VACNE tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam (2010-2020)
(VACNE, 25/6) - Liên tiếp trong những ngày vừa qua, Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) phối hợp với các đơn vị chức năng, tổ chức xã hội, cùng các cấp chính quyền tỉnh Khánh Hòa và Cao Bằng, tổ chức nhiều hoạt động Bảo tồn Cây di sản Việt Nam.
Đây là chuỗi hoạt động nhân dịp 10 năm phát động phong trào Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam và chào mừng Đại hội Đảng cơ sở. Vì thế những hoạt động này của VACNE đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của các cấp chính quyền, Đảng bộ cơ sở và cộng đồng địa phương.
Sau sự kiện trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho 4 cây trên quần đảo Trường Sa vào ngày Môi trường thế giới (5/6), Hội BVTN&MT Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương của tỉnh Cao Bằng tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, bảo vệ Cây Di sản; hướng dẫn cộng đồng chung tay bảo vệ nguồn gen bản địa, bảo vệ cảnh quan môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; cử Đoàn chuyên gia về xã Sóc Hà (huyện Hà Quảng) trực tiếp hướng dẫn cho bà con cứu chữa cây Sấu hơn 350 tuổi (được công nhận Cây Di sản Việt Nam năm 2012) bị gãy cành sau mưa bão gần đây; đồng thời tổ chức Lễ công nhận quần thể 35 cây Rầm rào (cây Chò chỉ - Parashorea chinensis) ở bản Ngắn, xã Quang Trung, huyện Trùng Khánh và cây Đa giữa trung tâm thị trấn Thông Nông (huyện Hà Quảng) là Cây Di sản Việt Nam.
Tại các địa điểm này, các vị đại diện Đảng ủy, chính quyền và cộng đồng địa phương đều bày tỏ ủng hộ Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản và coi hoạt động này là sợi dây gắn kết bảo vệ môi trường với lịch sử văn hóa và tạo sinh kế cho cộng đồng. Còn hơn thế, nhiều Cây Di sản là cột mốc biên giới, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Một số vị còn phát biểu, cho rằng: Cây Di sản là niềm tự hào của quê hương và còn là điểm tựa về tâm linh của người dân địa phương.
GS. TS. Phạm Văn Lầm và các chuyên gia VACNE khảo sát Cây sấu bị gãy cành
tại bản Nà Sác, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng
Các nhà khoa học của VACNE giải thích với bà con nhân dân địa phương: cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam, thường là những cây đã đạt tới (hoặc gần tới) giới hạn tuổi thọ của loài; những cây này thường có sức đề kháng kém với sâu bệnh, thời tiết và những tác động của con người, nên rất cần quan tâm chăm sóc và bảo vệ đúng mức. Ông Hoàng Văn Phúc, trưởng bản Nà Sác và bà Vi Thị Hoài, cán bộ xã Sóc Hà – nơi có cây Sấu Di sản bị gãy cành, thay mặt bà con cảm ơn Hội Trung ương và tỉnh Cao Bằng đã quan tâm; đồng thời hứa sẽ thực hiện đúng theo sự chỉ dẫn của các chuyên gia.
Các vị lãnh đạo và bà con địa phương của tỉnh Cao Bằng đều bày tỏ đồng thuận với các giải pháp chăm sóc Cây Di sản do Hội BVTN&MT Việt Nam đưa ra. Từ các giải pháp mang tính quản lý, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, đến các giải pháp rất cụ thể hướng dẫn cho cộng đồng nhằm hạn chế những bất lợi của môi trường, cũng như những tác động trực tiếp của con người tới cây, để kéo dài tuổi thọ Cây Di sản, cũng như cho cây cổ thụ nói chung. /.