng vốn là loài cây quen chịu nước ngọt nhiễm phèn chứ không phải nước mặn. Lại còn mối nguy là con hà phát triển sẽ tàn phá đám rừng ngập mặn mới được trồng. Nếu phun hóa chất bảo vệ cây ngập mặn thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề về chi phí và ô nhiễm biển chưa tính hết được. Theo tính toán thì cứ 1 km hàng rào cây tràm chắn sóng hết gần 439 triệu đồng, 1 km hàng rào bẫy bùn tùy loại hết từ 215 triệu đến 348 triệu đồng, chưa kể chi phí xây dựng đê biển phía trong. Đây mới là mô hình trình diễn

 

Thay vì ứng phó thụ động với xói lở biển, Thành phố Rạch Giá ra đòn trước: “Tiến ra biển”. Lấn biển mở rộng đô thị là hướng đi thành công của thành phố trẻ miền Tây này.  

 

Khu lấn biển Rạch Giá 1 đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, có tổng diện tích 420ha, có khả năng bố trí nơi ở cho 60.000 cư dân. đến cuối tháng 3/2004, đã có 4.200/10.157 lô đất được bán trong khu lấn biển. Nhiều khu phố mới đã mọc lên. Đây là dự án lấn biển lớn nhất Việt Nam.

   Dự án lấn biển Rạch Giá thứ 2 mới khởi động có tổng diện tích khoảng 150ha đất đô thị, 35ha đất dành cho công nghiệp dịch vụ nghề cá, phần còn lại là đất du lịch, dịch vụ và cây xanh.. Sau khi hoàn tất xây dựng sẽ bố trí chỗ ở cho khoảng 16.000 người tại các căn nhà biệt thự hướng ra biển và nhà phố thấp tầng. Đồng thời sẽ dành khoảng 30% diện tích để đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá.

 

Áp lực dân số lên đất đai ở thành phố xinh đẹp này không còn là vấn đề ám ảnh như ở các khu đô thị ven biển khác quanh năm lo lắng vì ngập úng và xói lở bờ sông bờ biển. Trong các câu chuyện hàng ngày có lẽ BĐKH là vấn đề ít được nhắc đến nhất ở Rạch Giá, bởi lẽ thành phố này có chiến lược ứng phó hiệu quả riêng của mình mà ít trông chờ vào tài trợ của Chính phủ hay nước ngoài.  

 

Cần Thơ có mô hình cộng đồng tự quai và tu bổ đê bao chống lũ lụt ở một vài cù lao trên sông Hậu trong đó điển hình nhất là Cồn Sơn.. Cồn Sơn nằm giữa sông Hậu (khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) được chọn làm nơi tham quan của Đoàn Giám sát. Mặt ruộng trong đê thấp hơn mặt đê 2-3m và thấp hơn mặt nước sông Hậu trên 1m vào thời điểm quan sát (đang là mùa khô). Con đê này bao quanh hết chu vi cồn, dài hơn 6 cây số, được người dân khởi đắp từ trước năm 1970, sau đó nước dâng đến đâu thì dân tự đắp lên đến đó. Đoạn đê trước nhà ai nhà đó tự tu bổ. Đoạn đê trước nhà máy xay xát do nhà máy lo. Mùa lũ nước ngập nhà nào thì nhà đó tự bơm nước ra sông. Con đê bao được dùng luôn làm hương lộ. Đây có lẽ là mô hình điển hình của việc cộng đồng tham gia ứng phó BĐKH ở Cần Thơ bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Có người còn nói đùa Cồn Sơn là Tiểu Hà Lan. Nhưng có lẽ tương lai thì cả thành phố Cần Thơ cũng sẽ là Tiểu Hà Lan.

Tuy nhiên, các cồn bãi ven sông là các cấu trúc chưa hoàn thiện, chúng biến động hàng năm và cần được liên tục bồi đắp do phù sa. Việc kè cứng các cồn khiến cho bề mặt các cồn bãi ngày càng thấp hơn mực nước sông, đồng thời làm hẹp dòng chảy mùa lũ tạo điều kiện gia tăng xói lở các dải bờ không có kè. Mô hình kè bờ sông do đó, là những mô hình có giá trị cục bộ. Cần có đánh giá trong phạm vi lớn hơn.

