Vietnamese English
Ưu tiên chuyển dần từ nền kinh tế "nâu" sang "xanh" ở nước ta

10/29/2015 10:25:00 AM

(VACNE) - Góp ý kiến xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Ủy viên Thường vụ BCH TW Hội BVTN&MT VN


 

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi
Ủy viên Thường vụ BCH TW Hội BVTN&MT VN

 

Các Dự thảo văn kiện chuẩn bị trình Đại hội XII của Đảng là những văn kiện chính trị quan trọng, quyết định đường hướng phát triển và bảo vệ đất nước trong một giai đoạn tương lai gần. Trong số đó có Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI tại Ðại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Dự thảo này đã dành hẳn phần IX để nói về ‘Tăng cường quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu’.

Trong Dự thảo lần này, bên cạnh đánh giá tổng quát về những thành tựu đạt được trong lĩnh vực khai thác và quản lý tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu thời gian qua, Đảng ta cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém và những ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến sức khoẻ và đời sống nhân dân trong lĩnh vực này.Trên cơ sở tổng kết 30 năm đổi mới và kinh nghiệm thực tế của giai đoạn 2010-2015, Dự thảo đặt ra phương hướng thời gian tới là: ‘Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững theo hướng bảo đảm tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn’.Trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2010-2015, Đảng ta đã ban hành và thực hiện các chiến lược, chính sách và kế hoạch về tăng trưởng xanh, về ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, về bảo vệ môi trường,…Nhưng trong Dự thảo này không nhắc đến, dù rất khái quát, thành thử người đọc vẫn cảm thấy thiếu vắng những vấn đề cụ thể hoặc chưa phát hiện thấy triết lý phát triển mới và những luận điểm bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên khác so với các giai đoạn trước.

Dự thảo cũng xác định nhiệm vụ chủ yếu đến năm 2020 phải tạo ra bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên của đất nước,  kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính. Phải chăng cần nhấn mạnh thêm rằng nước ta sẽ ưu tiên chuyển dần từ nền kinh tế ‘nâu’ sang ‘xanh’. Các yếu tố ‘đầu vào’ quan trọng bảo đảm cho sự chuyển dịch nền kinh tế theo triết lý phát triển như vậy chính là tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực và tài chính. Còn các sản phẩm ‘đầu ra’ (sau quá trình sản xuất của ‘hộp đen’ kinh tế) là: sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh cao, phế thải phải được tận dụng tối đa, chất thải phải được xử lý trước khi thải ra môi trường, tác động xã hội từ các hoạt động kinh tế phải rõ ràng, bao gồm sinh kế người nghèo phải được cải thiện.

Như vậy, an ninh tài nguyên, an ninh môi trường, an ninh sinh thái, an ninh năng lượng và an ninh thực phẩm không còn là những vấn đề môi trường và tài nguyên đơn thuầnmà phải được xem là các yếu tố cấu thành của vấn đề an ninh quốc gia. Hoặc ít ra giữa chúng cũng có mối quan hệ đặc biệt với an ninh quốc gia, đòi hỏi phải cân nhắc trong các quyết định đầu tư dài hạn và các quyết sách phát triển mang tầm chiến lược. Mối quan hệ như vậy chưa được làm rõ và sâu sắc trong Dự thảo này.

Thế giới gần đây đã cho thấy các bài học ‘nhãn tiền’ về việc tận dụng tài nguyên như một ‘công cụ’ trong việc thực hiện ‘quyền lực mềm’ để giải quyết các quan hệ quốc tế và khu vực, thậm chí đụng đến cả vấn đề chủ quyền quốc gia.Trong khi tình trạng một số loại tài nguyên ở nước ta, thậm chí đóng vai trò chủ đạo, đang bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt thì vấn đề trên cần phải được bàn thảo và biểu thị thái độ mạnh mẽ hơn trong Dự thảo. Ngoài ra, cần chú trọng đến việc chuyển từ ưu tiên khai thác các tài nguyên ở dạng thô, tươi sống sang chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác các dạng tài nguyên tái tạo, các giá trị chức năng và dịch vụ của các hệ thống tài nguyên, bao gồm các hệ sinh thái.

Tuy nhiên, trong cấu trúc các mục của Dự thảo chỉ đưa ra 2 tiểu mục: (i) Tình hình và (ii) Phương hướng, nhiệm vụ, có lẽ nên thêm tiểu mục (iii) Giải pháp cơ bản. Được như vậy, người đọc sẽ dễ hiểu và cảm thấy có hành động và niềm tin vào tính khả thi. Bởi vì, trong thực tế không ít văn bản chính sách, chiến lược, chương trình, đề án Đảng và Nhà nước, Chính phủ ban hành với những mục tiêu cụ thể, nhưng khi đánh giá, tổng kết lại rất chung chung nên kết cục chẳng ai có khuyết điểm và không rút ra được bài học đúng. Tình trạng chủ trương đúng, thực hiện ‘lùng nhùng’ vẫn diễn ra phổ biến, cứ thế đội ngũ công chức sẽ dần yếu kém, cơ hội vì không làm hay làm ít vẫn có cách bao biện được.

Nước ta là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ của thiên tai, của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc biển và nằm trong khu vực Biển Đông có tranh chấp chủ quyền biển đảo phức tạp và lâu dài. Cho nên, bên cạnh vấn đề an ninh, chủ quyền quốc gia, chúng ta còn phải đối mặt với các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có tác động của biến đổi khí hậu (climate change) và biến đổi đại dương (ocean change) – một vấn đề còn ít được nhắc tới ở Việt Nam. Biến đổi đại dương biểu hiện ở các mặt như: biển đang ấm lên, nước biển đang bị axit hóa, nước biển dâng, biển bị ô nhiễm, thiếu ôxy, suy thoái nguồn lợi thủy sản, xói lở bờ biển và xâm nhập mặn tăng, phì dưỡng và thủy triều đỏ tăng, thay đổi cấu trúc dòng chảy biển, El-niino và La-niina tần xuất xuất hiện dày hơn gây ra hiện tượng đan xen giữa lũ lụt và khô hạn,…Cho nên, Dự thảo nên đưa thêm ‘biến đổi đại dương’ đi cùng với cụm từ ‘biến đổi khí hậu’ để làm nổi bật hình ảnh của một ‘Việt Nam biển. 

Lượt xem : 1785