 

3. Đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường vai trò, vị trí của cộng đồng trong việc thực hiện chính sách và văn bản pháp luật về phòng, chống BĐKH

Một là, trong chính sách cũng như điều hành trên thực tế, cộng đồng phải là một bộ phận không thể thiếu trong ứng phó BĐKH. Có câu “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Nếu coi (một cách đúng đắn) rằng BĐKH là một loại “giặc trời” thì  không thể coi ứng phó với loại giặc này chỉ là nhiệm vụ của chính quyền các cấp, chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước và chỉ bằng các giải pháp công trình chi phí lớn.. Những công việc chính quyên không làm (để tập trung vào các nhiệm  vụ trọng đại hơn) hoặc không làm được, thì cộng đồng và đại diện là các tổ chức xã hội có thể làm tốt. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” là phản ảnh đúng với tinh thần đó.

Hai là, trong Nghị quyết 24 của Trung ương cũng như trong Chiến lược Quốc gia Ứng phó BĐKH cũng đã có những điều khoản khẳng định một cách đầy đủ - rõ ràng - mạch lạc vai trò của các “Đoàn thể Chính trị - Xã hội – Nghề nghiệp và cộng đồng dân cư”. Nhưng các quy định này xuống đến địa phương (thể hiện trong Kế hoạch hành động của nhiều tỉnh) thường được thể hiện nhẹ nhàng đi nhiều và thậm chí đến các công đoạn thực hiện thì hầu như không thấy các tổ chức xã hội và cộng đồng có vai trò gì đáng kể.

Ba là, ba lĩnh vực thể hiện rõ nét vai trò của cộng đồng trong ứng phó BĐKH là: (a)  Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về ứng phó BĐKH, (b) Tập hợp người dân chủ động sáng tạo các mô hình cộng đồng chủ động ứng phó BĐKH, (c) Phát huy các nguồn lực “xã hội hóa” ứng phó BĐKH, (d) Tham gia Giám sát xã hội các dự án Ứng phó PBXH.

Bốn là, để thực hiện tốt vai trò này, cộng đồng cần có tổ chức chặt chẽ, tích cực và chủ động tăng cường năng lực để có thể thực hiện 3 lĩnh vực nêu trên. Có 4 mảng Năng lực bao gồm: (a) Năng  lực hiểu biếtTrí lực (về tác động của BĐKH và các văn bản pháp lý của Trung ương và địa phương về ứng phó BĐKH ), (b) Năng lực tổ chức cho thành viên tham gia một cách chủ động vào các chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH của Trung ương và địa phương; (c) Năng lực sáng tạo các mô hình cộng đồng ứng phó BĐKH; (d) Năng lực Giám sát xã hội các chương trình, đề án ứng phó BĐKH của Trung ương và địa phương.

Năm là, cần thiết ủng hộ các sáng kiến của cộng đồng hướng tới việc chủ động ứng phó với BĐKH. Trên thực tế các sáng kiến này xuất hiện ngày càng nhiều.

Những nỗ lực của cộng đồng trên cả nước nói chung và của đồng bào miền miền Tây sông Hậu nói riêng đã đem lại những kết quả nhất định trong ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình sáng tạo không chỉ được xây dựng từ ý tưởng của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia môi trường mà còn được phát huy từ kinh nghiệm thực tiễn, sáng tạo cùa những anh “hai lúa”, những người nông dân miền sông nước. Tuy nhiên, Các mô hình ấy vẫn còn ít ỏi và mang tính giá trị cục bộ cả về không gian, thời gian và nhất là tính thích ứng lâu dài với BĐKH vẫn đang tiếp tục biến đổi khó lường, cần có những đánh giá trong phạm vi lớn hơn. Nhận thức đầy đủ về BĐKH và có hành động thiết thực của cộng đồng là yêu cầu lớn trong phát triển bền vững đất nước hiện nay./.



[1] Ohta,H ( 2008) . Climate Security and Human Security: The Convergence on Policy Requirements

[2] Nguyễn Dình Hòe và Nguyễn Ngọc sinh (2012) An ninh Môi trường. NXB KH và KT, Hà Nội

[4] Trombetta, M.J.,(2008) The meaning and function of climate security. Delft University of Technology, Lujbljana

Lượt xem : 2495

TIN KHÁC

MÙA YÊU THƯƠNG (01/02/2025 11:48 )
Tết là (31/01/2025 09:54 )
Xuân ấm (31/01/2025 08:32 )
Mùa yêu thương (30/01/2025 14:54 )